Cuộc phiêu lưu của người Việt: Từ Việt Nam đến Oakland

Xã hội - Ngày đăng : 12:50, 16/08/2006

Nhiều gia đình người Việt gốc Hoa ly tán rồi đoàn tụ tại “Phố Tàu mới” ở East Bay. Họ bắt đầu một cuộc sống mới nhưng vẫn luôn nhớ về nguồn gốc của mình.

Nhiều gia đình người Việt gốc Hoa ly tán rồi đoàn tụ tại “Phố Tàu mới” ở East Bay. Họ bắt đầu một cuộc sống mới nhưng vẫn luôn nhớ về nguồn gốc của mình.

Cơ hội tìm lại được nguồn gốc của mình

Nếu có người hỏi Kiet H. Lam, 49 tuổi, “Anh là ai?”, thì anh sẽ trả lời “Tôi là người Mỹ”. Nhưng tận trong sâu thẳm tâm hồn, anh muốn nói: “Tôi là người Việt gốc Hoa”. Là một trong hàng ngàn người Việt đã từng sống tại Việt Nam cho đến khi di dân sang Hoa Kỳ, Kiet H. Lam đã làm lại cuộc đời tại thành phố Oakland, Hoa Kỳ rồi trở thành chủ của một cửa tiệm nhỏ.

Cũng như Kiet H. Lam, rất nhiều di dân người Việt đã định cư tại Phố Tàu Oakland như một sắc dân ẩn mình trong suốt ba thập niên qua. Họ đã bắt đầu với những thương vụ nhỏ như những tiệm bán nữ trang, sản xuất hàng chợ làm sống lại Phố Tàu cũ và đã tạo dựng một “Phố Tàu mới” ở khu vực Eastlake.

Những di dân người Việt tìm được sự an ủi ở khu Phố Tàu, nơi họ sống chan hòa với người Việt gốc Hoa địa phương cùng các di dân người Việt vì họ có thể nói được cả hai thứ tiếng Hoa và Việt. “Một khi họ đã đến Hoa Kỳ thì đời sống cộng đồng ở khu phố Tàu giúp cho họ có cơ hội tìm lại được nguồn gốc của mình” - đó là lời phát biểu của cô Minh Hoa Ta ở Trường Cao đẳng TP. San Francisco. Cô ước lượng có khoảng 10.000 người Việt gốc Hoa ở Oakland, 10.000 người ở San Francisco và gần như không thể có được con số chính xác bởi vì không có thống kê cũng như số liệu di dân cho vấn đề này.

Thế hệ đầu tiên

Kiet H. Lam và người anh đã rời Việt Nam vào năm 1974. Cha mẹ họ đã trả tiền để đưa lậu hai đứa trẻ xuống tàu sang Hồng Kông, tránh bị bắt đi quân dịch cho quân đội miền Nam Việt Nam thời bấy giờ. Kiet H. Lam kể lại cuộc hành trình: Họ đã phải chờ một đêm không mây mù, sau khi mặc quần áo sậm màu cũng như dùng vớ đen bọc kín bên ngoài đôi giày. Họ nhảy xuống một chiếc tàu đánh cá trong khi các làn sóng vỗ mạnh vào bờ. Sau một cuộc hành trình dài từ Việt Nam sang Hồng Kông rồi đến Đài Loan, Lam đã nộp đơn xin qui chế tị nạn và được đến San Diego. Không lâu sau, anh nghe tin chị của anh đang ở Oakland. Cô này rời Việt Nam vào năm 1975 sang đến đảo Guam rồi tới Philippines và sau cùng đến được Oakland do hội từ thiện Công giáo bảo lãnh.

Cuộc di cư từ Việt Nam, cũng giống như bao người tị nạn và di dân khác, gia đình anh đã bị phân tán khắp mọi nơi trên thế giới. Lấy trường hợp 12 anh chị em ruột của Kiet H. Lam thì hiện nay 2 người ở Toronto, 1 ở Chicago, 3 ở Nam California, 1 ở Hayward, 1 ở Oakland, 2 ở Concord, 1 ở Zurich và  1 ở Geneva.

Kiet H. Lam đã trải qua nhiều năm làm công việc rửa chén bát trong các nhà hàng Tàu trong khi theo học tại Trường Berkeley. Kế đến anh nhận được Chứng chỉ Cao học tại Trường Diablo Valley. Hiện nay anh làm đại lý bán vé máy bay. Văn phòng của anh đặt tại Swan’s Market Place trong khu phố cổ Oakland chỉ cách một vài bước đến trung tâm thành phố và khu Phố Tàu. Lam nói rành 4 thứ tiếng địa phương của Trung Quốc gồm tiếng Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông và Quan Thoại, thêm vào đó là tiếng Việt và tiếng Anh. Hiện anh sống tại Lafayette cùng với vợ anh cũng là một người Hoa đến từ Philippines và đứa con gái 16 tuổi đang theo học tại Trường Trung học Acalanes.

