Bất kỳ ai cũng có thể gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần
Sức khỏe - Ngày đăng : 16:20, 24/11/2022
- Trước hết, ông đánh giá thế nào về tình trạng sức khỏe tâm thần cộng đồng hiện nay?
- Sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần có mối liên hệ chặt chẽ, không thể tách rời. Khi tinh thần của mỗi người không tốt, nó sẽ ảnh hưởng đến mọi hoạt động trong cuộc sống. Ngày nay, cuộc sống hiện đại mang lại cho người dân nhiều tiện ích, niềm vui, song cũng tạo ra những áp lực, căng thẳng, thậm chí có biểu hiện rối loạn tâm thần. Biểu hiện phổ biến là lo âu, trầm cảm, ám ảnh, stress, rối loạn hành vi ở người trẻ, tăng động giảm chú ý tuổi học đường, mất trí nhớ ở người già…
Ở nước ta, theo số liệu mới nhất được công bố, tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, tương ứng với khoảng 15 triệu người. Tuy nhiên, đa số người dân cho rằng, rối loạn tâm thần chỉ có tâm thần phân liệt (thường gọi là điên).
Thực tế, tỷ lệ tâm thần phân liệt chỉ chiếm 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao hơn với 5,4% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như động kinh (0,33%), chậm phát triển tâm thần (0,63%), mất trí tuổi già (0,88%); rối loạn hành vi ở thanh, thiếu niên (0,9%); lạm dụng rượu 5,3%, ma túy (0,3%)...
Ở trẻ em, các vấn đề sức khỏe tâm thần chiếm khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần.
Theo tỷ lệ công bố, thì số lượng người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần ở Hà Nội khoảng 1,5 triệu người, đại đa số sống tại gia đình, cộng đồng, chỉ có những trường hợp có biểu hiện bệnh nặng mới được đưa đi điều trị.
- Thưa ông, như vừa trao đổi, thì bất kỳ ai đều có thể gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời?
- Đúng vậy! Rối loạn tâm thần cũng giống như bất kỳ bệnh nào khác cần được chẩn đoán, có thể dự phòng và chữa trị hiệu quả, bắt đầu từ gia đình, cộng đồng. Tiếc rằng, đa số người bị ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần hiện chưa được phát hiện sớm, điều trị hiệu quả.
Nguyên nhân là vì, nhiều người chưa hiểu rõ, đầy đủ về sức khỏe tâm thần, nên bản thân có biểu hiện mà không biết, thường nghĩ đơn giản đó là biểu hiện lúc căng thẳng, mệt mỏi, một vài ngày sẽ khỏi, nên không đi khám, điều trị kịp thời. Cùng với đó là những rào cản tâm lý, do xã hội đâu đó vẫn có những người cho rằng, người có biểu hiện về sức khỏe tâm thần là do “sống chưa tốt nên gặp quả báo” hoặc bị “ma ám” và làm lễ cúng với mong muốn sẽ khỏi bệnh.
Đối với người trẻ, khi họ có biểu hiện rối loạn hành vi, tăng động, giảm chú ý tuổi học đường, không ít người xung quanh cho rằng, đó là hành động nghịch ngợm theo lứa tuổi của trẻ, lớn lên sẽ hết. Song, trên thực tế, việc để tình trạng này kéo dài, thì bệnh của trẻ ngày một nặng hơn, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ người trẻ sử dụng, lạm dụng các chất kích thích gây nghiện…
Nguyên nhân khách quan, hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng còn thiếu và yếu cả về cơ sở vật chất và nguồn lực con người, nên công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về sức khỏe tâm thần chưa được quan tâm đúng mức ở nhiều nơi.
Trong trường hợp người dân có biểu hiện về sức khỏe tâm thần, tiến hành điều trị thì việc làm thế nào để họ phối hợp điều trị cũng không dễ thực hiện. Bởi, đa số bệnh nhân là trụ cột gia đình, nên những thành viên còn lại là người già hoặc trẻ em. Những trường hợp này khó biết cách tác động để bệnh nhân uống thuốc đều đặn, đủ liều, đi khám định kỳ.
- Từ kinh nghiệm thực tế, theo ông, các bên cần làm gì để chủ động chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng?
- Như các khuyến cáo được công bố, trước hết, bản thân mỗi người cần nhận ra và chia sẻ về cảm xúc của bản thân; tăng cường hoạt động thể chất, sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, khoa học, tăng cường tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí bổ ích; không sử dụng các chất kích thích…
Việc giao tiếp, trò chuyện với những người xung quanh, người thân trong gia đình cũng rất cần thiết; luôn suy nghĩ tích cực, làm việc tích cực. Khi gặp phải những vấn đề khó khăn, mỗi người nên tìm đến sự trợ giúp từ những người tin tưởng…
Đối với gia đình, mọi người nên quan tâm, chú ý đến sức khỏe thể chất, tinh thần của mỗi thành viên. Nếu thấy thành viên nào có biểu hiện khác thường, người thân hãy trò chuyện, chia sẻ, tìm cách hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời, đừng ngại ngần đưa đến khám sức khỏe tâm thần tại các cơ sở y tế.
Về phía các cơ quan chức năng, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe tâm thần. Ngoài ra, các bên cần quan tâm đào tạo, phát triển nhân lực chuyên khoa tâm lý; lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm thần tại tuyến y tế cơ sở để người dân được nâng cao sức khỏe; phát hiện sớm các đối tượng nguy cơ, người có biểu hiện rối loạn tâm thần.
- Là bệnh viện lớn của thành phố Hà Nội về chăm sóc sức khỏe, điều trị các bệnh tâm thần, những năm gần đây, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức triển khai Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng như thế nào, thưa ông?
- Những năm gần đây, chúng tôi bố trí lực lượng cán bộ, nhân viên y tế tổ chức nhiều buổi tuyên truyền tại cộng đồng, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sức khỏe tâm thần; đồng thời, tổ chức khám sàng lọc tại cộng đồng.
Ngoài ra, chúng tôi còn tiến hành điều tra về rối loạn trầm cảm ở nhiều xã, thị trấn, tập huấn tuyên truyền về bệnh tăng động, giảm chú ý ở một số trường học trên địa bàn huyện Mỹ Đức và các huyện lân cận. Với những bệnh nhân điều trị tại cộng đồng, chúng tôi tiến hành sinh hoạt câu lạc bộ, hướng dẫn các gia đình cách chăm sóc bệnh nhân…
Tại Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức, tất cả bệnh nhân đến đây điều trị, khi ra viện, bệnh nhân và người nhà của họ được hướng dẫn về phương pháp, cách sử dụng thuốc tại cộng đồng. Ngoài ra, bệnh viện đã thành lập 8 câu lạc bộ tư vấn, chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, duy trì sinh hoạt đều đặn 1 lần/tháng với nội dung nghe, nhận thông tin từ gia đình người bệnh và bệnh nhân để hướng dẫn hoặc tư vấn cho họ nắm được biện pháp điều trị phù hợp, kịp thời.
Trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được nghe các chuyên gia hướng dẫn cách chăm sóc, điều trị sao cho khoa học. Tại đây, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cũng chia sẻ về tình trạng sức khỏe của người bệnh, những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải để các bên cùng tìm cách tháo gỡ.
- Trân trọng cảm ơn ông!