Rào cản điều trị ung thư
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:32, 31/10/2022
Những con số báo động
Số liệu báo cáo của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) vừa công bố cho thấy, tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam năm 2020 đã tăng 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia), từ 164.671 ca vào năm 2018, lên 182.563 ca vào năm 2020. Ngoài ra, sau 2 năm, số người tử vong do ung thư từ 114.871 người lên mức 122.690 người, tăng 6 bậc, xếp thứ 50/185 quốc gia. Hiện tại, Việt Nam có hơn 300.000 người đang phải sống chung với bệnh ung thư.
Giáo sư, Tiến sĩ Mai Trọng Khoa, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ở một số nước trên thế giới, tỷ lệ mắc ung thư tăng nhưng ở một số loại ung thư tỷ lệ tử vong hằng năm lại giảm. Trong khi đó, tại nước ta, số ca mắc và tử vong do ung thư hằng năm vẫn tăng cao. Việt Nam đang ở ngưỡng báo động về tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư. Đây là gánh nặng, thách thức cho nước ta trong công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến số ca mắc ung thư gia tăng, Giáo sư, Tiến sĩ Mai Trọng Khoa chia sẻ, dân số tăng lên dẫn tới số người mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó có ung thư cũng tăng theo. Từ đó, số người tử vong do ung thư cũng tăng. Ngoài ra, Việt Nam đang đối mặt với sự già hóa dân số. Tuổi thọ tăng lên thì số người mắc ung thư cũng tăng, đó là quy luật tự nhiên. Hiện, tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong việc chẩn đoán ung thư ngày càng cao cũng giúp phát hiện ra bệnh sớm hơn.
Các chuyên gia y tế cũng chỉ ra rằng, việc sống thường xuyên trong môi trường ô nhiễm, chất lượng nước, không khí, thức ăn không bảo đảm cũng dẫn đến nguy cơ gây ung thư. Đáng chú ý, hút thuốc lá là nguyên nhân của 30% loại ung thư, gây ra 20 loại ung thư khác nhau và là 90% nguyên nhân của ung thư phổi. Việc lạm dụng rượu, bia là nguyên nhân gây ra ung thư miệng, họng, gan, vú, đại trực tràng. Chế độ ăn nhiều mỡ động vật, ít chất xơ, sử dụng các thực phẩm mốc hay thực phẩm chế biến sẵn như thịt hun khói, cá muối… chiếm 35% nguyên nhân gây ung thư.
Đề cập đến trình độ điều trị ung thư ở nước ta, Tiến sĩ Phạm Văn Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trình độ của bác sĩ Việt Nam không thua kém các nước phát triển. Nhiều bác sĩ được học tập, đào tạo tại các nước có nền y học tiên tiến trên thế giới cũng như luôn cập nhật kiến thức mới nhất để áp dụng hằng ngày. Tuy nhiên, rào cản trong điều trị ung thư ở nước ta hiện nay là vấn đề trang thiết bị.
Đối mặt với nguy cơ tụt hậu
Những năm trước đây, một số bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật điều trị ung thư với các thiết bị hiện đại ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Thế nhưng, thời gian gần đây, do vướng mắc về cơ chế xã hội hóa trong y tế cũng như vấn đề đấu thầu nên không ít bệnh viện gặp khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, không đưa về được các thiết bị mới, hiện đại.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Thông, Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam, các thiết bị hiện đại có thể chẩn đoán sớm và sâu ở nhiều bệnh lý ung thư. Đơn cử như với ung thư gan, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vú, trên lâm sàng chưa phát hiện ra bệnh nhưng khi chẩn đoán hình ảnh đã có thể thấy ngay được. Việc chẩn đoán sớm ung thư sẽ giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn và giúp giảm số ca tử vong.
Kỹ thuật PET/CT ra đời đã giúp xác định sớm tính chất, đặc điểm của khối u. Đặc biệt, kỹ thuật PET/CT toàn thân thế hệ mới có nhiều ưu điểm, như: Tốc độ chụp rất nhanh, chất lượng hình ảnh rất tốt, nhưng lại an toàn, chính xác, có thể quét được toàn thân người bệnh. Nhưng, với bối cảnh hiện tại, để mua sắm được thiết bị này không hề dễ dàng.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, trong công tác khám, chữa bệnh, việc có đầy đủ máy móc, thiết bị rất quan trọng. Tuy nhiên, bệnh viện đang gặp khó khăn trong việc đầu tư máy chuyên dụng phục vụ người bệnh. Theo tiêu chuẩn, một máy xạ trị điều trị cho khoảng 50-70 người bệnh/ngày thì với số lượng người bệnh hiện nay, Bệnh viện K phải cần thêm 6-7 máy nữa mới đủ. Hiện tại, cả 2 cơ sở của bệnh viện mới chỉ có 9 máy xạ trị. Máy xạ trị ít nên phải hoạt động hết công suất và phải vận hành suốt từ 5h đến 22h.
“Trong bối cảnh hiện nay, thiếu trang thiết bị khiến việc điều trị ung thư tại nước ta đang có bước lùi. Đây là điều đáng buồn vì về mặt con người, trình độ đội ngũ y bác sĩ của nước ta không hề thua kém các nước phát triển”, Tiến sĩ Phạm Văn Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ.