"Nhật ký Vàng Anh" mở màn cho sự chuyên nghiệp làm phim truyền hình

Văn hóa - Ngày đăng : 01:58, 22/09/2006

(HNMĐT)- Bộ phim truyền hình

(HNMĐT)- Bộ phim truyền hình "Nhật ký Vàng Anh" của Hãng phim đài truyền hình Việt Nam (VFC) vừa phát trên sóng từ đầu tháng 9/2006 đã gây được sự chú ý của đông đảo khán giả truyền hình, bởi đây là lần đầu tiên phim truyền hình được đầu tư lớn và rất chuyên nghiệp. PV HNMĐT đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Đỗ Thanh Hải, người chịu trách nhiệm sản xuất "Nhật ký Vàng Anh" về bộ phim này.


Đạo diễn Đỗ Thanh Hải

Bộ phim Nhật ký Vàng Anh của VFC vừa lên sóng ngày 4/9 vừa qua rất thu hút sự chú ý của khán giả, anh có thể cho biết nội dung khái quát của bộ phim?

Đây là bộ phim truyền hình tương tác dành cho lứa tuổi học trò (Cấp 3) - lứa tuổi có nhiều thay đổi trong tâm lý,  tình cảm, các tình huống của phim rất gần gũi với đời sống lứa tuổi học trò. Nhật ký Vàng Anh (tên gốc Sofia’s Diary của Bồ Đào Nha) là chương trình truyền hình tương tác đa phương tiện phát sóng hàng ngày.

Bộ phim nói về cuộc sống hàng ngày của Vàng Anh, một cô bé tuổi học trò. Giống như bao bè bạn cùng trang lứa, cô phải đối mặt với nhiều vấn đề: bế tắc trong gia đình, tình yêu, và trường học. Cô đã viết ra những điều đó trong nhật ký của mình.

Mỗi tập phim sẽ dài khoảng 10-15 phút hàng ngày sẽ kết thúc bằng một tình huống khó xử của nhân vật, và khán giả chính là người sẽ giúp cô chọn giải pháp sáng suốt.

Được biết, lần đầu tiên VFC đâù tư mạnh tay tới tiền tỷ cho việc xây dựng phim trường của bộ phim, và như vậy chất lượng phim sẽ tốt đến đâu?

Có thể coi "Nhật ký Vàng Anh" mở màn cho sự chuyên nghiệp của phim truyền hình Việt Nam. Chúng tôi vừa khánh thành trường quay riêng cho Nhật ký Vàng Anh với tổng kinh phí dự án khoảng 9 tỷ đồng, đây cũng là lần đâù tiên VFC có trường quay riêng, nó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn làm phim rất nhiều vì sẽ không còn cảnh quay nhờ bối cảnh, mượn cảnh...làm ảnh hưởng đến tiến độ làm phim và chất lượng bối cảnh. Trường quay này chúng tôi được trang bị nhiều máy móc, thiết bị hiện đại như máy quay, hệ thống đèn, phông, màn, hệ thống âm thanh...

Việc có trường quay riêng thể hiện sự chuyên nghiệp trong việc sản xuất phim truyền hình. Khi có trường quay, chúng tôi được chủ động về bối cảnh, đoàn làm phim có thể làm phim lên lịch sản xuất, thu thanh trực tiếp ngay trong trường quay, quay xong cũng có thể dựng ngay...Nếu không có trường quay riêng, các công việc này khó mà sắp xếp được như ý. Việc thay đổi quy trình sản xuất sẽ tác động đến chất lượng phim.

Ngoài yếu tố phim trường, theo anh điều gì khiến bộ phim sẽ hấp dẫn khán giả trẻ?

