Kinh doanh khu vui chơi - thời vàng son đã qua

Văn hóa - Ngày đăng : 14:16, 03/08/2006

(HNMĐT)- Cách đây 10 năm, bowling nổi lên như một trò vui chơi giải trí

Thú chơi bowling giờ đã bớt sức hút

(HNMĐT)- Cách đây 10 năm, bowling nổi lên như một trò vui chơi giải trí "thời thượng". Vào dịp cuối tuần, ai đó vòng xe đến Cosmos, Stabowl, hay toà nhà Fotuna để chơi bowling đều được xem là con người phong cách sống hiện đại.

Thời ấy, các sàn bowling đều chật cứng "thưọng đế", người chơi phải xếp hàng hoặc phải đặt lịch trước mới có chỗ. Các ông chủ kinh doanh đều hồ hởi thu bộn tiền và đầu tư thêm nhiều dịch vụ khác như nhà hàng, quán bar nhằm khép kín dịch vụ.Nhưng giờ đây, thời vàng son đã xa.

Các khu vui chơi này đều vắng khách mặc dù giá không cao: chỉ khoảng 15 nghìn đồng đến 20 nghìn đồng/games. Các nước khác trong khu vực cao hơn nhiều: ví dụ ở Thái Lan khoảng 3USD/games, Singapore 5 USD/games. Một đầu tư trước đây đã từng kinh doanh loại hình vui chơi giải trí này cho biết: các sàn chơi đang lỗ nặng. Quả thật, chỉ cần nhìn vào hoạt động cầm chừng của những địa điểm này cũng đủ biết. Ví như ở trung tâm Star bowling dường như không có sự tái đầu tư. Các làn chơi hỏng hóc liên tục nhiều khi khách đang chơi phải chờ sửa chữa. Giày cho khách thuê cũng cũ nát như dùng quá nhiều năm không thay mới. Nhân viên phục vụ uể oải. Còn ở Trung tâm vui chơi giải trí (một dự án đầu tư của Việt kiều Nga đầu tiên ở Hà Nội) sàn chơi bowling cũng đã chuyển sang kinh doanh dịch vụ khác.

Chuyện đầu tư và hiệu quả từ dự án vui chơi giải trí ở Thủ đô luôn là vấn đề nóng bỏng đối với các doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực này. Ngay cả công viên nước Hồ Tây cũng vậy. Được tổng vốn đầu tư ban đầu lên tới 150 tỷ đồng, khu công viên Hồ Tây ( thuộc Tổng công ty cổ phần dịch vụ giải trí Hà Nội) bao gồm 2 khu vực công viên Vầng Trăng và Công viên nước với tổng số 28 công trình vui chơi, giải trí .Đi vào hoạt động từ năm 1999, đến nay lượng khách tới công viên vào khoảng 2 triệu lượt người. Đó là một con quá nhỏ so với công suất và quy mô của công viên.

Thực ra, một lượng lớn khách tới công viên nước là người ngoại tỉnh với tâm lý "thử xem công viên nước Hà Nội thế nào?”.Còn lại, lượng khách thủ đô tới đây cũng khá đông. Nhưng họ thường mang nặng tâm lý: cất công vào công viên Hồ Tây một lần, xem cho hết các trò chơi rồi....lần sau không tới nữa. Muốn có sức hút thì nhà đầu tư phải luôn thay đổi và cập nhật các trò chơi hiện đại- mà điều này đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn. Trong khi đó, theo dự tính, công viên Hồ Tây phải hoạt động 10 năm mới thu hồi được nguồn vốn 150 tỷ ban đầu.

