Theo dõi Báo Hànộimới trên

Pokémon Go - trải nghiệm thú vị hay mối nguy khó lường?

Nhóm Phóng viên| 12/08/2016 05:12

(HNM) - Chỉ 5 ngày sau khi chính thức có mặt ở Việt Nam, trò chơi Pokémon Go đã trở thành

Say sưa “bắt” Pokémon ở bờ hồ Hoàn Kiếm.



"Cơn sốt" trong giới trẻ...

Trong những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng ăm ắp thông tin về trò chơi (game) Pokémon Go - một trò chơi tương tác ảo trên điện thoại thông minh - sản phẩm của Hãng Nintendo Nhật Bản kết hợp với một công ty của Mỹ phát triển. Không khó để có thể tìm được các thông tin cài đặt, hướng dẫn trò chơi này trên internet. Pokémon Go cho phép người chơi bắt, huấn luyện và trao đổi các Pokémon ảo dựa trên thế giới thực. Sức hấp dẫn của công nghệ thực tế ảo trong trò chơi này là ở chỗ, người chơi săn tìm các con thú ảo (Pokémon) ngay trong thế giới thật, với bản đồ đường phố thật và môi trường thật xung quanh. Người chơi phải di chuyển, đi lại trên đường, phải tìm đến những địa điểm như phòng tập Pokémon Gym chính là các khu công viên, bờ hồ, hồ nước... để luyện thú. Vì thế cảm giác được phiêu lưu mọi nơi để tìm bắt những con quái vật rồi chụp, chia sẻ ảnh, là... thật. Ở Hà Nội, tại hồ Hoàn Kiếm, khu vực hồ Tây, Công viên Nghĩa Đô, khu vực Văn Miếu, Công viên Bách Thảo... tập trung nhiều game thủ về “săn” Pokémon.

Chúng tôi tìm đến khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, phố Hàng Khay - nơi trong mấy ngày qua tập trung hàng chục bạn trẻ khư khư trên tay chiếc điện thoại thông minh để “săn” Pokémon. Nhiều bạn trẻ dừng xe máy để "bắt" Pokémon ngay trên đường. Thậm chí, có những người một tay lái xe, một tay “bắt” Pokémon. Nói về sức hấp dẫn của trò chơi, bạn Đức Thành đang “luyện thú Pokémon” ở khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cho biết: “Em rất thích trò chơi này vì được nhập vai tương tác với thế giới thực. Khi số lượng Pokémon săn được tăng lên, người chơi có thể mang các con thú đi đấu ở các Gym và nhận huy chương”. Tại đường Thanh Niên, khu vực bên bờ Hồ Tây, chúng tôi gặp Nguyễn Văn Dương đang di chuyển liên tục để “bắt” Pokémon. Chia sẻ về trò chơi đang lên cơn sốt trong giới trẻ, Dương nói: “Trò chơi có tính giải trí cao và có tác dụng khuyến khích tôi chăm tập thể dục hơn”. Tuy nhiên, nhìn nhận ở một góc độ khác, Dương cho rằng “giới trẻ không nên mất quá nhiều thời gian vào Pokémon Go, vì thực chất đây chỉ là một trò chơi để giải trí lúc rảnh rỗi. Bỏ quá nhiều thời gian vào nó sẽ gây ra nhiều hệ lụy, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của chính bản thân và người xung quanh”.

Bên cạnh những thông tin hấp dẫn về trò chơi cũng xuất hiện không ngừng những cảnh báo, từ hại mắt, xáo trộn sinh hoạt tới nguy cơ gặp tai nạn thân thể, tai nạn giao thông đến việc bị cướp giật… Trong mấy ngày vừa qua, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, Tổ tuần tra kiểm soát Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Công an TP Hà Nội) đã phát hiện và xử lý khá nhiều trường hợp đi xe mô tô, xe máy điện và người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ do mải mê “bắt” Pokémon. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Thượng úy Hồ Quang Minh, Tổ trưởng Tổ tuần tra kiểm soát tại nút giao thông Hàng Bài - Tràng Tiền (Đội Cảnh sát giao thông số 1, Công an thành phố) - nơi tập trung nhiều game thủ “săn” Pokémon, cho biết: Lực lượng cảnh sát giao thông đã phải rất chú ý nhắc nhở người chơi bảo đảm trật tự giao thông. Các trường hợp vi phạm chủ yếu là sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện hoặc để xe ở lòng đường trái quy định, mức phạt là 150.000 đồng. Thượng úy Hồ Quang Minh cảnh báo: Sử dụng điện thoại để chơi Pokémon Go khi đi trên đường sẽ gây mất tập trung, không quan sát được tình trạng giao thông, đèn tín hiệu, biển báo, không giữ được cự ly ổn định..., dễ gây va chạm, tai nạn giao thông, vừa nguy hiểm cho bản thân vừa ảnh hưởng đến người xung quanh.

