Bước nhảy từ chợ "ốp", chợ "vòm" lên siêu thị
Kinh tế - Ngày đăng : 09:39, 04/09/2006
Cảnh chuyển hàng tại "chợ vòm"
Cherkyrovsky ở Mátxcơva
sau vụ nổ ngày 21.8.
Làm gì đây để tồn tại và vượt lên? Đó cũng là chủ đề chính được khoảng 100 DN VN tại Mátxcơva đặt lên hàng đầu, trong cuộc thảo luận hôm 12.8 vừa qua.
Từ chợ "ốp"
Thời kỳ 1992 - 2000, khi lĩnh vực kinh doanh còn chưa phát triển mạnh ở Nga, thì người VN ở Nga được đánh giá cao bởi sự năng động và tháo vát vượt khó. Điều đó thể hiện khá rõ qua dòng người từ mọi miền đất nước và các nước cộng hoà khác của Liên Xô cũ đổ dồn về các chợ VN ở Mát để lấy hàng tấp nập suốt ngày đêm. Cầu luôn vượt cung, nên từ Saliut 1, Saliut 2, mô hình này cứ tiếp tục nhân rộng ra mãi thành Saliut 3, Saliut 4, Saliut 5...
Cộng đồng người VN ở Nga khi đó khoảng vài trăm ngàn, chủ yếu là số đi theo diện xuất khẩu lao động ở lại, bên cạnh lực lượng nghiên cứu sinh, sinh viên tạo nên một thương trường đông đảo đa thành phần. Anh em người VN thường nói đùa với nhau: "Ơ đâu có 3 người VN với mẹt hàng trên tay, thì ở đó thành ngay một khu chợ nhộn nhịp".
Đến chợ "vòm"
Số chợ VN ở Mát thời hưng thịnh nhiều như nấm mùa thu, từ Đôm 5 cũ đến "ốp" Zin cũ, Zin mới, "ốp" Búa Liềm cũ, Búa Liềm mới, "ốp" Nago, "ốp" Thuỷ lợi và sau này là Rutstaveli, Sông Hồng, Voikov, Togi, Sokol, An Đông, ASEAN... Nhưng, mọi nẻo đường đều dẫn tới thành Roma, câu nói quả không sai. Người Nga dần trấn tĩnh lại qua cơn sốc bị mất nguồn cung ứng thời bao cấp, lớp người Nga mới thậm chí đã biết dùng mọi cách để chiếm lĩnh lại các khu chợ ăn nên làm ra của người VN. Xu hướng tất yếu là chợ "ốp" dần bị thay thế bằng chợ "vòm" (họp chợ trong những ngôi nhà mái vòm) do người Nga làm chủ là chính.
Chợ "vòm" bắt đầu bành trướng vào khoảng năm 1998 sau khủng hoảng tiền tệ ở Nga và sinh sôi nảy nở khá nhanh, nổi tiếng với những cái tên ACT cũ, KT, ACT mới, chợ 2000, Bãi đá, Bêtông, Traika... đều do các ông chủ Nga, Ukraina, Trung Quốc hoặc Israel hùng cứ. Người VN thời chợ "vòm" chỉ còn đứng ra làm đại lý, hưởng phần trăm lợi nhuận từ tiền cho thuê "công" (container) và quầy bán hàng. Vậy là sau 13 năm lăn lộn với thương trường nước Nga, các chợ "ốp" lại quay về trạng thái ban đầu - ký túc xá SV.
Đích đến siêu thị
Những kỷ niệm về thời của Saliut 2, dẫu vậy không dễ phai mờ. Nó càng có ý nghĩa đặc biệt hơn, bởi từng là chứng nhân cho biết bao số phận người VN xa xứ. Không ít người VN đã giàu lên từ đây, dù lúc đầu chỉ là anh cửu vạn sang Nga với hai bàn tay trắng, suốt ngày "bán mặt cho cầu thang, bán lưng cho bịch hàng". Song cũng có rất nhiều người khuynh gia bại sản vì khủng hoảng tiền tệ, sập "ốp", sập chợ, bị lừa đảo, trấn lột, về cũng dở mà ở không xong.
Cái tên Saliut 2 đã đi vào dĩ vãng, dù hiện vẫn tồn tại một số chợ hoạt động cầm chừng của người VN như Saliut 3, Sông Hồng 1, Sông Hồng 3, Voikov, Togi, ASEAN...
Thực tế đó buộc những người VN vẫn bám trụ lại ở Nga phải trăn trở tìm hướng đi, và cái đích bước đầu được nhiều người trong số họ xác định là nếu muốn kinh doanh làm ăn lâu dài, phải có đầy đủ tư cách pháp lý để có thể đầu tư gây dựng được những siêu thị có đẳng cấp ngay tại Mát.
Tất nhiên, để được như vậy, giới kinh doanh người VN ở Nga, hơn lúc nào hết, càng cần được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước VN cùng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với giới doanh nghiệp trong nước.
Con đường phía trước xem ra còn rất khúc khuỷu, bởi cạnh tranh trên thương trường hôm nay bội phần khốc liệt so với trước
Theo LĐ