Bác sĩ tại nhà: Đã tiêm vắc xin, liệu có thể mắc cúm nữa hay không?
Sức khỏe - Ngày đăng : 15:00, 01/10/2022
Đáp: Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm không hẳn giúp bạn không nhiễm cúm, mà mục tiêu của vắc xin là đảm bảo không bị biến chứng nặng hơn nếu mắc cúm (như nhập viện, tử vong, tràn dịch phổi thứ phát...); bảo vệ những người có nguy cơ cao mắc các biến chứng của bệnh cúm.
Bất kỳ ai từ 6 tháng tuổi trở lên, có bệnh nặng hay không, đều nên tiêm phòng cúm nhằm làm giảm nguy cơ bị các biến chứng nặng cũng như bảo vệ những người xung quanh không bị lây bệnh cúm. Những người từ 65 tuổi trở lên có khả năng bị suy giảm miễn dịch sớm hơn so với người ít tuổi, do đó, cần cân nhắc sử dụng một loại vắc xin cúm hiệu lực cao hơn. Tuy nhiên, cần thảo luận với bác sĩ xem có cần tiêm loại vắc xin này hay không.
Tuy vậy, cũng có những người không nên tiêm phòng cúm. Đó là người có phản ứng dị ứng với vắc xin cúm trước đó hay người dị ứng với bất cứ thành phần nào của vắc xin.
Vi rút cúm có quanh năm, do đó, có thể tiêm vắc xin phòng cúm bất kỳ lúc nào.
Cúm mùa tuy là bệnh không quá nguy hiểm nhưng có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng đối với nhóm có nguy cơ cao. Theo WHO, tiêm vắc xin không những giúp tránh được bệnh cúm mà còn giúp tránh các bệnh khác nữa, giúp cho hệ miễn dịch khỏe.
Hiện có nhiều loại vắc xin cúm mùa đang được sử dụng, song các chuyên gia nhận định, vắc xin cúm mùa tứ giá (4 chủng) GCFLU Quadrivalent (2 chủng A và 2 chủng B) là dòng vắc xin có thể giúp phòng 4 chủng cúm mùa mới nhất theo khuyến cáo của WHO hằng năm.
PGS.TS Phạm Quang Thái
Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương