"Nghe bảo, ông Sinh thích... chó, mèo "

Xã hội - Ngày đăng : 10:08, 27/07/2006

Cái tên “Chó, mèo Hotel”, mới nghe đã thấy hấp dẫn tính tò mò của những người hiếu kỳ. Khách sạn chó, mèo… đó là ý tưởng kinh doanh độc đáo, nhưng cũng là thể hiện tấm lòng tôn vinh những loài vật gần gũi với con người của nhà thơ, nhạc sĩ, võ sĩ, họa sĩ truyền thần, nhà điêu khắc… Nguyễn Bảo Sinh.

Cái tên “Chó, mèo Hotel”, mới nghe đã thấy hấp dẫn tính tò mò của những người hiếu kỳ. Khách sạn chó, mèo… đó là ý tưởng kinh doanh độc đáo, nhưng cũng là thể hiện tấm lòng tôn vinh những loài vật gần gũi với con người của nhà thơ, nhạc sĩ, võ sĩ, họa sĩ truyền thần, nhà điêu khắc… Nguyễn Bảo Sinh.

Không gian văn hóa “thiền” kinh doanh

Đến với “Vương quốc chó – mèo – gà chọi” của ông Sinh nằm trong con ngõ nhỏ số 167 đường Trương Định (Hà Nội), khách thập phương đều tưởng như mình lạc vào “mê cung” nơi trần thế của chó, mèo... Trong khuôn viên gần 10.000 m2 được bố trí nhiều “Hotel” xinh xắn, xây dựng theo kiến trúc khách sạn vườn. Hàng chục loại vật nuôi chó, mèo, gà… khác nhau: chó Phốc (Ni-ken, Panh-se, Chi-oa-oa…), Béc-giê (Đức, Nga, Bỉ…), chó Bốc-xơ, Séc-tơ, Đa-ma-chiên, Đô-béc-man…; mèo Ả Rập, Tiệp, Bắc Kinh, Nga, Ba Tư, Anh… đều được sống trong điều kiện tiện nghi, môi trường lý tưởng, trang trọng và lịch sự. Hầu như “Vương quốc” độc nhất vô nhị của ông không nghe thấy tiếng chó sủa inh tai, mà tĩnh lặng và khá sạch.

Khắp khu vườn đều phủ bóng cây xanh, tiếng chim ríu rít tạo cảm giác thanh bình. Ngôi nhà tranh dành cho khách dừng chân hóng mát. Ngay giữa chính vườn là một hồ nước được ông Sinh đặt tên là “Ao phóng sinh”, thả cá chép vàng và trồng hoa súng. Trên mặt hồ có pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao 8m, cùng nhóm thầy trò Đường Tăng trên đường thỉnh kinh. Ngay trên bức tường bao quanh hồ có khắc hàng trăm bài thơ “thiền” do ông sáng tác. Trước mặt hồ là một tòa tháp thờ Phật cao gần 20m, cạnh tháp là tượng và bàn thờ 18 vị La Hán. Ngay sau tháp là ba đài hóa thân hoàn vũ và khu mai táng dành cho chó, mèo… Tòa tháp và những bức tượng trong “Vương quốc” góp phần tạo nên khung cảnh nghiêm trang nhưng rất nên thơ. Đối diện với những bức tượng Phật linh thiêng là một nghĩa trang chó, mèo… Cả quần thể ấy được ông đặt trong một khuôn viên lấy tên là “Vi vô quán”. Toàn bộ khu vườn do ông tự thiết kế rất độc đáo, tạo ra một không gian huyền ảo, mà ông gọi là “không gian văn hóa “thiền” kinh doanh”.

