Những lỗ hổng giáo dục và phẩm cách người thầy
Giáo dục - Ngày đăng : 10:39, 13/08/2006
Chưa bao giờ, giáo dục đất nước bị nhiều tổn thất như bây giờ. Tổn thất về chương trình giáo dục (GD), với những tranh cãi bất tận về sự sai đúng trong mô hình, trong phương án, trong nội dung, chương trình, sách giáo khoa. Tổn thất về chất lượng GD, giữa những tỷ lệ % học thật và tỷ lệ % đỗ ảo, với căn bệnh thành tích đã trở thành vấn nạn. Tổn thất về thi cử, với sự kiện điển hình về thói gian lận thi cử tại Hà Tây, và có thể còn có nhiều “ Hà Tây” khác... Nhưng đặc biệt là sự tổn thất về phẩm cách nhà giáo.
Có ai đó đau xót ví GD giờ như tấm áo mục, vá chỗ này bục chỗ kia. Từ đầu năm đến nay, hàng chục vụ việc cô giáo, thầy giáo bị cơ quan chức năng truy tố trước pháp luật: cô giáo tiểu học lừa đảo, thầy giáo THCS đi ăn cướp... Tệ hại hơn, đức hạnh người thầy bị hoen ố trước con mắt xã hội ngày càng có nguy cơ "leo cao”, và “đào sâu” về nhiều phương diện.
Không chỉ có một ông giám đốc sở GD và ĐT bị cách chức vì 3,2 tỷ đồng để ngoài sổ sách. Mà có cả một ông giám đốc sở kiêm đại biểu Quốc hội bị bắt giam vì tội tiếp tay cho lừa đảo. Không chỉ có một chuyên viên sở GD và ĐT, nguyên là Giám đốc (lại giám đốc) một công ty sách- thiết bị giáo dục bị bắt vì tội mua dâm vị thành niên một cách có tổ chức, mà sự kiện mới đây nhất - ông thầy Phó chủ nhiệm khoa báo chí trường cao đẳng nọ đòi nữ sinh viên đổi “ tình” lấy điểm với những nhân chứng, vật chứng không thể chối cãi.
Dĩ nhiên, những ông thầy mất nhân cách, thiếu đức hạnh như họ đã và sẽ phải trả giá. Ông thầy Đỗ Tư Đông ngay lập tức bị thôi việc. Nhưng ở một đất nước có truyền thống trọng đạo học, trọng đạo thầy trò, với những lời hay ý đẹp như hoa, như gấm: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Không thày đố mày làm nên”, “Sang sông thì bắc cầu Kiều. Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”... thì liên tục những vết nhơ trên là nỗi đau, nỗi nhục cho cả ngành GD.
Phải chăng, sự tổn thất về con người nói riêng, sự khủng hoảng về GD nói chung phản chiếu sự bất ổn của cả nền kinh tế- xã hội, đặc biệt là sự hỗn tạp về quan niệm các giá trị văn hoá, đang trong công cuộc đôỉ mới, lột xác đầy đau đớn. Nó vừa là hệ luỵ tất yếu của cái cũ, vừa là sự trớ trêu khi tiếp cận cái mới, trong đó có cả mặt trái rác rưởi của nền kinh tế thị trường?
Con người vốn là tổng hoà mối quan hệ xã hội. Từ góc độ giáo dục, con người còn là sản phấm kết tinh của ba môi trường : gia đình – nhà trường – xã hội. Nhưng tiếc thay, cả ba môi trường giáo dục này đều có những lỗ hổng rất lớn.
Lỗ hổng xã hội. Văn hoá là nền tảng, là hệ thống những giá trị tinh thần của một xã hội, mà giáo dục chỉ là một phạm trù, một tiểu hệ thống. Cũng có ý kiến cho rằng giáo dục là tác giả, quyết định xã hội, vì thế chúng ta mới xác định giáo dục là “động lực phát triển”. Điều đó cũng đúng, nhưng đúng ở góc độ nguồn lực xã hội. Còn ở các thang bậc giá trị đạo đức, tinh thần, tôn giáo, triết học...văn hoá xã hội luôn là nền tảng, văn hoá xã hội thế nào, giáo dục thế ấy. Xã hội “hư”, giáo dục rất khó có thể “ngoan”.
