Hiến kế để du lịch Tuyên Quang phát triển
Đời sống - Ngày đăng : 16:58, 03/04/2022
Nỗ lực phục hồi du lịch
Tuyên Quang được biết là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, có vị thế chiến lược quan trọng, từng là “Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến”. Với hơn 600 di tích lịch sử, văn hóa cùng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, Tuyên Quang được đánh giá là “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống và là địa điểm tham quan hấp dẫn của du khách với các loại hình du lịch hấp dẫn.
Xác định du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, những năm qua, Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch. Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Tiến Hưng chia sẻ: Thời gian qua, Tuyên Quang đã xây dựng 5 sản phẩm du lịch đặc sắc gồm: Du lịch hoài niệm (Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, Di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình); du lịch nghỉ dưỡng (Suối khoáng Mỹ Lâm); du lịch tâm linh (các đền, chùa tại thành phố Tuyên Quang); du lịch sinh thái (Na Hang, Lâm Bình); du lịch lễ hội (Lễ hội thành Tuyên, Lễ hội nhảy lửa).
Để khôi phục hoạt động du lịch, thúc đẩy tăng trưởng và hưởng ứng Chương trình phát động du lịch nội địa thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tỉnh đã tổ chức khai mạc Năm du lịch Tuyên Quang và Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần thứ nhất - năm 2022; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các điểm đến, các sản phẩm du lịch hấp dẫn, xây dựng hình ảnh du lịch “Tuyên Quang - Nơi vẻ đẹp hội tụ” và là điểm đến an toàn, hấp dẫn.
Đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời của Tỉnh ủy, UBND và các ban, ngành của tỉnh Tuyên Quang, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, chuỗi sự kiện, hoạt động này đã hội tụ những thông điệp rõ nét về Tuyên Quang. “Tuyên Quang sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng cùng phong cảnh hùng vĩ, thiên nhiên sinh thái đặc sắc có thể tạo nên các sản phẩm, trải nghiệm du lịch hấp dẫn với cuộc sống của đồng bào các dân tộc tạo nhằm thu hút du khách.
Nâng cao chất lượng để thu hút khách chi tiêu cao
Nhìn nhận về thế mạnh du lịch cộng đồng và sự đa dạng của sản phẩm du lịch, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội cho rằng, Tuyên Quang cần chú trọng đầu tư hơn nữa cho hệ thống cơ sở lưu trú, đặc biệt là hệ thống homestay tại các huyện Na Hang, Lâm Bình. “Nếu không thay đổi, Tuyên Quang sẽ chỉ đón được dòng khách có mức chi tiêu thấp. Như thế sẽ lãng phí công sức truyền thông trong những năm qua”.
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng nhấn mạnh tới việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh; cần chú trọng đến việc gìn giữ những nếp nhà, những ngôi làng mang nét đặc trưng của từng dân tộc. “Nếu để mất những yếu tố đó sẽ mất đi tài nguyên vô giá, đồng thời mất cả nguồn khách”, ông Hùng nói.
Với quan điểm một sản phẩm du lịch tốt không chỉ đòi hỏi chất lượng cao mà còn cần tạo nên cảm xúc thăng hoa cho du khách, bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó Giám đốc Ban Phát triển sản phẩm Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng: “Điểm sáng của Tuyên Quang là bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số với những đặc trưng văn hóa có thể xâu chuỗi thành một câu chuyện, nhằm tạo sự thăng hoa và cảm xúc cho du khách. Họ sẽ chia sẻ với bạn và người thân và đó chính là cách tuyên truyền tốt nhất để thu hút du khách đến với Tuyên Quang”.
Chia sẻ về phương hướng phát triển trong thời gian tới, ông Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, năm 2022, tỉnh sẽ tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông - một trong những “điểm nghẽn” với phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng của tỉnh. “Hai tuyến đường nối với cao tốc Hà Nội - Lào Cai và đường nối cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn 2/3 thời gian từ Hà Nội lên Tuyên Quang, Hà Giang, qua đó, phát triển liên tuyến du lịch Hà Nội - Tuyên Quang - Hà Giang. Cùng với đó, tỉnh cũng tập trung đầu tư nâng cấp Khu di tích lịch sử Tân Trào, đưa Làng văn hóa Tân Trào trở thành điểm du lịch độc đáo của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh, thể thao tại khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm do Tập đoàn Vin Group đầu tư”, ông Hoàng Việt Phương chia sẻ.