Bộ phim được đảm bảo bởi chất lượng. Hai đạo diễn trẻ Nguyễn Hải Anh và Đỗ Gia Trung được tin tưởng giao cho làm đạo diễn phim này. Hai đạo diễn này đều là người rất có tiềm năng bởi họ đều đã được tham gia các lớp đâo tạo ở nước ngoài như Thái Lan, Đức...Diễn viên chính đóng vai cô bé Vàng Anh là Lê Minh Hương, sinh viên Nhạc viện Hà Nội - khoa nhạc dân tộc. Hai diễn viên phụ đóng vai bố và mẹ của Vàng Anh là Mạnh Cường và Thanh Quý. Ê-kíp biên kịch gồm có chị Đặng Diệu Hương...nên cách nhìn về nội dung kịch bản sẽ trẻ chung và hiện đại. Ngoài ra, đề tài bộ phim đã thoát ra khỏi đề tài thời chiến tranh, hậu chiến mà nó hoàn toàn nói về đề tài đương đại.

Việc tuyển chọn diễn viên riêng cho bộ phim này cũng được thực hiện kỹ lưỡng. Chúng tôi đã đăng thông báo tuyển diễn viên từ đầu năm và nhận được 3000 hồ sơ. Sau cùng chúng tôi đã chọn được 20 người phù hợp vào các vai chính và phụ cho bộ phim và cho đi đào tạo ngắn hạn để trang bị cho tốp diễn viên trẻ này những kỹ thuật diễn xuất.

Là bộ phim mua bản quyền của nước ngoài, liệu những tình tiết trong nội dung kịch bản nguyên gốc có phù hợp với phim truyền hình mang tính giáo dục không?

Những bộ phim truyền hình tương tác như thế này hiện đã có khá nhiều nước trên thế giới cũng thực hiện những phim tương tự và đạt hiệu quả rất cao. Hiện nay, vấn đề giáo dục giới tính cho tuổi vị thành niên gần như đang bị bỏ ngỏ mà phim truyện trên truyền hình là một công cụ rất tốt để hướng tuổi ô mai đến sự đúng đắn trong nhận thức và hành động về vấn đề tế nhị này. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ Việt hóa những nội dung giáo dục giới tính để phim gần gũi với tâm hồn tuổi vị thành niên và truyền thống văn hóa của người Việt. Bên cạnh đó, phim cũng đề cập đến văn hóa, ứng xử, tâm lý... tuổi mới lớn. Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên tham khảo ý kiến một số thành viên là sinh viên, cộng tác viên của các trung tâm tư vấn về tâm sinh lý tuổi vị thành niên....để nắm bắt tâm lý nhân vật nên bộ phim chắc chắn sẽ hút khán giả trẻ.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Thông tin thêm về Nhật ký Vàng Anh:

Nhật ký Vàng Anh (tên gốc Sofia’s Diary của Bồ Đào Nha) là chương trình truyền hình tương tác đa phương tiện phát sóng hàng ngày. Đây là thể loại phim ngắn độc đáo trên thế giới, nội dung có thể cùng lúc được phát trên truyền hình, website, điện thoại di động và báo chí. Với nhiều hình thức tương tác khác nhau, người sử dụng/ người xem truyền hình có thể mỗi ngày theo dõi và tác động đến diễn tiến của câu chuyện cũng như hành xử của nhân vật chính. Mỗi tập phim 5-10 phút hàng ngày sẽ được kết thúc bằng một tình huống khó xử của nhân vật, và khán giả chính là người sẽ giúp cô chọn giải pháp sáng suốt.

Nhật Ký Vàng Anh kết hợp sử dụng truyền thông cổ điển (truyền hình, báo chí) cùng với các phương tiện truyền thông tương tác mới như internet & mobile phone, tạo quan hệ tình cảm thật sự gắn bó giữa khán giả và "nữ hiệp khách’ nhân vật chính.

Chương trình gốc Sofia’s Diary hiện được phát sóng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và Malaysia. Nhật Ký Vàng Anh do Trung Tâm Phim Truyền Hình Việt Nam, VFC phối hợp cùng Đông Tây Promotion sản xuất; Diana chịu trách nhiệm là nhà tài trợ chính của chương trình.

Chương trình 10 phút được phát sóng thứ Hai-Sáu trên VTV3, 17:50-18:00. Phát lại 11h50 hôm sau; Chương trình 30 phút được phát sóng Chủ Nhật trên VTV3, lúc 17h30-18h00.

Tuyết Minh (thực hiện)

TUYETMINH