Làng Trung Tựu

Xã hội - Ngày đăng : 13:46, 12/09/2006

(HNMĐT) - Làng Trung Tựu tên gốc là Trung Đam, vốn là một bộ phận của làng Tây Đam (làng Đăm), chưa rõ vào thời nào tách ra thành một làng riêng, gọi là làng Đăm Thượng.

(HNMĐT) - Làng Trung Tựu tên gốc là Trung Đam, vốn là một bộ phận của làng Tây Đam (làng Đăm), chưa rõ vào thời nào tách ra thành một làng riêng, gọi là làng Đăm Thượng.

Giữa thế kỷ XVIII, một số người có thế lực trong làng đứng đơn xin tách thành xã riêng, song bịcác chức dịch xã Tây Đam phản đối gay gắt, nên làng chỉ được “biệt thu đồng nạp” (thu thuế riêng nhưng phải nộp qua các chức dịch xã Tây Tựu), mãi đến cuối thế kỷ XVIII mới được “biệt thu biệt nạp”, tức tách ra thành xã riêng thuộc tổng Tây Đam, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây (năm 1831, thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội; năm 1902 thuộc tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 đổi làm tỉnh Hà Đông).

Đầu thập kỷ 20 của thế kỷ XIX, vì kỵ huý Vua Minh Mạng (1791 - 1841), nên các làng vùng Đăm phải đổi tên (Tây Đam thành Tây Tựu, Trung Đam thành Trung Tựu).

Trong kháng chiến chống Pháp, Trung Tựu hợp với các làng bên thành Trung Kiên thuộc huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Tháng 5 - 1961, xã Trung Kiên được chuyển về huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Năm 1965, xã Trung Kiên đổi tên là Tây Tựu.

Trung Tựu là một làng nhỏ (năm 1928 làng chỉ có 513 nhân khẩu), trai đinh trong làng sinh hoạt trong 4 giáp : Nhạn Đông, Nhạn Tây, Tự Đông, Tự Tây. Dân làng chủ yếu sống bằng làm ruộng, song cả làng chỉ có trên 50 mẫu ruộng nên xưa kia rất nghèo khổ.

Tuy nghèo, nhưng người làng Đăm Thượng có truyền thống học hành thành đạt. Mở đầu là Chu Đăng Long đỗ Hương cống khoa Quý Dậu niên hiệu Cảnh Hưng (1753)- theo gia phả dòng họ. Nổi bật nhất là họ Đặng với 5 người đỗ Cử nhân. Họ này là một nhánh của họ Đặng Trần ở làng Thượng Yên Quyết chuyển đến. Mở đầu là Đặng TrầnHanh, đỗ Cử nhân khoa Canh Ngọ đời Tự Đức (1870). Ông có tính khẳng khái, hay đả kích các thói hư tật xấu của quan lại và bọn cường hào làng xã, từng làm bài Tập Kiều đả kích cả Hoàng Cao Khải nên bị tên Việt gian này điều lên biên giới L:ạng Sơn. Con Đặng Trần Hanh là Đặng Trần Vỹ đỗ Giải nguyên (đỗ đầu) khoa thi Hương năm Tân Mão niên hiệu Thành Thái (1891). Anh ruột ông là Đặng Trần Quang lại đỗ sau, khoa Bính Tý (1876) làm Tri huyện một thời gian rồi cáo quan về nhà làm thuốc chữa bệnh. Ông Quang là ông nội của Nhà văn quân đội Trần Đăng (Đặng Trần Thi, 1922 - 1949) sau này.

Họ Đặng còn có Đặng Trần Tiến đỗ Cử nhân khoa Đinh Dậu (1897), Đặng Trần Quynh (1903). Trước đây làng có Văn chỉ lập năm Thành Thái thứ bảy (1895) để ghi tên và tôn thờ những người đỗ đạt, nay không còn.

Người Trung Tựu có truyền thống yêu nước. Năm 1898, các ông Chu Hữu Thực và Nguyễn Đình Thực đã cầm đầu một nhóm nghĩa quân tham gia cuộc khởinghĩa củaĐề Kiên, Vương Quốc Chính tập kích vào thành Hà Nội. Về sau, các ông bị bắt và hy sinh trong nhà giam Yên Bái. Năm 1907, Đông Kinh nghĩa thục nổ ra, ông Đặng Trần Long - người làng, là con rể Lương Văn Can đã lập một cơ sở của phong trào tại làng, tổ chức diễn thuyết, dạy chữ Quốc ngữ.

Làng Trung Tựu có ngôi đình được dựng từ cuối thế kỷ XVIII, sau khi tách thành xã độc lập, đến năm 1902 được tu bổ lại. Đình vẫn thờ Bạch Hạc tam giang và dân làngvẫn tổ chức hội bơi chải với làng gốc Tây Tựu vào ngày mồng 10 tháng Ba (chải của làng Trung Tựu có kiểu cách hơi khác).

Ngày nay, cùng với các làng trong vùng Đăm,làng Trung Tựu có kinh tế khá giả nhờ trồng các loại hoa, rau cao cấp bán cho nội thành và xuất khẩu.

Tiến sĩ Bùi Xuân Đính

LANHUONG