Tháo gỡ những vướng mắc trong bán nhà theo NĐ 61/CP

Kinh tế - Ngày đăng : 08:07, 18/09/2006

Ngày 5-7-1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/CP về mua bán và kinh doanh nhà ở, trong đó quy định về việc bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê. Qua 12 năm thực hiện, chính sách trên đã góp phần cải thiện rõ rệt điều kiện về chỗ ở cho hàng vạn hộ gia đình. Tuy nhiên, việc bán nhà ở vẫn còn rất chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Quỹ nhà ở khá nhiều trong khi tiến độ giải quyết việc bán nhà cho người dân theo NĐ 61/CP còn chậmNgày 5-7-1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/CP về mua bán và kinh doanh nhà ở, trong đó quy định về việc bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê. Qua 12 năm thực hiện, chính sách trên đã góp phần cải thiện rõ rệt điều kiện về chỗ ở cho hàng vạn hộ gia đình. Tuy nhiên, việc bán nhà ở vẫn còn rất chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Những địa phương có nhiều nhà thuộc sở hữu Nhà nước đều chưa hoàn thành việc bán nhà ở theo thời hạn mà Chính phủ đã quy định (cả nước mới có khoảng 45% quỹ nhà Nhà nước được bán cho người dân). Trong khi thời hạn cuối cùng để đăng ký mua nhà (ngày 31-10-2006) đang đến gần, tại Hà Nội, hàng chục nghìn hồ sơ mua nhà còn ùn ứ tại các cơ quan chức năng.

Nguyên nhân của tình hình trên là do việc chuyển giao nhà ở từ các cơ quan tự quản sang cơ quan quản lý nhà đất của địa phương còn chậm, thủ tục hành chính rườm rà, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người mua còn chậm, một số quy định về thu tiền và phương thức trả góp quy ra vàng chưa phù hợp với thực tế...

Để đẩy nhanh tiến độ bán nhà, giải quyết bức xúc cho người mua và chấn chỉnh công tác quản lý quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, ngày 7-9-2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 23/2006/NQ-CP về một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê theo Nghị định 61/CP ngày 5-7-1994.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị đang quản lý quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước phải chuyển giao toàn bộ quỹ nhà này cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 31-12-2006. Nếu không thực hiện chuyển giao, đơn vị đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về những thiệt hại do nhà ở bị hư hỏng hoặc do buông lỏng quản lý gây ra thất thoát, tiêu cực. Những khu nhà không xác định được cơ quan quản lý thì chính quyền các tỉnh, thành phố tiến hành thủ tục quản lý mà không cần có văn bản thỏa thuận của cơ quan quản lý.

Đây được xem là biện pháp tháo gỡ quan trọng bởi nếu không được chuyển giao, các địa phương sẽ không thể bán được nhà cho dân. Thực tế cho thấy, trên địa bàn Hà Nội hiện nay còn nhiều cơ quan vẫn đang “cố gắng” quản bằng được quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước mà không chịu bàn giao. Hậu quả là những người dân ở những khu nhà này muốn mua nhà theo Nghị định 61/CP mà không được vì nhà không thuộc quyền quản lý của thành phố !

Theo thống kê, Hà Nội đã bán được 82.000 căn, TP.Hồ Chí Minh đã bán được 54.963 căn, thành phố Hải Phòng bán 10.000 căn, thành phố Đà Nẵng đã bán 3.530 căn. Theo Sở TN-MT&NĐ, Hà Nội hiện có 38.402 hộ gia đình ở nhà cơ quan tự quản. Trong đó, có 23.550 trường hợp ở nhà cấp 4 đã bị phá đi, xây dựng lại hoặc đã được cơ quan “tự thanh lý”.

Cũng theo Nghị quyết này, giá đất khi bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê được thực hiện theo giá mà UBND cấp tỉnh, thành phố đã áp dụng tại thời điểm ngày 31-12-2004. Như vậy, tại Hà Nội, giá đất để tính tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ nhà đất, thuế chuyển quyền sử dụng đất khi mua nhà không có gì thay đổi và vẫn là mức giá hiện hành (giá đất quy định tại Quyết định số 3519/QĐ-UB và Quyết định số 35/2004/QĐ-UB nhân với hệ số K = 1,8 đối với khu vực nội thành và thị trấn Gia Lâm cũ, trừ các xã và thị trấn thuộc huyện Gia Lâm và huyện Thanh Trì mới chuyển thành phường của quận Hoàng Mai và Long Biên; hoặc nhân với K = 1,5 đối với các khu vực còn lại).

Mức thu tiền sử dụng đất khi bán nhà thực hiện theo quy định tại Nghị định 61/CP và Nghị định 21/CP. Ngoài ra, khi người dân mở rộng diện tích liền kề với nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, nếu phù hợp với quy hoạch xây dựng thì người mua nhà phải nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích mở rộng đó theo Nghị định 61/CP. Giá nhà ở cấp 4 từ cơ quan tự quản chuyển giao mà trước khi chuyển giao chưa có hợp đồng thuê nhà và người thuê đã phá dỡ xây dựng lại thì giá trị còn lại của nhà được tính bằng 0 (bằng không). Việc miễn giảm tiền sử dụng đất và tiền nhà khi bán nhà ở theo NĐ 61/CP thực hiện theo các chế độ ban hành trước ngày 1-1- 2005.

Đặc biệt, người mua nhà trả dần trong 10 năm thì số tiền còn lại được thanh toán trong mỗi năm tiếp theo bằng tiền đồng Việt Nam (không quy đổi ra vàng) cộng với tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng thương mại tại thời điểm thanh toán. Những trường hợp mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61/CP được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo quy định tại Nghị định 60/CP (sổ hồng) cho đến khi Nghị định của Chính phủ hướng dẫn Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành.

UBND cấp tỉnh và Bộ Xây dựng được giao trách nhiệm rất cụ thể trong việc sử dụng số tiền bán nhà, kiểm tra, giám sát các đơn vị được giao nhiệm vụ bán nhà...Toàn bộ số tiền bán theo Nghị định 61/CP được chuyển vào Quỹ phát triển nhà ở của địa phương theo quy định tại Luật Nhà ở. Những địa phương trước đây đã sử dụng tiền bán nhà không đúng với quy định tại Nghị định số 61/CP phải có kế hoạch hoàn trả cho Quỹ phát triển nhà ở để phát triển nhà ở xã hội.

Cũng tại Nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, xây dựng giá cho thuê nhà ở áp dụng đối với nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước chưa được xây dựng lại làm cơ sở sửa đổi, bổ sung Quyết định số 118/TTg (ngày 27-11-1992) về “giá cho thuê nhà ở và đưa tiền nhà ở vào tiền lương” để trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II-2007.

Đức Trường

ANHTHU