Ấp Thái Hà
Xã hội - Ngày đăng : 09:32, 01/08/2006
(HNMĐT)- Ấp Thái Hà nằm trên phần đất của bốn làng : Thịnh Quang, Nam Đồng, Khương Thượng và Yên Lãng (Láng). Gọi là “Ấp” vì đây là “phần thưởng” của thực dân Pháp cho Hoàng Cao Khải - là Kinh lược sứ Bắc Kỳ, một tên tay sai đắc lực của thực dân Pháp trong việc đàn áp phong trào Cần Vương của nhân dân ta, như là một “thực ấp” của các “đại thần” ngày xưa.
Mặc dầu đã từng có dinh cơ ở phố Tràng Thi, Hoàng Cao Khải vẫn muốn lập dinh cơ tại đây cho khi về già. Ấp hình thành vào năm 1893. Tên “Thái Hà” là ghép tên xã và tên tỉnh của quê y (làng Đông Thái, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh; song cũng có thuyết nói “Hà” ở đây là “Hà Nội”). Năm 1899, thực dân Pháp lập ra “Khu vực ngoại thành Hà Nội” (năm 1915 gọi là huyện Hoàn Long thuộc tỉnh Hà Đông, năm 1942 đổi gọi là Đại lý đặc biệt Hà Nội), gồm 60 làng xã ở vùng ven thành phố Hà Nội, ấp Thái Hà được chọn làm lỵ sở của đơn vị hành chính này.
Ấp Thái Hà có tổng diện tích là 150 héc ta. Vì toàn bộ đất đai nằm trên thế trũng, Khải cho đào mương máng ngang dọc, xung quanh để tiêu nước, đất đào lên để tôn nền, rồi chia thành vài chục lô vuông vắn. Khu dinh cơ của Khải chiếm một phần tư ấp, ở góc Đông Nam đường cái (phố Tây Sơn hiện nay) gồm có tư dinh (tòa nhà chín gian) nằm sâu trong cổng chính, cổng phụ, cầu bắc qua hào, tường bao quanh kín đáo, trong nhà trang trí lộng lẫy với cácbức hoanghf phi, câu đối, bức trướng, các sập gụ, các đồ đồng, đồ sứ quý giá; lăng tẩm có nhà tiền tế, đường thần đạo đi giữa hai dãy tượng quan quân chầu hầu nối với chính tẩm xây bằng đá đẹp; phía trái là sinh từ (đền thờ sống Khải). Vào dịp sinh nhật mình hoặc khi có việc vui, các dịp khánh tiết, Khải thường tổ chức các chầu hát, quan lại các tỉnh về dự khá đông, lại có cả bơi thuyền tại hồ vuông ở phía ngoài..
Phần đất ngoài tư dinh của Hoàng Cao Khải được chia thành các lô (rộng từ 5 - 7 mẫu) để bán cho các quan lại cao cấp người Việt xây nhà cửa để biến thành một khu “quý tộc”. Khải còn khuyến khích dân chúng làm nhà ở xung quanh chùa Đồng Quang ở dưới chân gò Đống Đa, dọc hai bên đường cái thành một đoạn đường phố tấp nập, sau khi các nhà hát cô đầu ở nội thành chuyển về đây thì người nội thành về cư tụ ngày càng nhiều. Thái Hà ấp nhanh chóng trở thành thị trấn - phố lớn (năm 1928, có 685 nhân khẩu).
Từ đầu thập kỷ 10 của thế kỷ XX trở đi, nhiều cơ quan thuê nhà trong ấp Thái Hà để đặt trụ sở, như Viện Đại lý Pháp, Sở Đại chính Bắc Kỳ, Phòng Thí nghiệm vi trùng học…Năm 1927, thực dân Pháp cho lập một trại thu nhận trẻ lang thang tại đây.
Sau Cách mạng Tháng Tám, ấp Thái Hà về tay chính quyền nhân dân, tiếc rằng, việc bảo quản không tốt, nên nhiều công trình có giá trị kiến trúc nghệ thuật trong ấp Thái Hà đã bị phá. Hiện chỉ vài công trình đơn lẻ. Khu vực ấp đã trở thành khu dân cư và một bộ phận của Học viện Nguyễn Ái Quốc.
TS. Bùi Xuân Đính