Trong cuộc hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá, chưa phải là kinh tế, mà chính là văn hoá một dân tộc, một đất nước sẽ bị “ xâm lăng”, bị toàn cầu hoá trước tiên bởi đặc thù những thang bậc giá trị tinh thần của nó. Sự “xâm lăng” về văn hoá vừa rất nhanh chóng dưới các phương tiện kỹ thuật, thông tin ồ ạt, vừa đa dạng, vừa phức tạp, vừa công khai, vừa ngấm ngầm với nhiều diện mạo, nhất là quản lý văn hoá xã hội đất nước vừa non tay vừa lỏng lẻo.
Nền tảng văn hoá của một xã hội phong kiến, trải qua chiến tranh liên miên, “cái cũ” ( kể cả cái cũ chuẩn mực) do ngộ nhận, do ấu trĩ bị xoá bỏ không thương tiếc, nhưng “cái mới”, với cả sự định hình cùng thiết chế, vận hành lại mù mờ, bấy bớt, không đủ sức định hướng từ nhận thức đến lối sống.
Những rác rưởi của thời đại toàn cầu hoá dễ dàng táp vào đời sống con người tưởng đâu đó mới là văn minh, hiện đại. Nó không chỉ khiến con người ta vốn mỏng manh về nhận thức, dễ tha hoá về nhân cách, mà nguy hiểm hơn xô đẩy con người ta vào tội ác. Hàng ngày giở trang báo người ta kinh hoàng về số lượng các vụ án, tội phạm, diện mạo tội phạm, quy mô tội phạm, tính chất phức tạp của tội phạm.
Có một lý do dễ dàng nhất là đổ lỗi cho mặt trái của nền kinh tế thị trường. Nhưng có một lý do khó nhận biết hơn, mà đây mới là căn bản: nền tảng văn hoá xã hội được thiết lập như thế nào để định hướng lối sống xã hội, lối sống cá nhân? Giáo dục trên cái nền tảng văn hoá vốn đã mong manh, lại chịu chung những rác rưới của thời hội nhập, khó có thể là một cái “ boong- ke” vững chãi bởi GD cũng đầy lỗ hổng.
Lỗ hổng giáo dục. Dạy người là sứ mệnh cao quý nhất mà xã hội tin cậy trao cho ngành GD. Nếu nói giáo dục quyết định, “sản sinh” ra xã hội chính là ở chỗ với chức năng đào tạo, giáo dục “tái tạo ra văn hoá” dưới một tinh thể khác, một sự biến đổi về chất khác, đó là những thế hệ con người trẻ tuổi có tri thức, có trí tuệ, có phẩm chất và tâm hồn lành mạnh xây dựng xã hội mới. Nhưng tiếc thay, vì rất nhiều lý do trong cơ chế vận hành, chức năng giáo dục đã bị méo mó, bị lợi dụng để trục lợi, vô hình chung góp phần dạy nói dối, dạy thói giả dối cho con trẻ từ thuở bé.
Tôi vẫn nhớ một kỷ niệm tuổi thơ, cô giáo tôi, vào trước buổi dự giờ của cấp trên, đã căn dặn cả lớp: “Ngày mai có cấp trên về dự giờ. Khi cô hỏi, tất cả lớp phải giơ tay, cho có không khí học tập. Nhơng cô sẽ chỉ hỏi những bạn học giỏi thôi, các em đừng lo, cứ giơ tay hết!”. Rồi cô gọi những bạn học giỏi ra căn dặn. Kịch bản đã diễn ra đúng như cô giáo mong muốn. Đây chỉ là một trong vô vàn những câu chuyện minh chứng căn bệnh thành tích xuất hiện từ rất lâu, chứ không phải bây giờ nó mới xuất hiện như khi người ta phát hiện.
