Chủ động phòng, chống dịch bệnh
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:09, 27/10/2022
Thiết lập “hàng rào” phòng dịch
Theo Bí thư Chi bộ số 8, Tổ trưởng tổ dân phố số 8 phường Mai Động (quận Hoàng Mai) Phạm Văn Kết, để phòng, chống dịch sốt xuất huyết, các cán bộ cơ sở đến từng nhà, giám sát, kiểm tra các bể, chậu cảnh, vật dụng có chứa nước, yêu cầu diệt bọ gậy, muỗi. Đặc biệt, phường đẩy mạnh kênh tuyên truyền trên Zalo, cảnh báo mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, nhắc nhở các gia đình phải mắc màn khi ngủ để tránh muỗi đốt... Vừa qua, địa bàn tổ dân phố có một cháu nhỏ bị sốt xuất huyết, ông Kết cùng các thành viên nhanh chóng liên hệ với trạm y tế phường để có biện pháp khử khuẩn, sát trùng, không để dịch lây lan và bùng phát.
Tương tự, Bí thư Chi bộ số 3 phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) Ngô Xuân Lịch chia sẻ, với đặc thù địa bàn dân cư rộng, đông người nên việc quản lý an sinh xã hội, dịch bệnh rất phức tạp. Chi bộ số 3 vận động các thành viên trong từng gia đình, các hộ dân cư mỗi sáng thứ bảy ra quân dọn dẹp vệ sinh tại các khu vực công cộng, khu vực có nhiều bể chứa nước… để diệt bọ gậy, muỗi. Đặc biệt, theo ông Lịch, Chi bộ số 3 thường xuyên phối hợp với lực lượng quản lý trật tự xây dựng đô thị của phường đi kiểm tra, rà soát các công trình xây dựng trên địa bàn để diệt bọ gậy, muỗi tại các bể chứa nước; nhắc nhở, yêu cầu các chủ công trình phải bảo đảm vệ sinh môi trường.
Tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung (huyện Đông Anh), trong nhiều ngày qua, bà Tạ Thị Huân, một cán bộ hưu trí cũng đăng ký tham gia vào "hàng rào" phòng dịch tại các gia đình trong thôn. Cụ thể, bà Huân tích cực tuyên truyền, trợ giúp các gia đình có người bị bệnh sốt xuất huyết, mắc Covid-19 hay bất kỳ bệnh nào khác. Bà còn vận động, hỗ trợ công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại các thôn. Gần đây, bà dành thời gian tham gia chiến dịch phòng, chống dịch sốt xuất huyết, đến từng nhà người dân hướng dẫn và kiểm tra cách diệt bọ gậy, chống muỗi.
Tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường
Trước nguy cơ dịch sốt xuất huyết bùng phát, các địa phương đã thực hiện chiến dịch lớn trên toàn địa bàn. Là địa bàn đông dân cư, phường Mai Động (quận Hoàng Mai) luôn phải căng "mình" để phòng, chống các dịch bệnh. Theo Trạm trưởng Trạm Y tế phường Mai Động Nguyễn Thị Hằng, nhờ chủ động các biện pháp phòng, chống nên hai ổ dịch sốt xuất huyết tại tổ dân phố số 6 và số 8 trên địa bàn phường đã được khống chế kịp thời, đến nay chỉ có 17 trường hợp bị mắc bệnh.
Theo bà Nguyễn Thị Hằng, nối tiếp các công việc thường nhật, 9 cán bộ của Trạm Y tế phường thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống dịch tại các tổ dân phố, khu dân cư. Đặc biệt, từ tháng 4-2022 đến nay, phường đã tổ chức được 3 chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, diệt muỗi, chủ động phòng, chống sốt xuất huyết. 19 tổ dân phố với trên 5.500 hộ dân đều được kiểm tra việc diệt bọ gậy, muỗi và hướng dẫn cách phòng, chống dịch...
Tại quận Nam Từ Liêm, theo Trưởng phòng Y tế quận Nguyễn Anh Tuấn, từ đầu năm đến nay, quận có 306 trường hợp mắc sốt xuất huyết, đặc biệt tăng cao với 130 ca trong tháng 9-2022 và 115 ca trong tháng 10-2022. Các lực lượng chức năng đã xác định quận có 6 ổ dịch, yêu cầu các phường, tổ dân phố xử lý phun khử khuẩn, diệt bọ gậy, muỗi tại các ổ dịch. Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, quận Nam Từ Liêm đã yêu cầu lãnh đạo UBND các phường phải tham gia giám sát trong hoạt động xử lý ổ dịch sốt xuất huyết.
Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, UBND huyện Đông Anh đã triển khai nhiều chiến dịch, trong đó chú trọng chiến dịch vệ sinh môi trường, tìm diệt bọ gậy; phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám, huyện Đông Anh đã thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đồng thời, yêu cầu các phòng, ban, ngành và UBND các xã, thị trấn sẵn sàng bảo đảm "4 tại chỗ", không chủ quan, cập nhật kịch bản ứng phó với diễn biến dịch, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Có thể nói, việc lập “hàng rào” bảo vệ sức khỏe cho người dân, đẩy mạnh công tác phòng dịch sốt xuất huyết được các địa phương thực hiện khá đồng bộ, bước đầu có hiệu quả. Trong đó, việc kiện toàn, phát huy vai trò của tổ giám sát, đội xung kích... cũng được triển khai sâu rộng. Nhờ đó, việc tổ chức các chiến dịch phòng, chống dịch tại các địa phương đi vào thực chất, dần đẩy lùi các ca bệnh, ổ dịch; dập dịch một cách an toàn.