Người đàn ông “tay không bắt giặc”
Chính trị - Ngày đăng : 11:16, 27/08/2006
Ông Tuy với những dụng cụ cấp cứu đơn sơ do ông tự tạo
Sở dĩ ông Tuy có cái tên ấy là xuất phát từ công việc rất đặc biệt của ông. Không phải bác sĩ, chưa từng được đào tạo qua một lớp chuyên ngành y tế nào, cũng không có những đồ cấp cứu chuyên dụng vậy mà gần 20 năm qua, chỉ với mấy chiếc nẹp gỗ tự tạo và một túi đựng bông băng, ông đã cấp cứu cho cả nghìn vụ tai nạn giao thông trên đường 5, cứu sống hàng trăm người mà không hề xảy ra tai biến. Đầu năm 2005, có tháng ông cấp cứu đến 10 trường hợp. Bất kể trời mưa hay nắng, sáng hay đêm, có người gọi, điện thoại gọi là ông lên đường. Chẳng thế mà mỗi khi điện thoại reo, sau câu a lô luôn là câu hỏi gấp gáp của ông: “Có chuyệngì ?xảy ra ở đâu thế ?” và câu đáp thường xuyên là “Tai nạn rồi, ông Tuy ơi !”. Vội vàng dắt xe, buộc mấy chiếc nẹp gỗ phía sau, khoác vào vai túi bông băng, ông hộc tốc đến hiện trường vụ tai nạn. Hôm tôi gặp ông cũng thế. Một tai nạn nhỏ xảy ra trên con đường “tử thần”, người ta lại gọi ông. Không nề hà, ông bế xốc người phụ nữ vào vệ đường, máu me dính bê bết quần áo rồi nhanh như cắt ông lấy băng gạc băng chặt lấy vết thương trên trán. Vừa làm ông vừa hô mọi người bảo vệ tài sản cho người bị nạn. Như một bác sĩ, một chiến sĩ công an nhanh nhạy, ông luôn là người đầu tiên đến cấp cứu người bị nạn.
Ông yêu công việc hiện tại và nó đã trở thành nghề của ông, dù không có lương. Với ông, niềm vui cứu sống được người bị nạn mới là tất cả. 56 tuổi, nhưng không ai nghĩ ông đang ở tuổi ấy. Vóc người đậm, nhanh nhẹn, bàn tay ngăm đen gân guốc, ông khéo léo, tỉ mẩn lau chùi cái kéo, chiếc nẹp - những vật dụng đã theo ông và giúp ông làm bao nhiêu việc thiện. Không hồ hởi khi nói về bản thân mình, nhưng ông lại có thể say sưa kể về niềm vui của những người bị nạn thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” với khuôn mặt rạng rỡ. “Vì sao ông làm công việc này và ông đến với nó từ hoàn cảnh nào ?”. Ông trả lời không ngần ngại: “Nhà ngay mặt đường 5, chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm, mình đã nghe thấy, nhìn thấy rồi thì không thể đành lòng được. Công việc chẳng đem lại thu nhập, gia đình có lúc cũng khó khăn nhưng tôi may mắn có các con và người vợ luôn phụ tá đắc lực. Dạo đầu, có hôm trở về nhà với bộ quần áo dính đầy máu, vợ con thấy hoảng. Giờ thì quen rồi”. Nước mắt rưng rưng ông xúc động: “Lần đầu tiên tôi cấp cứu là cho một anh thanh niên đi xe máy bị ô tô đâm. Chẳng có dụng cụ gì trong tay, vội vàng tôi tháo luôn cái cánh cửa nhà làm cáng kiêng anh ta đi bệnh viện. Trong người anh ta có 800 đô la tôi trao lại cẩn thận cho công an”. Ông đặc biệt ấn tượng với một vụ tai nạn xảy ra lúc 5 giờ sáng. Một xe tải đứt phanh đâm vào 2 căn nhà bên đường làm một ngườichết tại chỗ. Lo sợ còn nhiều người bị kẹt bên trong nên ông đã cào bới trên đống gạch đổ nát đến khi 10 đầu ngón tay chảy máu, dập nát. Nhớ lại những tai nạn thương tâm từng chứng kiến, ông thở dài đánh thượt rồi trăn trở: “Giá như ai cũng có ý thức thực hiện luật lệ an toàn giao thông và hệ thống giao thông được đầu tư tốt hơn thì đỡ quá - tôi mong tôi thất nghiệp”. Nói thế không phải ông đã mệt mỏi hay không còn tâm huyết mà bởi ông đau lòng mỗi khi phải chứng kiến những nỗi đau đến tột cùng của người bị nạn và vì hơn 10 cuốn sổ ghi dày đặc ngày tháng, chi tiết từng vụ tai nạn ông tham gia cấp cứu vẫn đang dài thêm. Mặc dù, những cuốn sổ này rất có giá trị, giúp công an điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn và các bác sĩhiểu hơn tình trạng thương tích ban đầu của người bệnh. Nhiều bác sĩ khi tiếp nhận bệnh nhân từ ông còn khẳng định, ông băng bó, nẹp xương tay chân bị gãy còn giỏi hơn cả bác sĩ xịn. Những người hàng xóm của ông thì nhận xét: “Cũng chỉ là nông dân, thế mà ông ấy lại làm được công việc của bác sĩ, hay thật”. Cách đây vài năm, ông mới được Hội Chữ thập đỏ của huyện để ý đến rồi cho ông đi tập huấn qua lớp sơ cấp cứu và trang bị cho một chiếc cáng, túi đựng bông băng bên cạnh những chiếc nẹp gỗ ông tự tạo.
Rời “trạm cấp cứu” có chiếc giường đơn sơ đứng lặng lẽ bên đường, ở đó có một người “bác sĩ” bất đắc dĩ với mái tóc bạc trắng, tôi chợt liên tưởng tới ông tiên trong các câu chuyện cổ tích, thường xuất hiện giúp người bị nạn hay những em nhỏ nghèo. Không phải tự nhiên tôi nghĩ vậy, mà ngoài công việc cấp cứu, ông còn là “giám đốc” của một lớp học nghề tình thương với hơn 30 em nhỏ bị khuyết tật. Cũng vẫn công việc xuất phát từ lòng bao dung không vụ lợi, không một đồng lương, ông thuê người về nhà dạy nghề đan móc cho bọn trẻ, thậm chí hai vợ chồng ông còn nấu cơm cho chúng ăn, lo cho chúng ngủ. Đến nay, trung bình mỗi tháng vừa học, các em vừa có thêm khoảng 150.000 đồng tiền thu nhập từ sản phẩm học nghề của mình. Số phận không cho các em lành lặn, có em bị liệt cả 2 chân, 2 tay vận động rất khó khăn nhưng các em đã may mắn được trưởng thành, có việc làm dưới mái nhà của ông bà tiên có thật trong cuộc đời đầy bon chen này.
Những việc làm thầm lặng của ông, người chưa hiểu thì nghĩ rằng “ông ấy tự mang khổ vào thân, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, nhưng với riêng tôi, khi đã được tận mắt chứng kiến ông đã làm những công việc khó khăn, vất vả với tấm lòng tận tụy, đầy nhân ái như thế nào, thì ông thực sự là người “thầy thuốc nhân dân”. Và tôi tin chắc, những người không may gặp nạn được ông cứu sống, cả những người đã biết về ông sẽ đồng lòng với tôi.
Vân Anh