Nghiêm túc phòng, chống để dịch Covid-19 không ''nóng'' trở lại
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:00, 11/09/2022
Nới lỏng nhưng không buông lỏng
Dịp lễ, tại một số thành phố lớn, khu du lịch, các khu mua sắm, trung tâm thương mại, lượng người dân tập trung mua sắm rất đông. Tuy nhiên, một bộ phận khách hàng, trong đó có người già và trẻ nhỏ không đeo khẩu trang. Tại nhiều nơi, nước rửa tay cho khách hàng được xếp gọn một góc hoặc đều là các chai đã hết. Có thể nói, tâm lý chủ quan của người dân thể hiện rõ. Nhiều người cho rằng, đã tiêm 2 - 3 mũi vắc xin là không sợ bị mắc Covid-19 hoặc có mắc cũng nhẹ nên vô tư bỏ qua các biện pháp phòng, chống dịch. Bởi vậy, theo các chuyên gia y tế, nguy cơ lây truyền dịch là rất cao.
Ngoài ra, những địa điểm vui chơi đông kín người là điều kiện để vi rút xâm nhập, không chỉ có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 mà cả các loại dịch bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng...
Theo Bộ Y tế, trong nước đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74. Bên cạnh đó, số ca nhiễm Covid-19 những ngày gần đây liên tiếp lập đỉnh so với ba tháng trước. Số ca Covid-19 nặng gia tăng rõ rệt, riêng ngày 4-9 có 1.390 ca mắc mới Covid-19, một bệnh nhân tại Thanh Hóa tử vong. Được biết, khoảng 35% trong số bệnh nhân nặng và tử vong do chưa tiêm hay tiêm chưa đủ liều vắc xin; với những ca khác, dù đã tiêm đủ liều nhưng vẫn có thể trở nặng do mắc các bệnh nền nghiêm trọng hoặc bị suy giảm miễn dịch.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho hay, sau dịp nghỉ lễ 2-9, việc gia tăng ca nhiễm Covid-19 là tất yếu. Bởi hiện có nhiều người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng, không biết mình bị bệnh nên vẫn giao lưu ngoài cộng đồng, tạo ra nguy cơ lây lan dịch. Bên cạnh đó, hiện việc tuân thủ khai báo, cách ly không còn nghiêm ngặt như trước nên các trường hợp bị Covid-19 nhẹ vẫn tham gia các hoạt động vui chơi. Đây là yếu tố làm tăng nguy cơ gia tăng ca nhiễm. “Nới lỏng nhưng không buông lỏng, vẫn phải dự phòng đồng bộ, đặc biệt là trong môi trường kín, nơi tiếp xúc đông người, hoặc tiếp xúc gần với người có triệu chứng” - ông Phu nói.
Vắc xin vẫn là chìa khóa chống dịch
Để phòng, chống dịch, theo các chuyên gia, vắc xin vẫn là biện pháp quan trọng; ngoài ra, cần chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản phản ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Theo ông Trần Đắc Phu, sự xuất hiện số ca mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ trong thời gian gần đây chính là kết quả từ việc chúng ta đã tiêm vắc xin kịp thời. Nhưng miễn dịch vắc xin không bền vững, sau 4 - 6 tháng sẽ giảm đi. Tới nay, chúng ta đã trải qua thời gian tiêm mũi 3 được khoảng 5 tháng, đã giảm miễn dịch, do đó cần phải tiêm mũi 4, 5 tăng cường.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho hay, hiện Bộ Y tế đang tập trung rà soát nhóm người cao tuổi, có bệnh nền, chưa tiêm vắc xin để thực hiện tiêm vét vắc xin với đối tượng chưa tiêm mũi nào hoặc chưa tiêm mũi bổ sung. Do người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch sẽ giảm khả năng miễn dịch nhanh hơn so với người khác nên việc tiêm nhắc lại là cần thiết.
Hiện nay, học sinh đã vào năm học mới và đó cũng là thời điểm thời tiết thay đổi thất thường, thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút phát triển, lây lan nhanh và bùng phát thành dịch, chưa kể dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại. Do đó, phụ huynh nên cho trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ. Về phía ngành Y tế, theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, cơ quan này sẽ đẩy mạnh các giải pháp để đảm bảo thực hiện song song cả chiến dịch tiêm chủng mở rộng và chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Bộ Y tế kêu gọi các bậc phụ huynh hãy vì sức khỏe của con em, đừng để các em phải bị gián đoạn việc học tập do mắc Covid-19 vì chưa được tiêm vắc xin; không nên vì những lời đồn đại thiếu cơ sở khoa học mà không cho con em tiêm vắc xin phòng Covid-19, bỏ lỡ cơ hội để con em được bảo vệ trước sự tấn công của vi rút SARS-CoV-2.
Bên cạnh việc tiêm vắc xin đầy đủ, phụ huynh nên chú trọng vệ sinh đường hô hấp cho trẻ như nhỏ nước mũi, súc miệng nước muối, rửa tay, khử khuẩn thường xuyên... Người lớn cũng cần giữ vệ sinh, như đi ra ngoài về cần rửa tay, khử khuẩn tay trước khi bế ẵm trẻ nhỏ. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị.