Bác sĩ tại nhà: Chế độ ăn cho người đau dạ dày
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:19, 27/08/2022
Đáp: Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày - tá tràng rất đa dạng, thường gặp nhất là các yếu tố như chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý, nhiễm vi khuẩn HP, lạm dụng thuốc.
Lạm dụng rượu, bia, thuốc lá, cà phê; ăn đồ quá cay, nóng, đồ chiên xào; ăn không đúng bữa, ăn vội vàng, nhai không kỹ..., đó là những nguyên nhân phổ biến gây viêm loét dạ dày - tá tràng và làm bệnh trầm trọng thêm.
Bệnh nhân bị viêm loét dạ dày - tá tràng nếu không được điều trị tốt có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như hẹp môn vị, chảy máu ổ loét dạ dày, tá tràng, thủng ổ loét, thậm chí ung thư dạ dày.
Khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc viêm loét dạ dày - tá tràng thì cần đi khám để được chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả.
Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng có thể được điều trị bằng thuốc kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.
Để giảm tác động tiêu cực do bệnh, trước tiên cần điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp. Cần tránh lo âu, căng thẳng, đi ngủ sớm, tập thể dục đều đặn; ăn thức ăn mềm, chia thành nhiều bữa, ăn chậm, nhai kỹ, không nên ăn quá no, tránh các chất kích thích, gia vị mạnh.
Ngoài ra, cần hạn chế thực phẩm giàu chất béo như đồ ăn chiên rán, thịt xông khói, bánh pizza, bơ, sô cô la, pho mai, xúc xích. Cần nhớ rằng, thực phẩm có tính cay nóng như ớt, tiêu dễ gây ra chứng ợ nóng dẫn đến kích ứng niêm mạc dạ dày và làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm loét.
Cần hạn chế thực phẩm có tính axit cao như bún, cà chua, măng, các loại dưa chua để tránh gây kích ứng dạ dày, khiến cơn đau trầm trọng hơn.
Không nên uống rượu, bia vì tất cả các loại rượu, bia, đặc biệt là rượu mạnh, đều gây kích thích dạ dày và làm chậm quá trình chữa lành bệnh. Đồ uống cà phê, trà đặc... không tốt cho người bệnh đau dạ dày.
ThS.BS Nguyễn Ngọc Đan
Chuyên khoa tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn