Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, tránh nhầm lẫn với Covid-19 và cúm

Sức khỏe - Ngày đăng : 16:55, 01/11/2022

(HNMO) - Hiện nay, tình hình dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp. Trong khi đó, hiện trên địa bàn thành phố cũng đang lưu hành nhiều loại dịch bệnh như Covid-19, cúm A, cúm B... nên người dân thường nhầm lẫn giữa các triệu chứng, đi khám muộn, gây khó khăn trong việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

 Bệnh nhân sốt xuất huyết được chăm sóc, điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.

3 ca tử vong, 62 ổ dịch mới trong một tuần 

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tích lũy từ đầu năm 2022 cho đến nay, cả nước ghi nhận 281.189 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 110 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 4,8 lần và số tử vong tăng 89 trường hợp. 

Còn tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, số ca mắc sốt xuất huyết đang gia tăng mạnh những tuần gần đây. Nếu như vào đầu tháng 9-2022, số ca mắc trong khoảng 500 - 700 ca/tuần thì đến cuối tháng 10-2022, ghi nhận 1.200 - 1.400 ca/tuần. Riêng trong tuần (từ ngày 21 đến 28-10) ghi nhận 1.205 ca mắc sốt xuất huyết và 62 ổ dịch mới, trong đó có 3 ca tử vong. 

Như vậy, từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội có 9.404 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,4 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), trong đó đã ghi nhận 12 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 559/579 xã, phường, thị trấn với số mắc ghi nhận tại ngoại thành chiếm 58,4% và nội thành chiếm 41,6%. Tuýp vi rút Dengue lưu hành là D1 và D2, D4.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại bệnh thành 2 loại chính, bao gồm: Sốt xuất huyết (có hoặc không có dấu hiệu cảnh báo) và sốt xuất huyết thể nặng. Việc chia nhóm bệnh có và không có dấu hiệu cảnh báo giúp bác sĩ dễ dàng phân loại bệnh nhân nhập viện, đảm bảo theo dõi chặt chẽ và giảm nguy cơ phát triển bệnh nặng hơn.

Điều đáng nói, những dấu hiệu ban đầu của sốt xuất huyết khá tương đồng với cúm và Covid-19 nên dễ gây nhầm lẫn. Bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) lưu ý, chính sự nhầm lẫn giữa cúm và sốt xuất huyết với Covid-19 khiến một số trường hợp khi vào viện đã trong tình trạng nguy kịch. Có những người mắc sốt xuất huyết lại nghĩ mình mắc Covid-19 nên khi sốt cao đã tự uống hạ sốt, không đến viện khám, đến ngày thứ 4-5 bị xuất huyết trong nội tạng mới tới viện. 

Cán bộ y tế tuyên truyền người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết.

Bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết thêm, một trong những biến chứng đáng lo ngại nhất của sốt xuất huyết là giảm tiểu cầu, gây ra tình trạng rối loạn đông máu, chảy máu ở nhiều nơi, xuất huyết não, xuất huyết đường tiêu hóa. Do đó, người bệnh khi mắc sốt xuất huyết lại nghĩ mình bị Covid-19, ngại tới bệnh viện mà tự điều trị tại nhà là rất nguy hiểm.

Để chẩn đoán chính xác bệnh nhân sốt xuất huyết cũng như mức độ giảm tiểu cầu, theo các bác sĩ, người bệnh cần làm xét nghiệm máu. Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình từ 150-450G/L. Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50G/L, mức nghiêm trọng là 10-20G/L. Việc truyền tiểu cầu chỉ tiến hành khi nào xuống thấp dưới 5G/L hoặc có biểu hiện chảy máu. 

“Trong bối cảnh dịch chồng dịch như hiện nay, người dân khi có bất kỳ triệu chứng như sốt, ho, đau mỏi người thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Người dân không nên tự truyền dịch tại nhà mà không có sự kiểm soát chặt của nhân viên y tế”, bác sĩ Thân Mạnh Hùng khuyến cáo. 

Bên cạnh đó, nếu bị sốt cao, Paracetamol là thuốc có tác dụng hạ sốt được chỉ định trong sốt xuất huyết, liều dùng 10-15mg/kg/lần trong 4-6 giờ. Không dùng Aspirin, Analgin, Ibuprofen để hạ sốt vì có thể gây xuất huyết nặng hơn.

 Quận Tây Hồ tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại trường học.

Phòng bệnh từ chính ngôi nhà mình 

Theo báo cáo của CDC Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 800 ổ dịch sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại còn 139 ổ dịch đang hoạt động tại 24 quận, huyện; trong đó, một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân như: Thôn Bùng (xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất) có 186 ca; Phượng Trì (thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng) có 73 ca và thôn Ngọc Đình (xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai) có 51 ca.

Theo chu kỳ dịch bệnh, cứ sau 5 năm sẽ có một đỉnh dịch sốt xuất huyết. Lần dịch xảy ra lớn và gần đây nhất vào năm 2017 và năm nay được dự báo sẽ xuất hiện đỉnh dịch.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, đỉnh dịch sốt xuất huyết có thể rơi vào trung tuần tháng 11 này. Chính vì vậy, trong thời gian tới, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết, đặc biệt là tại các xã, phường, thị trấn đã xuất hiện ổ dịch, những nơi có khu vực ổ dịch cũ phức tạp hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao. 

 Người dân vệ sinh môi trường, lật úp các vật dụng chứa nước có bọ gậy. 

Theo các chuyên gia y tế, biện pháp để giảm ca mắc chính là làm tốt công tác phòng dịch bằng cách diệt bọ gậy, loăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi… 

“Các quận, huyện, thị xã cần tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời. Ngoài ra, tại các địa phương, cần huy động các ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng khác tham gia hỗ trợ vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. Cùng với đó, mỗi hộ gia đình cần chủ động thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại chính ngôi nhà mình, loại bỏ phế thải có chứa nước đọng hoặc lật úp các vật dụng chứa nước đọng, không để muỗi sinh sôi phát triển”, ông Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh.

Thu Trang