Hệ thống phân phối và bán lẻ Việt Nam cần có sự “lột xác”

Kinh tế - Ngày đăng : 19:23, 07/08/2006

(HNMĐT) - Hệ thống phân phối và bán lẻ Việt Nam đang đứng trước những thách thức và cạnh tranh rất lớn khi lộ trình gia nhập WTO của Việt Nam đã cận kề. Các Tập đoàn lớn đã và đang "đặt chân mạnh" vào Việt Nam. PV Báo Hà Nội Mới Điện tử đã cuộc trao đổi với ông Phạm Đình Đoàn - Tống giám đốc Công ty TNHH Phú Thái - một trong những công ty phân phối hàng đầu Việt Nam về tình hình trên.

* Hệ thống phân phối và bán lẻ ở các nước trên thế giới đã phát triển rất mạnh, vậy còn ở nước ta ông có đánh giá như thế nào?

* Tại các nước phát triển, tỷ trọng thương mại hiện đại (Modern trade) có một vị trí rất lớn, tại Mỹ chiếm đến trên 90%, ở Trung Quốc là hơn 56% và ở Thái Lan cũng là hơn 60%. Các nhà phân phối lớn trên thế giới có xu hướng phát triển theo chuỗi và có sự mua bán sáp nhập (ví như: Metro mua lại Walmart, Emart lại mua Walmart, Metro và Marko sáp nhập với nhau).

Hệ thống phân phối bán sỉ của nước ta nhiều nhưng chưa chuyên nghiệp, quy mô nhỏ. Các siêu thị bán lẻ: Saigon Co-op, Intimex, Maximart, Fivimart đã hình thành chuỗi nhưng chưa nhiều.... Trong 300.000 cửa hàng bán lẻ đang hoạt động trên khắp đất nước ta, có nhiều cửa hàng nhỏ lẻ, không có tiêu chuẩn và không đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, một số công ty bán hàng đa cấp đã được hình thành nhưng hiện do chưa được quản lý tốt nên chất lượng và giá cả không đồng nhất. Một số công ty còn trốn thuế....

Tuy nhiên, các mô hình phân phối hiện nay đã khá đa dạng với hệ thống phân phối bán sỉ, kho vận, hậu cần và marketing (Diethem – PhuThai); Hệ thống đại siêu thị, siêu thị bán sỉ, siêu thị giảm giá (Walmart, Carefour, Metro.....); Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị chuyên ngành (Big C, Seiyu, Saigon Co.op, Caring, Ikea...); Các cửa hàng lẻ, chợ, cửa hàng chuyên ngành, cửa hàng thuận tiện (Seven Eleven, Circle K, Coop, G7 Mart, 24 Seven ...) và các loại hình khác, bán hàng đa cấp, truyền tin, bán hàng trên mạng, bán hàng trên tivi ...

* Gia nhập WTO, hệ thống phân phối của Việt Nam sẽ có những thay đổi mạnh mẽ?

* Chúng ta sẽ mở rộng dịch vụ phân phối bằng cách tự do hoá bán buôn, bán lẻ và cấp quyền kinh doanh. Sau thời điểm gia nhập WTO, các công ty bán sỉ, bán lẻ, nhượng quyền thương hiệu của Mỹ sẽ được thành lập liên doanh. Theo đàm phán đã ký kết, từ ngày 01/01/2009, các công ty của Mỹ sẽ được thành lập công ty 100% vốn; được phân phối cả hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, nước ta sẽ mở cửa dịch vụ bán lẻ trực tiếp cho đại lý môi giới là cá nhân.

Vừa qua siêu thị bán sỉ Metro (Đức) đã được cấp phép 8 trung tâm phát triển theo mô hình chuỗi, chắc chắn sẽ tác động nhiều đến hệ thống siêu thị của Việt Nam.

Hệ thống phân phối và bán lẻ thực sự là một ngành dịch vụ có lợi nhuận tốt, có tác động đến nhiều hoạt động của kinh tế đất nước, các nhà sản xuất, xuất nhập khẩu, người tiêu dùng... trong thời kỳ hội nhập và cũng là một thương trường có sự cạnh tranh rất lớn. Muốn cạnh tranh có hiệu quả, hệ thống phân phối và bán lẻ nước ta cần có sự “lột xác”, để chuyển từ kênh phân phối truyền thống, lạc hậu hiện nay sang phương thức hiện đại, thuận tiện.

* Là một công ty hàng đầu Việt Nam, có kinh nghiệm 13 nămtrong lĩnh vực phân phối, Phú Thái đã chuẩn bị những gì trong tiến trình hội nhập thưa ông?

* Công ty chúng tôi đã có kế hoạch trở thành một Tập đoàn Cổ phần Phân phối, Hậu cần và Tiếp thị hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2008. Mô hình phân phối mà Phú Thái đang xây dựng có 2.500 nhân viên; 25 Trung tâm phân phối và công ty thành viên; xây dựng hệ thống quản lý chuyên nghiệp và hiện đại tại các Trung tâm phân phối; hợp tác với hơn 100.000 đại lý và khách hàng trong và ngoài nước.

Riêng về hệ thống dịch vụ hậu cần của Phú Thái sẽ có khoảng 500 nhân viên; có từ 8 đến 10 trung tâm phân phối và kho vận đạt chuẩn quốc tế với diện tích từ 5.000 đến 50.000 m2 nhằm đáp ứng một cách hiệu quả các hoạt động hậu cần cho Tập đoàn và dịch vụ cho các đối tác khác.

Ở lĩnh vực marketing, Phú Thái cũng sẽ có khoảng từ 50 đến 100 nhân viên Marketing chuyên nghiệp; cung cấp và tư vấn chiến lược marketing cho các kế hoạch phân phối và hậu cần của tập đoàn và các công ty muốn thâm nhập thị trường Việt Nam; hợp tác, liên doanh, liên kết với các đối tác; xây dựng hệ thống chuỗi siêu thị; xây dựng chuỗi cửa hàng thuận tiện; phát triển các trung tâm bán sỉ với số lượng lớn trên phạm vi cả nước nhằm hỗ trợ và tăng hiệu quả của hệ thống phân phối và hậu cần.

Đặc biệt, Phú Thái đang có kế hoạch liên doanh với Sài Gòn Co-op và Hiệp hội doanh nghiệp trẻ triển khai hệ thống phân phối hiện đại với số vốn lên tới 6.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo tôi, để các doanh nghiệp trong nước vươn lên và cạnh tranh có hiệu quả trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Thương mại nên có quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển hệ thống phân phối và bán lẻ của Việt Nam với kế hoạch 1-5 năm để phù hợp với tình hình Việt Nam khi hội nhập WTO (không nên quá dài hạn đến tận 2015 – 2020 như hiện nay vì lĩnh vực này biến động rất nhanh). Hiện Bộ Thương mại đang có kế hoạch phát triển 15-20 nhà phân phối lớn trong nước nhưng kế hoạch đó chưa rõ ràng và khá chậm. Mặt khác, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ cho các mô hình liên kết, liên doanh với mục tiêu khả thi; và cần sớm có những chính sách nhất quán cao từ Chính phủ xuống các bộ, ngành và các tỉnh thành trong việc tiếp cận đất đai, chính sách hỗ trợ, chính sách xúc tiến thương mại, đào tạo, thuế ... tạo cho các doanh nghiệp một hành lang thông thoáng và nhất quán trong hoạt động.

* Trân trọng cảm ơn ông.

Lan Hương (thực hiện)

LANHUONG