Tại “Vương quốc chó – mèo – gà chọi”, tất cả các “thượng đế” đến với ông Sinh đều được “thưởng thức” các các loại dịch vụ bao gồm: Khách sạn chó, mèo…; dịch vụ làm đẹp cho chó, mèo (cắt tỉa lông, móng chân, móng tay; massage, tắm gội, sấy…); khám chữa bệnh, phòng bệnh, huấn luyện chó, mèo; cầu kinh niệm phật, hoá thân hoàn vũ, chôn cất, bốc mộ cho chó, mèo… và cả việc làm hộ chiếu cho con vật. Giá dịch vụ đối với trông giữ chó ở đây là 50.000 đồng/ngày cho mỗi con vật bao gồm cả ăn, uống; khám chữa bệnh: 25.000 đồng/lần; cắt, tỉa lông làm đẹp 50.000 đồng/lần; tắm gội: 30.000 đồng/lần. Khách đến thuê dịch vụ của ông Sinh có nhiều loại từ những người có tiền, viên chức nhà nước, khách nước ngoài… Theo nhu cầu cuộc sống, họ có thể bận đi công tác, đi du lịch mà gửi vật nuôi vào “Hotel” của ông. Ông Sinh quan niệm: “Sinh linh và cuộc đời phải là một sự hòa hợp”. Bởi thế mà mỗi con chó, mèo được ông nuôi dưỡng, chăm sóc đều biết biểu lộ cảm xúc trước những hoàn cảnh khác nhau.

Yêu chó, mèo không thôi thì vẫn chưa đủ, mà còn phải biết tận tình chăm sóc, chữa trị, hiểu được tính tình của từng con để chiều theo ý chúng, nếu không sẽ bị “đổ bể” trong kinh doanh. Nuôi một, hai con để chơi thì dễ, nhưng để nuôi một cách “chuyên nghiệp” thì rất khó. Chó của ông được tập các bài đi lại, nằm, ngồi, bò, trèo, bơi lội, sủa cắn theo qui luật. Ông Sinh cho hay: “Nuôi chó đòi hỏi con người phải rất có tâm hồn mới nuôi được. Mèo cũng là con vật rất tình cảm với con người nhưng khác với chó, mèo khó dạy hơn. Mèo thường lấy nhà làm chủ, còn chó lấy chủ làm nhà, chó biết chủ hơn. Đối với mèo, cách nuôi dạy cơ bản là hướng dẫn đi vệ sinh đúng chỗ”.

Hiện nay, mạng lưới cộng tác viên của ông có mặt tại khắp nơi trong nước, tiện lợi cho việc liên hệ vận chuyển chó về. Trong “Vương quốc” của ông có hơn 10 bác sĩ, kỹ sư trẻ lành nghề được trả lương xứng đáng. Nguyễn Bảo Sinh vốn là người thực tế, không chấp nhận cái nghèo, nhưng phương châm kinh doanh của ông là kiếm tiền bằng đúng trí tuệ, công sức lao động của mình. Nói về đồng tiền được kiếm bằng công sức lao động chính đáng (đồng tiền “sạch”), ông thầm nhủ:

Khi mê bùn chỉ là bùn
Ngộ rồi mới biết trong bùn có sen
Khi mê tiền chỉ là tiền
Ngộ rồi mới biết trong tiền có tâm

Một nửa phần con, một nửa phần người…

Sinh năm 1940, là người gốc Hà Nội, Bảo Sinh còn có hỗn danh là “Sinh chó”, bởi hồi nhỏ do đam mê động vật, cụ thân sinh của ông đã tiên tri “Lớn lên thì chó nuôi mày”. Quả thực, đến năm 13 tuổi, ông đã biết tự lập bằng việc nuôi chó, mèo để kiếm sống. Khi còn đang học khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông đã gia nhập quân ngũ và trở thành Trợ lý Văn hóa, giảng viên Trường Sĩ quan Lục quân (Trường 200). Phục viên về năm 1970, ông bắt đầu thực hiện ước mơ bằng việc xây dựng một trang trại nuôi, chó, mèo lấy tên là trang trại Bảo Sinh Viên. Vào thời điểm ấy, nhiều người đã bị phá sản bởi việc đầu tư vào vật nuôi và ông gặp cũng không ít khó khăn do hoàn cảnh khách quan đưa lại.

