Phòng bệnh tim khi trời lạnh
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:33, 09/01/2023
Gia tăng bệnh tim mạch
Xuất hiện những cơn trống ngực, khó thở, ông H.V.M. (70 tuổi ở tỉnh Hải Dương) được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương điều trị, nhưng bệnh không thuyên giảm. Sau đó, ông M. được chuyển đến Bệnh viện trung ương Quân đội 108. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán nhịp nhanh thất - một rối loạn nhịp nguy hiểm, có thể gây ra tụt huyết áp, suy tim cấp, sốc tim, thậm chí đe dọa tính mạng. Sau gần 3 tuần điều trị với 20 lần sốc điện, bệnh nhân đã hết cơn nhanh thất, tình trạng suy tim cải thiện rõ rệt và được xuất viện.
Vào thời điểm hiện nay, không chỉ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 mà tại các trung tâm tim mạch lớn đều tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, trong những ngày thời tiết chuyển lạnh, số lượng bệnh nhân đến khám tại bệnh viện tăng từ 5% đến 10%, chủ yếu là các bệnh lý tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim…
Lý giải nguyên nhân khiến bệnh tim mạch gia tăng trong mùa lạnh, Tiến sĩ Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cho biết, mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5mmHg, kéo theo tăng 21% các biến chứng tim mạch. Thêm vào đó, trời lạnh còn làm tăng tiết các catecholamin (một loại nội tiết tố) trong máu, dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp. Trong khi đó, đa số người dân không biết hoặc chưa kiểm soát tốt huyết áp của mình.
Thống kê của ngành Y tế cho thấy, khoảng 1/3 trong số bệnh nhân tăng huyết áp được điều trị và trong số những người được điều trị chỉ có 1/3 kiểm soát được huyết áp bằng thuốc. “Với người cao tuổi, huyết áp thường không quá 140/90mmHg. Khi thời tiết chuyển sang lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp tăng lên. Khi huyết áp tăng đến 200mmHg, nếu không phát hiện và dùng thuốc kịp thời có thể gây vỡ mạch máu não và tử vong. Đặc biệt, với những người bị bệnh tiểu đường, nguy cơ biến chứng tăng huyết áp càng cao và dễ có cơn huyết áp kịch phát, nguy hiểm”, Tiến sĩ Ngô Tuấn Anh lưu ý.
Với người có bệnh mạch vành, theo các bác sĩ, khi trời lạnh nhu cầu ô xy cho cơ tim tăng hơn, do đó có thể xuất hiện dấu hiệu như đau ngực, nhồi máu cơ tim cấp. Đặc biệt, thời tiết lạnh còn làm tăng số lượng tiểu cầu, hồng cầu và độ nhớt của máu, từ đó tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi.
Các cách để giữ trái tim khỏe
Theo Bộ Y tế, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu, ước tính 17,9 triệu người mỗi năm. Còn tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh này, chiếm 33% tổng số ca tử vong. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, tại Việt Nam, bệnh lý tim mạch thuộc nhóm nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong nhóm bệnh không lây nhiễm và đang tạo nên gánh nặng cho hệ thống y tế.
Dù vậy, hơn 70% trong số các bệnh tim mạch, như: Mạch vành, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, suy tim... gây ra bởi các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được. Chính vì vậy, để giữ trái tim khỏe, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho rằng, điều quan trọng là những người có tiền sử bệnh tim không được bỏ thuốc, cần uống thuốc đều đặn theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, đo huyết áp thường xuyên, ít nhất 2 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 10-15 phút, đo khi nghỉ ngơi.
“Không phải vì mùa đông, cuối năm liên hoan, tổng kết, gặp mặt… mà cho phép ăn nhiều thức ăn chứa dầu mỡ, hút thuốc, uống rượu nhiều hơn, người bệnh vẫn cần thực hiện tiết chế dinh dưỡng để bảo vệ sức khỏe. Ngoài ra, duy trì thói quen tập thể dục, chế độ ăn uống phù hợp với bệnh lý… Tuy nhiên, không nên tập thể dục ngoài trời trước 6h30 sáng để tránh bị nhiễm lạnh. Khi ra ngoài trời cần giữ ấm cơ thể, tránh bị nhiễm lạnh đột ngột, luôn đeo khẩu trang. Riêng với người cao tuổi cần tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy. Khi tắm rửa cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Sinh Hiền khuyến cáo.
Các bác sĩ cũng đưa ra lưu ý, người có tiền sử bệnh tim mạch nếu không cảnh giác với cái lạnh, không giữ đủ ấm, hoạt động ngoài trời trong thời tiết lạnh có thể dẫn đến hạ thân nhiệt đột ngột, làm bệnh nặng hơn, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Ngoài ra, nếu tập thể dục cảm thấy đau ngực, đau lưng, đau vai, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, mệt, nhịp tim đập nhanh hoặc đập chậm… hoặc nói ngắt quãng một cách bất thường khi đang tập thể dục, cần ngừng tập ngay lập tức.