Trên thực tế, công viên Hồ Tây cũng đã bổ xung thêm một số trò chơi mới được sản xuất từ Nhật Bản như thuyền lắc, đu quay dây văng, đu quay dây xoắn. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, thời tiết lạnh của mùa đông đang là nỗi lo của những thành viên công ty. Tất nhiên, khi công viên nước không còn tạo sức hút với du khách trong mùa đông, trách nhiệm sẽ thuộc về các khu chức năng khác. Đó là công viên Vầng Trăng với các trò tàu điện trên không, phòng chiếu phim ảo, nhà ô tô đụng, nhà bóng, nhà phao; là nhà dịch vụ đa năng gồm siêu thị, nhà hàng, CLB sức khoẻ với phòng tập thể hình, phòng tắm hơi, tập thể dục thẩm mỹ, là CLB thể thao – văn hoá Hồ Tây...Tuy nhiên để thu hút khách đến một địa điểm xa như vậy không là điều dễ dàng. Cty đang hoàn tất với lượng phát hành 2000 thẻ hội viên /năm hướng tới đối tượng là du khách nước ngoài.

Để chuẩn bị cho mùa đông, hàng loạt chương trình tiếp thị và thu hút du khách đang được công viên Hồ Tây đưa ra.Hàng loạt các chương trình ca nhạc, hài kịch và thời trang cũng được lên kế hoạch bố trí tổ chức vào các ngày cuối tuần tại Công viên.Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn nhiều bởi đầu tư lớn thì phải bán vé cao. Mà giá vé trung bình 50 ngàn đồng/nguời lại bị kêu là đắt. Người dân Hà Nội giỏi lắm cũng chỉ đi từ 1 đến 2 lần cho biết, hiếm có ai chơi 3 lần chứ đừng nói đến chuyện thường xuyên. Mặc dù không "hé" ra nhưng nhiều thông tin cho thấy đến nay đơn vị đầu tư vẫn cầm chắc lỗ vốn.

Hiện nay, UBND Hà Nội đang chủ trương đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư các khu vui chơi giải trí nhưng xem ra rất khó khăn. Các chuyên gia lý giải là người Hà nội không có thói quen đi chơi thường xuyên và tiêu xài tiền cho hưởng thụ dịch vụ như người TP Hồ Chí Minh. Hơn nữa, người dân các tỉnh lên cận của Hà Nội cũng không có thói quen về Thủ đô để chơi các trò chơi giải trí như TP Hồ Chí Minh. Ví dụ khu Suối Tiên, Đầm Sen ở TP Hồ Chí Minh hàng ngày đón rất nhiều khách du lịch từ miền Tây hay các vùng lân cận tới vui chơi. Một lý do nữa là một bộ phận không nhỏ những người có thu nhập cao ở Hà Nội thích chơi các trò thể thao "thời thượng" hơn như ten-nis, chơi đánh gôn. Còn những người có thu nhập lại không đủ tiền vào công viên nước hay sàn chơi Bowling.

Vậy mô hình đầu tư cho khu vui chơi giải trí ở Thủ đô thế nào là phù hợp. Theo các chuyên gia thì đầu tư vào các khu vui chơi "trên mức bình dân" một chút là có thể hút khách. Đặc biệt cần lựa chọn các địa điểm nằm trung tâm các khu dân cư hoặc các khu đô thị mới. Hiện nay qua hoạch công viên của Hà Nội có vẻ như chưa phù hợp với quần thể dân cư. Ví dụ công viên Tuổi Trẻ nằm quá gần với công viên Lê Nin, công viên Đống Đa gần với công viên Thành Công Trong khi cư dân các khu đô thị mới như Đền Lừ, Vinaconex, hay Định Công một trong những công viên gần nhất lại quá xa. Các trung tâm vui chơi giải trí như công viên nứoc Hồ Tây cũng nằm xa các khu chung cư trong khi phương tiện công cộng đi lại rất khó khăn. Với sự bất cập như vậy, ngươi dân Hà Nội không thể tham gia vui chơi thường xuyên dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp. Sự thất bại của một số dự án đi trước đang đặt ra cho những người đầu tư kinh doanh khu vui chơi giải trí đi sau một bài toán khó. Ai tìm được lời giải nhanh nhất và biết rút kinh nghiệm nhất, người đó sẽ chiến thắng.

Tuyết Minh

TUYETMINH