Sau năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông đã gia nhập đội quân nhà nghề chuyên nuôi chó chuyển vào Sài Gòn và các tỉnh phía Nam. Đến đầu những năm 90 (thế kỷ XX), khi cơn sốt nuôi chó Nhật ở Hà Nội lên cao, cũng là lúc ông đẩy mạnh nuôi con vật cảnh này và giàu lên nhanh chóng nhờ kinh nghiệm nuôi chó, mèo của mình. Đến giai đoạn sau, “mốt” nuôi chó Nhật thoái trào, nhờ có kinh nghiệm kinh doanh dự đoán trước đựơc thời thế, ông đã kịp thời thu hồi vốn, trong khi nhiều người lâm vào cảnh lao đao… Từ năm 1992-2000 phong trào nuôi chó tan rã, ông kinh doanh cầm chừng và tham gia vào dạy võ. Cũng trong giai đoạn bĩ cực này (năm 1996-1997), mèo bị đưa vào các quán ăn đặc sản, hoặc bán sang Trung Quốc, mèo ăn phải bả chuột chết nhiều… có nguy cơ tuyệt chủng. Và rồi, chính ông lại là người đã nghiên cứu lai tạo thành công giống mèo “Tây-ta” kết hợp, cho ra đời những con mèo khỏe mạnh, có sức đề kháng cao, giỏi bắt chuột. Việc cho sinh sản thành công giống mèo lai của ông Sinh lúc đó đã được nhiều người tìm mua, nên ông được coi là “Vua mèo” ở đất Hà thành, hay còn có biệt danh là “Sinh mèo”.

Đến hè năm 2000, Bảo Sinh đã biến trang trại yêu động vật của mình thành một nơi chuyên chăm sóc vật nuôi, cung cấp các dịch vụ như: giữ hộ chó, mèo; phối giống, phục hồi sức khỏe, huấn luyện và chăm sóc vật nuôi… Và, một ý tưởng gây sự tò mò và thích thú đối với giới báo chí (hãng CNN, BBC cho tới các phóng viên đài, báo Việt Nam) là cuộc thi sắc đẹp cho chó, mèo đầu tiên do Nguyễn Bảo Sinh tổ chức năm 2004. Theo ông: “Một con chó đẹp chắc chắn phải có nét đẹp cân đối về hình thể và phải thực sự tinh khôn”.

Không chỉ “nổi đình, nổi đám” khắp đất Hà thành về tài nuôi chó, chăm mèo, Bảo Sinh còn được “rùm beng” trong và ngoài nước bởi tài làm thơ “thiền” dân gian. Ngoài hai thú vui ấy, ông còn là người mê gà chọi. Những con gà dưới tay ông chăm sóc, huấn luyện có tiếng là “chiến”. Ông Sinh tâm sự: “Vừa chăn nuôi, vừa vui chơi có thưởng đó là cuộc sống của tôi”. Điều đó còn được thể hiện trong bài thơ ông viết:

Làm thơ, nuôi chó, chọi gà
Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ
Suốt ngày nửa tỉnh, nửa mơ,
Trông ai cũng thấy nửa thơ, nửa gà!

Với ông: “Thơ là đời, đời là thơ”, nghĩa là đời và thơ có sự giao thoa, hòa hợp. Năm nay là năm thứ 60 kể từ ngày ông bị chó cắn, một sự kiện ít nhiều quyết đến số phận cuộc đời ông sau này. Một lần nữa ông lại nhắc nhở chúng ta ý thức rằng, trong mỗi con người chúng ta đều tồn tại một nửa phần con, một nửa phần người, cũng như với ông “một nửa phần thơ, một nửa phần gà…”.

Nói về nghề nuôi vật cảnh, trong khi ở các nước phương Tây đã trở thành trào lưu thì ở các nước Đông Nam Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng, các dịch vụ chăm sóc vật nuôi là điều hoàn toàn mới lạ, nhưng có lẽ cái ý tưởng “chó, mèo Hotel” chỉ có con người có phần “lập dị”, luôn khám phá những điều mới mẻ như Nguyễn Bảo Sinh. Hình như khi sinh ra, ông đã được trời ban tặng cho nhiều tài lẻ; năng khiếu thơ văn, võ luyện toàn tài… Bảo Sinh thực sự là người đàn ông có đời sống tinh thần mạnh mẽ, lắm tài hoa và có lòng yêu động vật đến kỳ lạ. Có lẽ, những con vật yêu đã đem đến cho Nguyễn Bảo Sinh sức khỏe, hạnh phúc và sự trường thọ. Đã ở độ tuổi U.66 nhưng Nguyễn Bảo Sinh vẫn muốn làm nhiều việc cho sự say mê của chính mình, nom ông vẫn trẻ trung, tràn đầy sinh lực và rất nghệ sĩ.

Theo Anh Thư (HNNN)

TUYETMINH