Nhưng về bản chất tạo ra nguồn lực lao động, GD bao giờ cũng là “động lực” phát triển. Thực tiễn trên thế giới cho thấy, có rất nhiều cuộc cách mạng bứt phá lên của các dân tộc đều bắt đầu từ cải cách giáo dục. Nhật Bản, Hàn Quốc, Sinh Ga Po, Đài Loan... đều vượt lên chính mình trước hết bằng GD.
Còn ở đất nước ta, công bằng mà nói, cuộc cải cách giáo dục 1980, với cái được rõ nhất là đổi mới hệ thống GD (từ 10 năm sang 12 năm). Nhưng trong công cuộc cải cách ấy, dường như GD chỉ đổ xô vào dạy chữ, (bắt đầu bằng cải cách chữ viết, cũng giống như sau này, tại công cuộc đổi mới GD, ngành cũng lại bắt đầu bằng thay đổi trật tự từ chữ a sang chữ e, để lại bao tiếng cười chê), mà quên mất phần dạy người.
Hàng chục năm sau, người ta mới tá hoả phát hiện chương trình, nội dung, SGK quá nặng, phải giảm tải. Còn dạy người thì sao?. Tôi nhớ mãi câu hỏi của con trai tôi: “ Mẹ ơi, sách giáo dục công dân có viết: xã hội ta giờ có nhiều người chân ngoài dài hơn chân trong. Thế chân ngoài là gì và chân trong là gì hả mẹ?”. Tôi đã phải mất rất nhiều thời gian để giải nghĩa mà xem chừng con tôi chưa hiểu hình ảnh “chân ngoài” với “chân trong” theo trí óc, tư duy non nớt của nó.
Trường sư phạm là nơi đào tạo người thầy, lại là nơi tuyển những học sinh không hề thích học sư phạm, chỉ bởi đã chạy “cùng sào”. Việc rèn nghề sư phạm như thế nào? Tôi chỉ chọn một góc văn hoá nhỏ. Ây là lần tôi đi cùng một giảng viên nữ vào khu ký túc xá nữ sinh của một trường sư phạm. Ôi thôi, chúng tôi toàn phải đi dưới những cái dây phơi chăng ngay trong hành lang treo đầy đồ lót, váy, quần nữ sinh viên. Và vào thử toa lét, tôi đã không thể chịu đựng nổi bởi sự bẩn thỉu, bừa bãi, vô ý thức của người sử dụng.
Những sinh viên sư phạm nay mai sẽ làm thầy, mà họ không được uốn nắn từ văn hoá lối sống, nếp sinh hoạt là những điều rất cơ bản của con người. Vậy nghiệp vụ sư phạm phải chăng chỉ là những tình huống sư phạm trên lớp, quanh bài giảng? Họ sẽ dạy trẻ sống và làm người như thế nào? Công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay mới triển khai từ năm 2000, đã vấp hết sai lầm này đến sai lầm khác, và cũng lại bắt đầu từ việc dạy chữ, từ chương trình, sách siáo khoa.
Lỗ hổng gia đình. Con người là sản phẩm đầu tiên của giáo dục gia đình, và ngược lại gia đình cũng là cái nôi nuôi dưỡng đầu tiên của con người. Từ góc độ xã hội, gia đình là tế bào của xã hội. Nhưng tiếc thay, khi nền tảng văn hoá xã hội đã yếu, đã lỏng lẻo thì những tế bào xã hội này lại là nơi xung yếu nhất cho các loại vi rút xâm nhập. Với những thăng trầm đầy biến động của thời cuộc, giáo dục gia đình lăn lóc từ cư chế bao cấp sang cư chế thị trường, và ở bất cứ cư chế quản lý nào, thì giáo dục gia đình vẫn là khâu yếu nhất.
Những lỗ hổng lớn của giáo dục từ ba môi trường : xã hội – nhà trường – gia đình như vậy làm sao tạo nên sự đầy đặn về trí tuệ, tâm hồn, nhân cách con người?. Chuyện đức hạnh người thầy là chuyện không nhỏ. Chuyện lớn là chuyện dạy chữ - dạy người. Chuyện lớn nhất là chuyện chấn hưng kinh tế- xã hội, đặc biệt là văn hoá.
Theo VNN