Không nên đổ xô đưa trẻ đi xét nghiệm Adenovirus
Sức khỏe - Ngày đăng : 09:50, 28/09/2022
Không phải cứ mắc bệnh là xét nghiệm
Thấy cậu con trai 3 tuổi bỗng nhiên sốt, ho kèm theo đau bụng, đi ngoài, chị N.T.V (ở quận Long Biên, Hà Nội) vội vàng đưa con đến một bệnh viện tư gần nhà để xét nghiệm Adenovirus. Tại đây, sau khi khám, bác sĩ kết luận con chị bị tiêu chảy do rotavirus và không cần phải làm xét nghiệm Adenovirus.
Tương tự, chị H.A (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) khi thấy con sốt cao, mắt có nhiều gỉ, đã lên mạng tra triệu chứng bệnh và nghi ngờ bé mắc Adenovirus. Lập tức, chị quyết định cho con làm xét nghiệm Adenovirus. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm không thể có ngay mà phải chờ vì cơ sở dịch vụ thông báo đang có quá nhiều “đơn hàng”.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, tại một số cơ sở y tế cung cấp dịch vụ xét nghiệm Adenovirus, có khá nhiều mức giá khác nhau. Cụ thể, test nhanh có giá từ 230.000-239.000 đồng, xét nghiệm Elisa có giá 390.000 đồng, xét nghiệm RT-PCR có giá từ 1,1 đến 1,2 triệu đồng. Có những cơ sở còn giới thiệu gói dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà.
Bác sĩ Đào Trường Giang (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) khẳng định, việc xét nghiệm Adenovirus phần lớn không thực sự có ý nghĩa. Đối với một vài trường hợp cần thiết, bác sĩ mới chỉ định xét nghiệm Adenovirus. Do đó, không phải trường hợp nào mắc bệnh cũng cần xét nghiệm.
“Adenovirus cũng giống các loại vi rút khác, hiện không có thuốc đặc trị mà triệu chứng tới đâu, điều trị tới đó. Thậm chí, nhiều bệnh nhân có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Với những trường hợp này thì việc xét nghiệm là không cần thiết. Còn với những ca bệnh nặng, dựa vào kết quả xét nghiệm có thể là cơ sở để bác sĩ đưa ra chỉ định sử dụng thuốc kháng vi rút. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh không nên tự ý cho con đi xét nghiệm, tránh gây lãng phí, tốn kém”, bác sĩ Đào Trường Giang lưu ý.
Đồng quan điểm trên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng I, thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, Adeno là loại vi rút quen thuộc, lây qua đường hô hấp, thường trú ở hầu họng của người bệnh. Vi rút Adeno có thể gây bệnh quanh năm, tùy theo thời tiết và độ miễn dịch cộng đồng. Vi rút này thường gây ra bệnh về đường hô hấp kèm đau mắt đỏ. Các bậc phụ huynh không nên tự ý đưa con đi xét nghiệm hay mong muốn được nhập viện điều trị cho an tâm…, mà nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, nhằm phòng ngừa lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.
Lý giải về nguyên nhân khiến số ca mắc Adenovirus gia tăng trong thời gian gần đây, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, việc bùng phát bệnh này có thể liên quan đến khoảng thời gian giãn cách trước đó.
“Việc giãn cách khiến trẻ phải ở trong nhà, không thể hòa nhập với cộng đồng. Điều này đã ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của trẻ đối với các loại vi rút, trong đó có cả Adeno. Vì vậy, sau thời gian giãn cách, khi trẻ tái hòa nhập với cộng đồng, “lỗ hổng” miễn dịch khiến số ca mắc tăng cao”, bác sĩ Trương Hữu Khanh đưa ra giải thích.
Tránh tự mua thuốc điều trị
Thông tin về 7 ca tử vong do Adenovius khiến nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, không riêng gì Adeno hay các bệnh liên quan đến đường hô hấp khác, mà với những trẻ có sẵn bệnh nền nặng, dù nhiễm bệnh gì cũng có thể phải nhập viện và bị đe dọa tính mạng. Các loại thuốc để điều trị triệu chứng cần được uống đúng theo lứa tuổi, thuốc hạ sốt cần uống đủ liều cho từng độ tuổi khác nhau.
“Thuốc kháng sinh không có tác dụng trong điều trị bệnh do vi rút và vi rút Adeno gây ra. Ngược lại, thuốc kháng sinh còn khiến trẻ mệt mỏi hơn, thậm chí gây ra tình trạng kháng kháng sinh, khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Việc sử dụng thuốc kháng sinh phải theo đúng chỉ định của bác sĩ”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.
Vi rút Adeno thường lây truyền qua đường giọt bắn khi nói chuyện hoặc tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh. Ngoài ra, Adenovirus cũng có thể gây bệnh gián tiếp, đó là khi người bệnh ho, vi rút bám vào bàn tay hoặc bám vào các bề mặt phẳng và người khác chạm vào sẽ có nguy cơ bị nhiễm bệnh.
Chính vì vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, cha mẹ cần thường xuyên vệ sinh nhà cửa, sau khi về nhà hoặc sau khi chạm vào các đồ vật, người lớn cần rửa tay với xà phòng, thay quần áo sạch rồi mới ôm hôn trẻ để tránh vi rút bám trên người lây cho trẻ. Nếu bản thân có các triệu chứng như: Ho, sổ mũi…, cần đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc trực tiếp với trẻ để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
Khi trẻ mắc bệnh, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cha mẹ nên cho trẻ cách ly ở nhà để hạn chế nguy cơ lây nhiễm sang những trẻ khác. Cha mẹ cần tập cho trẻ thói quen rửa tay đúng cách và cho trẻ ăn đủ chất, uống đủ nước, ngủ đủ giấc để tăng sức đề kháng. Đặc biệt, nên cho trẻ tiêm vắc xin “6 trong 1”, vắc xin phế cầu và cúm để không bị lây nhiễm thêm bệnh.