Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm điều trị phơi nhiễm HIV từ xa
Sức khỏe - Ngày đăng : 15:34, 27/09/2022
PrEP là sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV.
Với mô hình này, khách hàng không cần trực tiếp đến phòng khám, chỉ cần sử dụng được thiết bị và công nghệ thông tin để được bác sĩ tư vấn, khám và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP). Sau đó, thông qua một đơn vị vận chuyển, bác sĩ sẽ chuyển thuốc đến cho người sử dụng.
Các khách hàng PrEP đăng ký khám lần đầu tiên tại cơ sở cần đến trực tiếp cơ sở điều trị PrEP để thăm khám, sau đó mới sử dụng TelePrEP.
Còn người đang sử dụng PrEP trực tiếp và có nhu cầu chuyển sang hình thức TelePrEP, bác sĩ sẽ tư vấn, theo dõi nếu sức khỏe bệnh nhân ổn định, không bị tác dụng phụ của thuốc hay do khoảng cách quá xa, lo lắng thông tin bị tiết lộ… mà không tiện đến cơ sở y tế cũng có thể lựa chọn khám từ xa.
Thời gian thí điểm từ ngày 1-8-2022 đến 30-4-2023, tại 11 cơ sở y tế và phòng khám tư nhân như Bệnh viện thành phố Thủ Đức, Trung tâm Y tế quận 1, 4, 7, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Chánh, phòng khám Alo Heath, phòng khám An Hảo…
Trước đó, từ tháng 4-2019, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai hoạt động điều trị PrEP tại 15 cơ sở y tế công và tư nhân. Đến cuối tháng 6-2022, thành phố đã mở rộng điều trị PrEP tại 33 cơ sở y tế công và tư nhân.
Tính từ khi triển khai, chương trình đã điều trị lũy tích cho 23.587 khách hàng nguy cơ có kết quả xét nghiệm âm tính HIV vào điều trị PrEP, trong đó khách hàng là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm 83%.
Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hưng cho biết, thành phố là 1 trong 7 địa phương trên cả nước được Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các tổ chức quốc tế chọn để đẩy mạnh hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới hoàn thành mục tiêu 95 - 95 - 95 (95% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% số người biết tình trạng HIV của mình đang được điều trị và 95% trong số những người đang được điều trị có tải lượng HIV được ức chế và giảm khả năng lây truyền vi rút HIV cho người khác), góp phần giúp thành phố Hồ Chí Minh đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.