Cảnh giác trước chứng bệnh đột quỵ não
Sức khỏe - Ngày đăng : 19:44, 22/09/2022
Theo thông tin được bệnh viện cung cấp ngày 22-9, chị T.T.A.N (44 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh) nhập viện cấp cứu trong tình trạng yếu nửa người bên phải, nói khó, có biểu hiện mất ý thức vận động.
Anh H, chồng của chị N, chia sẻ: “Vợ chồng tôi thường thức dậy vào 6h sáng để chuẩn bị đi làm. Hôm đó, tôi dậy trước, quay qua bên cạnh thấy vợ cứ nhìn lên trần nhà, không thể tự mình đứng dậy hay nói năng gì được. Lo lắng quá, nên tôi đưa vào viện cấp cứu”.
Tại khoa cấp cứu, các bác sĩ nhận thấy người bệnh có các dấu hiệu đột quỵ cấp từ sáng sớm, gia đình đã đưa bệnh nhân đến thăm khám tại bệnh viện gần nơi cư trú nhưng chưa phát hiện được nguyên nhân. Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ cấp cứu đã khởi động ngay quy trình Code stroke (quy trình cấp cứu đột quỵ). Bệnh nhân được chụp MRI sọ não, kết quả cho thấy tình trạng nhồi máu não bán cầu trái, tắc động mạch não giữa trái. Đây là tình trạng đột quỵ rất nặng, cần được can thiệp tái thông động mạch não giữa trái khẩn cấp.
Sau khi trao đổi và nhận được sự đồng thuận của người nhà, các bác sĩ đưa ngay chị N vào phòng can thiệp. Chỉ 20 phút sau đó, người bệnh đã được can thiệp thành công và tái thông mạch máu não giữa ngay sau can thiệp. Ngày hôm sau, chị N đã có thể cử động lại các bộ phận, tay chân phải gần như bình thường. Để kiểm tra kết quả sau khi thực hiện can thiệp, người bệnh được chỉ định chụp CT sọ não kiểm tra sau đó, và xuất viện sớm chỉ sau 4 ngày nằm viện.
Chia sẻ về trường hợp của chị N, Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Định Chương (Đơn vị Đột quỵ của Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn), người trực tiếp thực hiện can thiệp cho người bệnh, cho biết, thời gian cấp cứu nhồi máu não càng trễ thì nguy cơ vùng não tổn thương ngày càng lan rộng. Nếu vùng não bị tổn thương nặng, người bệnh có thể bị tàn phế, thậm chí là tử vong.
Cũng theo bác sĩ Chương, các triệu chứng của nhồi máu não có thể xảy ra đột ngột lúc đang ngủ, điển hình như đau đầu, buồn nôn, liệt nửa người, thậm chí rối loạn ý thức. Đột quỵ não có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng ngôn ngữ, nhận thức cũng như vận động.
Bác sĩ Chương khuyến cáo mọi người nên chú ý nhận biết các dấu hiệu đột quỵ (liệt mặt, méo miệng, nói khó…), đặc biệt là các đối tượng có các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì và tiền sử gia đình có người bị đột quỵ.
Theo Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, đột quỵ ngày nay có xu hướng trẻ hóa. Nếu phát hiện người thân của mình có các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, người dân nên nhanh chóng đưa người bệnh vào bệnh viện gần nhất có khả năng điều trị đột quỵ. Ngoài ra, người dân nên thực hiện khám sức khỏe tổng quát định kỳ nhằm phát hiện các yếu tố nguy cơ ở giai đoạn sớm, từ đó giúp dự phòng đột quỵ và điều trị hiệu quả các trường hợp đột quỵ nặng.
- Liệt mặt
- Yếu hay liệt một tay, liệt nửa người bao gồm yếu hay liệt tay và chân
- Nói khó
- Các triệu chứng khác: Nuốt khó, chóng mặt, buồn nôn, vận động khó khăn…