Tái hiện các di tích lịch sử ngàn năm văn hiến bằng công nghệ thực tại ảo

Xã hội - Ngày đăng : 08:47, 09/07/2006

(HNMĐT) - Trong những ngày này, rất nhiều hoạt động đang diễn ra sôi nổi, thiết thực hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Thế nhưng ít ai biết tới một nhóm các bạn trẻ là những kỹ sư CNTT đang âm thầm xây dựng một dự án khá độc đáo:

Mô hình ba chiều đền Ngọc Sơn sau khi được xây dựng.

(HNMĐT) - Chỉ còn hơn 4 năm nữa, vào mùa thu năm 2010, Thủ đô Hà Nội sẽ bước vào tuổi thứ 1000. Trong những ngày này, rất nhiều hoạt động đang diễn ra sôi nổi, thiết thực hướng tới ngày kỷ niệm trọng đại ấy. Thế nhưng ít ai biết tới một nhóm các bạn trẻ là những kỹ sư công nghệ thông tin, thuộc Học viện Kỹ thuật quân sự, đang âm thầm xây dựng một dự án khá độc đáo: "số hóa" toàn bộ các di tích lịch sử của Thủ đô bằng công nghệ thực tại ảo.

Công trình khi trở thành hiện thực có thể ứng dụng trong việc tái hiện lại hình ảnh của các di tích lịch sử đang ngày một xuống cấp và mai một theo thời gian. Đây có thể sẽ là một trong những công cụ hữu ích, giúp cho những người làm công tác văn hóa có được cái nhìn toàn diện và sống động để phục hồi lại tương đối chính xác những di sản văn hóa quý giá của cha ông. Mục đích của họ là cung cấp một sự lựa chọn mới, thay cho những tấm ảnh hoặc sơ đồ của các di tích lịch sử vốn khá khô cứng, đồng thời giúp những người muốn tìm hiểu lịch sử của Thủ đô Hà Nội được tận mắt đắm chìm trong không khí linh thiêng của quá khứ dân tộc bằng công nghệ thông tin hiện đại.

Nhóm các kỹ sư công nghệ thông tin trên gồm các bạn: Phạm Minh Ngọc, Nguyễn Minh Đức, Trương Quốc Hùng, Nguyễn Minh Tiến... vừa mới đi làm được 5 năm, do Nguyễn Văn Trường làm trưởng nhóm, đang ngày đêm miệt mài nghiên cứu các di tích lịch sử ở Hà Nội, trong đó có khu vực Hoàng Thành, khu Thành cổ Hà Nội; các danh thắng như Hồ Gươm, đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc... để "số hóa" một phần, tiến tới sẽ "số hóa" toàn bộ các di tích lịch sử nói trên đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Muốn làm được điều đó, họ phải tiến hành khảo cứu thực địamột cách kỹ lưỡng, đo, vẽ một cách chính xác các số liệu cụ thể của từng di tích.

Sau đó, xây dựng một mô hình 3D (không gian ba chiều) toàn bộ khu vực di tích cần thể hiện với chất lượng hiển thị đồ họa tốt nhất có thể được. Các đo đạc ba chiều chính xác sẽ giúp các kỹ sư tái hiện được các di vật, nhà cửa và các vật thể một cách rõ ràng khác trên máy tính. Tiếp theo, họ sẽ xây dựng chương trình mô phỏng về mặt hình ảnh. Với kỹ thuật đồ họa hiện nay, có thể mô phỏng được hầu hết các hiệu ứng đồ họa chất lượng cao, giúp tạo lập các sản phẩm mô phỏng và thực tại ảo. Hiện nay, nhóm đã tiến hành xây dựng mô hình ba chiều của đền Ngọc Sơn một cách chi tiết. Mô hình này được xây dựng bằng cách tẩm phủ các kiến trúc bề mặt bằng công nghệ mô phỏng nên bộ khung xương hình học được dựng bằng phần mềm Multigen Creator, sau đó chuyển đổi sang dữ liệu đặc thù của chương trình hiển thị, giúp người dùng có thể thị sát ở những góc độ khác nhau.

Nhóm đã sử dụng sơ đồ kiến trúc, cùng những bức ảnh và video độ phân giải cao để tạo nên hình mẫu ảo của khuôn viên đền. Người xem có thể dùng chuột để khảo sát những mô hình này trong thời gian thực, phóng to, thu nhỏ lại để nhìn ngắm chi tiết của các bức tranh khảm trên tường hoặc lùi ra xa để quan sát toàn cảnh nội thất đền một cách chi tiết. Từng chi tiết nhỏ như đồ nội thất, màu sắc và kết cấu của các công trình đều được tạo hình trung thực với lịch sử. Thêm vào đó, khung cảnh, ánh sáng và âm thanh cũng thay đổi theo vị trí quan sát. Khi tiến hành tái tạo các di sản văn hóa cổ, một hệ thống các vật mẫu sẽ được kiến tạo, dựa trên những dữ liệu đo đạc ba chiều trực tiếp trên các di vật để làm mô hình trên máy tính. Qua đó có thể tiến hành xây dựng một bảo tàng số hóa các dữ liệu lịch sử. Việc thành công của dự án này đòi hỏi những nghiên cứu lịch sử nghiêm túc gắnliền với công nghệ mô phỏng thực tại ảo hiện đại.

Theo nhóm trưởng Nguyễn Văn Trường, để có thể hoàn thành được toàn bộ dự án đúng vào năm 2010, hiện nhóm phải giải quyết được hai khó khăn cơ bản. Thứ nhất, họ phải được các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử, bảo tàng học... của Thủ đô tận tình giúp đỡ để có thể có được những cứ liệu lịch sử tin cậy, chính xác trong việc "số hóa" các di tích trên. Thứ hai, bên cạnh lòng nhiệt tình muốn đóng góp một việc làm thiết thực hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhóm cũng rất cần sự giúp đỡ có hiệu quả về mặt kinh phí để tài trợ cho dự án từ phía các nhà hảo tâm, đặc biệt từ phía chính quyền thành phố Hà Nội.

Nên chăng, sau khi đã có sự thẩm định rõ ràng về tính khả thi của dự án, UBND TP HN, Ban chỉ đạo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nên đưa dự án này vào chương trình hoạt động của mình. Để làm sao trong dịp kỷ niệm thiêng liêng ấy, những chiếc đĩa CD-Rom nhỏ nhắn, chứa đựng toàn bộ những hình ảnh đã được "số hóa" về các di tích lịch sử của Hà Nội ngàn năm văn hiến, sẽ góp mặt tại các quầy hàng lưu niệm, cũng như chính tại các di tích văn hóa ấy, như một việc làm thiết thực của các bạn trẻ tri ân Thủ đô yêu quý.

Hồng Hải

HONGHAI