HIV/AIDS - thách thức lớn với lục địa đen

Thế giới - Ngày đăng : 09:12, 14/08/2006

Kể từ ca bệnh đầu tiên được phát hiện năm 1981, đến nay thế giới đã có 65 triệu người nhiễm vi-rút HIV trong đó hơn 25 triệu người đã tử vong vì bệnh AIDS. Căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS đang là thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở lục địa Đen.

Kể từ ca bệnh đầu tiên được phát hiện năm 1981, đến nay thế giới đã có 65 triệu người nhiễm vi-rút HIV trong đó hơn 25 triệu người đã tử vong vì bệnh AIDS. Căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS đang là thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở lục địa Đen.

 Theo dự đoán của Cơ quan phòng chống AIDS của LHQ (UNAIDS), có thể thêm 70 triệu người sẽ chết vì AIDS trong 20 năm tới và các nạn nhân chủ yếu là người châu Phi. “AIDS đe dọa xóa sổ cả một thế hệ tại châu Phi và gây ảnh hưởng tới toàn bộ lục địa này”. Mới đây, LHQ và Liên minh châu Phi (AU) đã phát động chiến dịch ngăn chặn lây nhiễm HIV/AIDS trên qui mô toàn châu lục, nơi mà dịch bệnh này hoành hành nghiêm trọng nhất trên thế giới.

Chiến dịch tổng lực nói trên mang tên “Năm tăng cường ngăn chặn HIV” nhằm hỗ trợ và thúc đẩy các nỗ lực phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS ở các nước châu Phi. Chiến dịch này tập trung vào cuộc vận động sử dụng bao cao su và các chương trình cung cấp bổ sung dinh dưỡng và thuốc cho các bà mẹ, chăm sóc trẻ em mồ côi vì cha mẹ bị bệnh AIDS. Tính đến cuối năm 2005, châu Phi đã có tới 12 triệu trẻ em bị mất cả cha mẹ vì AIDS. LHQ và các nước tài trợ đã chuẩn chi tới 300 triệu USD mỗi năm cho chương trình bao cao su cho châu Phi.

Hiện nay, các nước miền Nam châu Phi có tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao nhất, với 15 triệu người, chiếm 1/3 tổng số người nhiễm HIV/AIDS trên thế giới. ở vùng cận Xa-ha-ra của châu Phi, số phụ nữ và trẻ em gái nhiễm HIV nhiều gấp 2 lần số nam giới trẻ, có một số nơi, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ trẻ cao gấp 6 lần so với tỷ lệ này trong nhóm nam cùng trang lứa. Tuổi thọ trung bình người dân ở đây đã giảm từ 62 tuổi xuống còn 47 tuổi. Những quan niệm hủ tục như cắt bỏ âm đạo, tục nối dây, tảo hôn, chế độ hôn nhân và hệ thống y tế nghèo nàn ở nhiều quốc gia châu Phi làm tăng nguy cơ lây vi-rút HIV ở phụ nữ. Tại các quốc gia ở miền Nam châu Phi, có rất nhiều người vì ốm quá mà không thể làm việc để kiếm sống được. Số tiền mặt nhỏ nhoi trong các gia đình nghèo chịu ảnh hưởng của đại dịch HIV/AIDS thường được chi dùng cho việc mua thuốc để điều trị cho những người bệnh và lo cho các đám tang.

Tại Nam Phi, cứ 8 trẻ em thì có một em bị mồ côi do bệnh AIDS gây ra. Căn bệnh HIV/AIDS đang là gánh nặng đối với ngân sách quốc gia nước này. Nam Phi hiện có khoảng 6 triệu người bị nhiễm HIV, chiếm hơn 10% dân số. Các chuyên gia phòng chống AIDS của nước này cho biết, tuổi thọ trung bình của người dân Nam Phi đã giảm xuống còn 51 tuổi do tác động của đại dịch HIV/AIDS. Mục tiêu đạt mức tăng trưởng kinh tế 6% vào năm 2010 của Chính phủ Nam Phi sẽ khó có thể đạt được do căn bệnh thế kỷ đang ảnh hưởng trực tiếp đối với nhóm người đang ở tuổi lao động. Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS ở độ tuổi thanh thiếu niên vào khoảng hơn 20%, tại một số thành phố lớn, tỷ lệ này lên đến 25 - 30%. Người đứng đầu UNAIDS, ông Pi-tơ Pi-ốt cho biết, đối với các nước như Nam Phi, rất khó để tìm được giải pháp cho vấn đề này vì nó quá phức tạp.

Hiện nay, ở những nước từng một thời là “điểm nóng” về AIDS như Dim-ba-bu-ê, Buốc-ki-na Pha-xô, Kê-ni-a và Tan-da-ni-a... tỷ lệ nhiễm mới HIV đã giảm nhưng dịch bệnh còn lâu mới bị đảo ngược. Trước những tác hại nghiêm trọng mà HIV/AIDS gây ra, Quĩ Nhi đồng LHQ (UNICEF) kêu gọi các nước châu Phi tận dụng cơ hội mà LHQ và AU phát động để biến năm 2006 thành năm thay đổi diễn biến của đại dịch này ở lục địa Đen.

Nguyễn Phúc

ANHTHU