Phòng dịch sốt xuất huyết trong mùa mưa bão
Sức khỏe - Ngày đăng : 05:34, 04/09/2022
Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp
Báo cáo giám sát trong hai tuần đầu tháng 8 của CDC cho thấy, chỉ số bọ gậy/ lăng quăng - ấu trùng muỗi, mầm bệnh gây sốt xuất huyết - tại một số khu vực đang cao vượt ngưỡng. Bên cạnh đó, hai tháng 9 - 10 thường là thời điểm cao trào của dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội.
Chỉ số bọ gậy là kết quả đếm toàn bộ số lượng bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước khác nhau, nhằm xác định nguồn phát sinh và mức độ của bọ gậy/ muỗi ở nhiều khu vực, theo mùa trong năm hoặc theo từng giai đoạn. Trong đó, chỉ số BI là số dụng cụ chứa nước có bọ gậy/ muỗi trong 100 nhà dân được điều tra. Nếu chỉ số này từ 30 trở lên tức là nguy cơ có dịch bệnh sốt xuất huyết. Tại khu vực miền Bắc, chỉ số BI là từ 20 trở lên.
Ghi nhận tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, chỉ tính riêng trong 2 tuần qua Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 8 ca mắc sốt xuất huyết nặng, trong đó một bệnh nhân đã tử vong. Đây là trường hợp bệnh nhân nam nhập viện điều trị vào ngày thứ 6 của bệnh. Khi được chuyển vào khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã có dấu hiệu suy hô hấp, xuất huyết trong cơ, thoát dịch, rối loạn chuyển máu nặng, suy đa tạng. Dù đã đặt ống nội khí quản, thở máy nhưng bệnh nhân đã tử vong.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất khi bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue thì cần phải theo dõi rất sát các dấu hiệu sinh tồn cũng như các dấu hiệu cảnh báo có thể xuất hiện trong quá trình bệnh nhân nhiễm bệnh. Tiến sĩ, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết, có trường hợp sau khi xuất hiện triệu chứng sốt cao, đau đầu, bệnh nhân tự điều trị ở nhà 2 ngày không đỡ, kèm thêm các triệu chứng đau đầu, đau mỏi người, nôn nhiều, đặc biệt là bệnh nhân bắt đầu có tình trạng rối loạn ý thức thì gia đình mới đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Không nên tự ý điều trị tại nhà
Bác sĩ Hùng khuyến cáo, trong bối cảnh dịch chồng dịch như hiện nay, người dân khi có bất kỳ triệu chứng như sốt, ho, đau mỏi người thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán. Khi có dấu hiệu sốt cao, nhiều bệnh nhân chủ quan cho rằng sốt thông thường nên tự ý dùng thuốc kháng sinh, thuốc hạ sốt, đến khi bệnh trầm trọng thì mới nhập viện điều trị. Điều này hết sức nguy hiểm.
Khi mắc sốt xuất huyết, người dân không nên tự truyền nước tại nhà hoặc sử dụng dịch vụ y tế tại nhà mà không có sự kiểm soát chặt chẽ của nhân viên y tế. Bởi không phải bệnh nhân sốt xuất huyết nào cũng cần truyền dịch và được truyền dịch, việc truyền dịch phải được nhân viên y tế chỉ định.
Bệnh sốt xuất huyết thường trở nặng từ ngày thứ 4, lúc này bệnh nhân bị thoát huyết tương, tăng thấm thành mạch. Nếu có dấu hiệu như chảy máu chân răng, nôn ra máu, đau bụng, bồn chồn, vật vã... thì cần nhanh chóng đến bệnh viện. Đáng lo ngại, người béo phì, có bệnh nền khi mắc sốt xuất huyết thì có thể dẫn đến các biến chứng nhanh, ảnh hưởng đến tính mạng như xuất huyết, suy đa tạng, sốc, viêm cơ tim.
Nhiều người lầm tưởng mỗi người chỉ mắc sốt xuất huyết một lần trong đời là đã có kháng thể. Nhưng thực tế, vi rút Dengue có 4 loại, do vậy một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần với 4 loại vi rút khác nhau.
Hiện miền Bắc đang trong giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Thời tiết mưa nhiều, muỗi truyền bệnh phát triển, số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng nhanh, mỗi người dân cần đặc biệt cảnh giác, chủ động phòng bệnh bởi bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Để phòng bệnh, mọi người cần thường xuyên vệ sinh nhà cửa, môi trường xung quanh nhà, loại bỏ nơi sản sinh của muỗi, dẹp bỏ các dụng cụ chứa nước tù đọng, diệt bọ gậy/ lăng quăng. Ngoài ra, người dân cần chú ý phương án bảo hộ thích hợp để không bị muỗi đốt.