Cẩn trọng khi nhịn ăn để giảm cân
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:31, 05/09/2022
Chỉ phù hợp với một số nhóm nhỏ...
Thời gian gần đây trên mạng xã hội, phương pháp nhịn ăn gián đoạn để giảm mỡ thừa trên cơ thể được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Với phương pháp này, thời gian ăn trong ngày chỉ từ 6-8 giờ (nhưng hạn chế thực phẩm chứa calo) và phải nhịn ăn trong 16-18 giờ còn lại hoặc nhịn ăn liên tục trong vòng 16 đến 24 giờ, áp dụng hai lần/tuần.
Vì có thân hình mũm mĩm, nên khi thấy chủ một tài khoản trên mạng xã hội chia sẻ bản thân đã giảm được 8kg trong vòng 2 tháng nhờ áp dụng phương pháp trên, chị Đặng Phương Anh, 29 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội quyết định thử. “Hằng ngày, tôi chỉ ăn từ 12h đến 20h, nhịn qua đêm và bỏ bữa sáng. Áp dụng đến ngày thứ 5 thì cơ thể bắt đầu cảm thấy mệt, nhất là vào buổi sáng. Do đó, tôi không dám nhịn, ngược lại lúc này lại thèm ăn rất nhiều. Kết quả là cân nặng không những không giảm, mà còn tăng hơn trước”, chị Đặng Phương Anh chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về phương pháp nhịn ăn gián đoạn, bà Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho hay, tỷ lệ người béo phì trong cộng đồng ngày càng cao, nên việc áp dụng những phương pháp giảm cân là điều tốt. Song, việc nhịn ăn gián đoạn không phải ai cũng áp dụng được. Chẳng hạn, những người bị rối loạn chuyển hóa, bị hạ đường huyết, mắc bệnh đái tháo đường, nếu nhịn ăn trong khoảng thời gian dài, dễ dẫn tới nguy cơ hạ đường huyết, ngất, hôn mê…
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, áp dụng nhịn ăn gián đoạn khiến cơ thể trong một khoảng thời gian dài không được nạp năng lượng, dẫn đến việc thiếu hụt dinh dưỡng, gây mệt mỏi, mất ngủ, mất nước, mất khối cơ... và ảnh hưởng đến dạ dày. Đặc biệt, nếu nhịn ăn vào buổi sáng, rất dễ dẫn đến tình trạng đau dạ dày. Với những người đã có tiền sử bệnh lý về dạ dày, viêm dạ dày, nếu áp dụng phương pháp nhịn ăn này, bệnh rất dễ nặng hơn.
Các chuyên gia dinh dưỡng đều cho rằng, phương pháp trên chỉ phù hợp cho một số nhóm người thường xuyên phải dự các bữa tiệc, ăn nhậu nhiều…, muốn giảm cân sau đó, hoặc những người lao động nhẹ. Tuy nhiên, trong thời gian nhịn ăn, nếu xuất hiện các triệu chứng: Chóng mặt, hoa mắt, bủn rủn chân tay… thì phải ăn nhẹ, không được tiếp tục nhịn đói vì có thể ngất, hạ đường huyết, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Không nên nhịn đói, hãy chia nhỏ bữa ăn
Tình trạng béo phì gia tăng chủ yếu do chế độ ăn không cân đối, ăn nhiều đồ ngọt, thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ…, ít vận động. Bà Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia khẳng định, nguyên tắc giảm cân chủ yếu là phải giảm năng lượng đầu vào, hạn chế đồ ăn nhanh, chế biến sẵn và tăng cường vận động thể lực.
“Với những trường hợp thừa cân, chúng tôi không tư vấn áp dụng biện pháp nhịn ăn gián đoạn. Đặc biệt, với trẻ em không nên áp dụng biện pháp này. Bởi, cơ thể trẻ đang phát triển, nếu bị cắt giảm chất dinh dưỡng quá mức sẽ ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần. Để vừa đạt hiệu quả giảm cân, vừa an toàn cho sức khỏe, trước khi áp dụng bất kỳ chế độ ăn nào, nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia”, bà Lê Thị Hải nói.
Đề cập đến nguyên tắc giảm cân an toàn, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, mọi người cần ăn theo thực đơn quen thuộc hằng ngày, nhưng có sự điều chỉnh cho hợp lý. Nếu cố gắng ăn theo một chế độ hạn chế, khác với thực đơn hằng ngày, thì chỉ có thể áp dụng trong một khoảng thời gian ngắn. Trong khoảng thời gian đó, cân nặng có thể giảm, nhưng sau khi trở lại ăn theo thực đơn quen thuộc, cân nặng sẽ tăng trở lại. Do đó, để giảm cân an toàn và bền vững, không nên nhịn đói, mà cần ăn nhiều bữa nhỏ. Ở mỗi bữa đó, số lượng thức ăn ít thì tốt hơn là ăn ít lần, nhưng nhiều thức ăn. Lựa chọn những loại thức ăn ít năng lượng, thay vì nhịn đói.
“Ăn đủ đạm, sinh tố và khoáng chất; thực đơn phải bảo đảm đủ lượng thịt, cá, rau, trái cây. Giảm các loại thức ăn nhiều năng lượng, như thức ăn nhiều mỡ, các món ăn chiên, quay, xào, thịt mỡ, lòng, óc… và các loại đồ ngọt như bánh kẹo, mật ong, sữa đặc có đường, nước ngọt… Tăng cường thức ăn nhiều chất xơ, ít năng lượng để đủ no, như rau, trái cây ít ngọt, cá, đậu phụ… Ăn nhiều vào buổi sáng, buổi trưa và giảm về chiều tối, bữa ăn cuối ngày trước lúc đi ngủ ít nhất là 3 giờ. Vào bữa nên ăn nhiều món rau trước (canh, rau luộc), trái cây ít ngọt, sau đó mới ăn cơm, thịt cá…”, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến khuyến cáo.