Điều trị rối loạn tâm thần do rượu
Sức khỏe - Ngày đăng : 13:06, 12/12/2022
Tác hại khôn lường
Nghiên cứu khoa học chỉ rõ, việc sử dụng rượu nhiều, lâu ngày có thể gây ra một số bệnh lý rối loạn tâm thần, phổ biến là rối loạn tâm thần cấp (say rượu); loạn thần.
Loạn thần do rượu là nhóm các biểu hiện rối loạn tâm thần, rối loạn cảm xúc, hành vi, hoang tưởng, ảo giác… Cụ thể, sảng rượu là bệnh loạn thần cấp tính và trầm trọng, khiến người sử dụng thường run, hoảng hốt, lo âu, trầm cảm; ý thức mê sảng hoặc lú lẫn, hoang tưởng, kích động, mất ngủ. Ảo giác do rượu thường gặp ở người nghiện rượu lâu ngày, có thể khởi phát cấp tính hoặc khởi phát từ từ, tăng nặng dần về chiều tối…
Hoang tưởng do rượu là một hội chứng hoặc một thể bệnh của loạn thần do rượu, biểu hiện lâm sàng chủ yếu là hoang tưởng ghen tuông và hoang tưởng bị hại. Ngoài ra, người nghiện rượu còn có thể bị bệnh loạn thần Korsakov. Đây là một trong những thể bệnh não thực tổn mạn tính, thường dẫn đến chứng mất trí nhớ và viêm đa dây thần kinh. Thiếu vitamin cũng là vấn đề thường gặp ở người nghiện rượu do thiếu dinh dưỡng và có thể dẫn đến tổn thương não trầm trọng, đặc biệt là thiếu vitamin B1 gây ra hội chứng Korsakov. Với hội chứng này, bệnh nhân thường bị tổn thương nhiều vùng trên não, gây bệnh não, teo cơ, rối loạn định hướng không gian và thời gian, rối loạn trí nhớ…
Trên thực tế, nhiều trường hợp nghiện rượu có những hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực, thậm chí có hành vi bạo lực đối với những người xung quanh. Người có hành vi bạo lực do rượu thường là nam giới, còn nạn nhân thường là phụ nữ và trẻ em. Chị N.T.H.H, đến từ một huyện ngoại thành Hà Nội, kể, chồng chị nghiện rượu nhiều năm nay. Trong cơn say, lúc thì người chồng này chửi bới vợ con, khi lại đánh đập. Cùng là nạn nhân của người chồng có biểu hiện loạn thần do rượu, chị N.T.T cho hay, mỗi lần uống nhiều rượu dẫn đến say, chồng chị thường ghen tuông vô cớ. Sau 5 năm gắng gượng chịu đựng, chị T thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi…
Từng sử dụng rượu từ năm 1995 đến nay, ông M.V.C, trú tại xã Hồng Sơn (huyện Mỹ Đức) cho hay: “Những năm gần đây, chân tay tôi bị run, người mệt mỏi. Lúc tỉnh táo, tôi muốn bỏ rượu để cải thiện sức khỏe, nhưng cứ dừng uống rượu là có cảm giác thèm rượu đến mức không chịu được. Mỗi khi lâng lâng men say, tôi hay ngủ, nên ít dành thời gian cho công việc, cho những người thân trong gia đình”.
Từ những dẫn chứng nêu trên có thể thấy rõ hơn, việc lạm dụng rượu dẫn đến những hậu quả khôn lường cho chính bản thân, gia đình và xã hội.
Nâng cao nhận thức
Là cơ sở y tế lớn của Hà Nội về chăm sóc sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức áp dụng đồng thời các biện pháp chuyên môn để điều trị cho người bệnh. Bác sĩ Nguyễn Văn Dương, Khoa Đông y nghiện chất (Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức) cho hay, việc tiến hành điều trị cai nghiện rượu, rối loạn tâm thần do rượu phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe thể chất và tâm lý của bệnh nhân, nên phải rất linh hoạt. Cùng với việc sử dụng thuốc, đội ngũ y, bác sĩ cần quan tâm đến tâm lý của người bệnh, hướng họ đến những suy nghĩ tích cực, có động lực, quyết tâm để vượt qua những lúc nhớ rượu.
Ngoài các biện pháp chuyên môn, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức thành lập Câu lạc bộ Rượu và duy trì sinh hoạt 2 lần/tháng tại bệnh viện. Câu lạc bộ là nơi giao lưu, trao đổi, chia sẻ của những bệnh nhân đang điều trị cai nghiện rượu. Mỗi buổi sinh hoạt có từ 8 đến 15 bệnh nhân. “Giảng viên” của các buổi sinh hoạt là đại diện lãnh đạo bệnh viện cùng các bác sĩ tận tâm với nghề, với bệnh nhân.
Thông qua những câu chuyện chung, chuyện riêng được chia sẻ cùng những kiến thức, kỹ năng được trang bị, không ít người nhận thấy tác hại do lạm dụng rượu, nên có thêm động lực, quyết tâm để từ bỏ.
Như ông M.V.C, trú tại xã Hồng Sơn, bày tỏ: “Tôi chỉ có hai con đường để lựa chọn, nếu tiếp tục lạm dụng rượu, đồng nghĩa tôi sẽ chết sớm. Muốn sống vui vầy bên con, cháu, tôi phải cai nghiện rượu. Sau khi xuất viện trở về với gia đình, cộng đồng, tôi cố gắng không để bản thân tái nghiện, không vì cả nể mà tiếp tục “chén chú, chén anh””.
Bà Đ.T.V, là vợ của một bệnh nhân điều trị nghiện rượu tại Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức nói: “Nghe các bác sĩ giải thích, tôi đã hiểu ra, bệnh nhân cần nhận được sự quan tâm, động viên, khích lệ của người nhà để có thể cai rượu. Do đó, thay vì cằn nhằn như thời gian trước, tôi sẽ cùng các con ở bên cạnh chồng nhiều hơn, sẽ tổ chức các hoạt động cần người “trụ cột”, giúp chồng tôi nhận ra vai trò, trách nhiệm của mình để cố gắng”.
Thông qua nhiều biện pháp điều trị vừa khoa học, linh hoạt, vừa phù hợp với từng trường hợp, tình huống cụ thể của bệnh nhân điều trị cai nghiện rượu, rối loạn tâm thần do rượu nói riêng, mắc các bệnh về rối loạn tâm thần nói chung, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều bệnh nhân, gia đình. Đây cũng là cách để cơ sở này nâng cao chất lượng phục vụ, điều trị bệnh theo hướng lấy bệnh nhân làm trung tâm, thiết thực góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng.