62 ca tử vong do sốt xuất huyết, bác sĩ cảnh báo nguy hiểm khi truyền nước tại nhà

Sức khỏe - Ngày đăng : 10:44, 31/08/2022

(HNMO) - Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 8-2022, cả nước ghi nhận 62.411 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 12.600 ca so với tháng 7); trong đó có 25 trường hợp tử vong (tăng 17 ca so với tháng trước). Như vậy, tính chung 8 tháng của năm 2022, cả nước ghi nhận 165.844 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 62 trường hợp tử vong.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được điều trị, chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Thời điểm này, tại các bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đang điều trị gần 30 ca sốt xuất huyết, trong đó gần 10 ca nặng.

Đơn cử như trường hợp của nữ bệnh nhân 38 tuổi ở huyện Thường Tín, Hà Nội được đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương ở ngày thứ 4 khi nhiễm bệnh. Trước đó, bệnh nhân có triệu chứng sốt cao, đau đầu, tự điều trị tại nhà nhưng bệnh không giảm. Vào khoa Cấp cứu, chị đã trong tình trạng khó thở, thiếu máu, phổi tổn thương, tiểu cầu giảm, rối loạn đông máu nặng, suy thận…

Trước thực tế nhiều người mắc sốt xuất huyết đã tự ý điều trị tại nhà, thậm chí là truyền dịch tại nhà, Tiến sĩ, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) đã đưa ra cảnh báo về sự nguy hiểm khi tự truyền nước tại nhà.

Theo bác sĩ Thân Mạnh Hùng, việc tự truyền nước tại nhà hoặc sử dụng các dịch vụ tại nhà mà không có sự kiểm soát chặt của nhân viên y tế rất nguy hiểm. Khi truyền dịch tại nhà, mọi người có thể bị phản vệ ngay với dịch truyền. Trong khi đó, điều kiện cấp cứu tại nhà không thể tốt và đầy đủ như ở các cơ sở y tế, đặc biệt là các hộp chống sốc cũng như các phương tiện cấp cứu khác.

 Quận Hai Bà Trưng tiến hành phun hóa chất phòng sốt xuất huyết.

“Không phải bệnh nhân nào cũng cần được truyền dịch. Bởi vì dịch truyền đôi khi làm tăng gánh nặng của tim, gây ra tình trạng nguy hiểm ở nhóm người mắc bệnh tim mạch hay hô hấp. Ngoài ra, khi truyền dịch tại nhà, điều kiện về sát khuẩn như bông băng, cồn có thể không đảm bảo bằng ở các cơ sở y tế, do đó, việc nhiễm khuẩn trong khi thao tác truyền rất dễ xảy ra”, bác sĩ Thân Mạnh Hùng lưu ý.

Đối với bệnh sốt xuất huyết, bác sĩ Thân Mạnh Hùng cho biết, trong những ngày đầu (thường là 4 ngày đầu), người bệnh có thể được chỉ định truyền dịch. Đến khi bệnh nhân bắt đầu bước vào trạng thái thoát dịch, tăng tính thấm thành mạch, lúc này, truyền dịch không kiểm soát có thể gây tràn dịch màng phổi, tim, bụng dẫn đến suy hô hấp, tuần hoàn. Việc tự ý truyền nước làm nặng thêm quá trình bệnh. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để khám, chẩn đoán và nghe tư vấn của bác sĩ nếu muốn truyền dịch, không tự ý truyền tại nhà.

Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy, lăng quăng như: Thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng… Ngoài ra, người dân cần ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Đặc biệt, khi người dân có dấu hiệu bị sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, phát hiện sốt xuất huyết và tư vấn điều trị phù hợp, không tự ý điều trị tại nhà.

Thu Trang