Tiếp cận ở góc nhìn khác, Thạc sĩ Hoàng Thị Quỳnh Lan, Phó khoa Giáo dục - Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, não bộ của con người hoạt động theo cơ chế ức chế và hưng phấn. Nếu người chơi quá hưng phấn, lệ thuộc thì não bộ sẽ hưng phấn toàn bộ và chìm hoàn toàn vào ảo giác. Lâu dần, quá đắm đuối chơi game nói chung, Pokémon Go nói riêng, sẽ khiến người chơi rơi vào trạng thái nghiện, nếu không chơi sẽ bồn chồn, dần dần sống với cảm giác ảo… dễ dẫn đến trầm cảm.

Ngoài ra, việc lạm dụng Pokémon Go khiến người chơi bị kiểm soát quyền truy cập vào tài khoản Google. Khi đăng nhập bằng tài khoản Google vào Pokémon Go, trò chơi chỉ hiển thị cửa sổ mặc định. Người chơi không để ý và bấm lướt qua. Đây chính là kẽ hở để tội phạm mạng xâm nhập và gửi, đọc email, truy cập vào danh bạ, kiểm soát dữ liệu của những tay "săn" Pokémon.

...cần làm chủ để tránh hậu quả đáng tiếc

Theo thông tin từ phía người chơi, sau khi nhà cung cấp phát hành Pokémon Go tại Việt Nam, trò chơi này được tải về hoàn toàn miễn phí. Là người hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, anh Phạm Tuấn Tùng ở phường Mộ Lao (Hà Đông) cho biết: Đây là một game dễ tải, dễ chơi. Cũng như nhiều game khác, Pokémon Go có thể gây nghiện và tiềm ẩn nhiều nguy hại. Tuy nhiên, khi game đã được phép phát hành ở Việt Nam thì rất khó để can thiệp vào việc người dùng tải và chơi game. Theo thời gian, trò chơi nào cũng đến lúc rơi vào thoái trào và Pokémon Go cũng vậy. Người chơi dần sẽ tự điều chỉnh thói quen và hành vi của bản thân. Thay vì cấm, các cơ quan chức năng nên ban hành các hướng dẫn giúp bảo đảm an toàn khi chơi.

Mặt khác, trên phương diện pháp lý, luật sư Nguyễn Quyên, Công ty Luật TNHH Everest cho biết: Theo quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 và Nghị định 132/2013/NĐ-CP ngày 16-10-2013, thì công ty kinh doanh trò chơi sẽ nộp hồ sơ cho Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) để được khai thác các trò chơi tại Việt Nam. Do đó, việc cấp phép và quản lý sẽ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trong khi mật độ cảnh báo những nguy hại đối với Pokémon Go ngày càng dày đặc trên các phương tiện truyền thông, các cơ quan chức năng vẫn chưa lên tiếng và điều này gây nhiều thắc mắc trong dư luận. Đến Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội, phóng viên Hànộimới được đại diện Phòng Bưu chính viễn thông cho biết: Sở chỉ quản lý về hạ tầng kỹ thuật, không quản lý nội dung của trò chơi Pokémon Go. Trong khi đó, ông Phạm Ánh Hồng, Chánh Văn phòng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử nói: “Lãnh đạo Cục đang rất bận. Anh em cũng đang tìm hiểu. Khi nào có thông tin chúng tôi sẽ báo”.

Trong lúc “cơn bão” mang tên Pokémon Go đang càn quét tại nhiều đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội..., có một số ý kiến cho rằng, đây cũng chỉ là một trò chơi mang tính thời điểm, giống như trò Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông, sau một thời gian sốt sẽ “hạ nhiệt”. Quan trọng là mỗi người chơi nên biết tự kiểm soát để “bắt” Pokémon chỉ như một trải nghiệm thú vị trong cuộc sống mà không phải nhận hệ lụy kèm theo.

Trong lời khuyến cáo khi cài đặt trò chơi này, công ty phát hành Pokémon Go đã lưu ý "không chơi Pokémon Go trong khi đang lái xe, luôn cẩn trọng và cảnh giác, đề phòng xung quanh". Đây cũng chính là lời cảnh báo của nhiều quốc gia đối với người dân. Vì thế, hơn ai hết - mỗi người chơi cần tự xác định cho mình một ý thức khi tham gia vào "cuộc chơi" sao cho vừa tránh vi phạm pháp luật, vừa không phải nhận những hậu quả khôn lường có thể xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Pokémon Go - trải nghiệm thú vị hay mối nguy khó lường?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.