Còn cha mẹ anh rời Việt Nam vào đầu thập niên 1980, sống ở Thụy Sĩ gần 7 năm và sau cùng họ cũng về Oakland sinh sống. Họ sống tại khu của cư dân phố Tàu, thức dậy sớm mỗi ngày để tập thái cực quyền  trước sân của dãy phố buôn bán Lake Merritt Bart. Họ cảm thấy thích nghi cùng với hàng xóm trong cộng đồng. Lam nói: “Thật tuyệt vời khi mọi chuyện đều được giải quyết”.

Đem lại sức sống mới cho Phố Tàu

Nếu người nào đi vào một tiệm trong khu vực buôn bán của người Hoa hoặc khu vực thương mại Eastlake/San Antonio - được đặt tên là “Phố Tàu Mới”, họ sẽ có cơ hội gặp một ai đó là người Việt gốc Hoa. Một cuộc tản bộ trong khu vực sẽ giúp tìm thấy ở mặt tiền của những tiệm buôn bán nhỏ những bảng hiệu tiếng Hoa hay tiếng Việt, những tiệm này được điều hành bởi người Việt gốc Hoa đến từ Việt Nam. Ngày nay, ở Phố Tàu, theo tài liệu của Phòng thương mại phố Tàu, có khoảng 20% cửa tiệm do người Việt gốc Hoa đến từ Việt Nam làm chủ.

Cô Minh Hoa Ta, người Việt gốc Hoa, giải thích tại sao những người Việt gốc Hoa lúc khởi đầu bị cuốn hút về phố Tàu: “Khi còn ở Việt Nam họ được xem như là người Hoa. Bây giờ, cuộc sống ở phố Tàu Oakland cho phép họ tự khẳng định mình vì họ không thể nói được tiếng Anh để sinh tồn, nhưng họ nói được tiếng Hoa giúp cho họ bắt đầu công việc làm ăn ở phố Tàu. Họ cũng có thể phục vụ cho các di dân người Việt và Cambodia mới đến và nới rộng đến các sắc dân Á châu khác. Họ có khả năng ngôn ngữ để giao tiếp với người Hoa cũng như những người dân Đông Nam Á”.

Nước mắm, gạo thơm, trái mít - người ta gọi chúng như vậy. Khởi đầu từ cuối thập niên 1970 có nhiều thức ăn mà người ta không biết gọi chúng là gì ở Hoa Kỳ, bỗng nhiên tên của chúng vang dội lên ở các phố Tàu. Khi thương vụ lớn mạnh nhưng diện tích ở Phố Tàu cũ có giới hạn nên một “Phố Tàu mới” được tạo lập ở khu vực Eastlake và San Antonio, dọc theo con đường International và con đường số 12 Đông. Nhiều cửa tiệm hiện nay do người Việt gốc Hoa, người Việt, Thái, Campuchia, Lào và những người dân Đông Nam Á khác làm chủ.

Người cha của Henry Quach làm chủ tiệm Quach’s Locksmith ở khu vực Eastlake từ 9 năm nay. Anh Quach, 21 tuổi, nói rằng gia đình anh là thành phần của Hiệp hội Thương mại và Xã hội của hầu hết người Việt gốc Hoa. Anh tự cho mình là người Hoa và Việt, thế nhưng khi hỏi anh muốn xác định bản thân anh là gì thì anh nói: “Tôi là người Mỹ gốc Á châu”. Gia đình anh cũng còn làm chủ một cửa tiệm khác, tiệm Quach’s Choice Tea, ngay cạnh bên tiệm Quach’s Locksmith.

Cô Minh Hoa Ta đã từng làm việc với di dân người Việt trong nhiều năm tại Viện Nghiên cứu quốc tế East Bay có trụ sở ở Oakland. Cô nói rằng đa số người Việt gốc Hoa ở Oakland, kể cả chủ các cửa tiệm nhỏ, đều là thành phần lao động như thợ máy, giúp việc nhà hàng và công nhân xây dựng. Nếu thương vụ thành công thì các gia đình thường chuyển ra sống ở ngoại ô nhưng vẫn giữ cửa tiệm trong thành phố Oakland. Còn Jim Nguyen, một luật sư trợ giúp ngôn ngữ của Trung tâm Luật pháp Gia đình có trụ sở ở Oakland, nói rằng văn phòng của ông đã thực hiện việc trợ giúp ngôn ngữ cho người Việt và người gốc Đông Nam Á khác tại Oakland. Hiện tại số người Việt Nam nói tiếng Anh còn bị hạn chế, ít hơn 6.000 người, ông cho biết như thế.

Theo VNN

LANHUONG