Theo dõi Báo Hànộimới trên

Plan đồng hành vì sự an toàn của trẻ em

Thống Nhất| 19/11/2016 07:32

(HNM) - Tháng 11 là dấu mốc trong chặng cuối của hành trình triển khai dự án

"Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" là dự án đầu tiên ở Hà Nội có cách tiếp cận tổng thể và hệ thống để giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới trong môi trường học đường. Dự án không chỉ giáo dục học sinh (HS) về kiến thức, kỹ năng để phòng tránh và xử lý khi đối diện với bạo lực giới mà còn nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh và HS trong các nhà trường, tạo môi trường thuận lợi cho việc hình thành và duy trì thái độ "bình đẳng giới trong HS". Tính đến thời điểm hiện tại, có hơn 31 nghìn HS nam và nữ, 2 nghìn giáo viên và 45 nghìn phụ huynh của các nhà trường trên địa bàn thành phố tham gia vào dự án.

Plan International là một tổ chức phát triển nhân đạo quốc tế, hoạt động hướng tới trẻ em và không phụ thuộc vào bất kỳ tôn giáo, chính trị hay chính phủ nào. Plan International góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng cho trẻ em Việt Nam thông qua các chương trình hỗ trợ từ năm 1993, Hiện nay, Plan International Việt Nam đã và đang hỗ trợ cải thiện đời sống cho hơn 250 nghìn trẻ em, các gia đình và cộng đồng trên 100 xã thuộc 11 tỉnh, thành phố.

Tại Hà Nội, sau hơn 2 năm thực hiện dự án, đã có rất nhiều hoạt động sôi nổi được triển khai tại các nhà trường. Một trong những nội dung nổi bật, được coi là dấu ấn của dự án "Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" là xây dựng và duy trì mô hình phòng tham vấn tâm lý học đường. Mô hình này đã được nhen nhóm hình thành từ khá lâu tại các trường học trên địa bàn thành phố, tuy nhiên gần như mới là tự phát, và tùy thuộc vào sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường. Còn hiện nay, mô hình này đã cơ bản hoạt động có nền nếp, có "hình hài" rõ rệt với đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, sách báo, tài liệu để đáp ứng yêu cầu công việc. Việc duy trì mô hình phòng tham vấn tâm lý học đường của Hà Nội được Bộ GD-ĐT ghi nhận, đánh giá cao và được nhiều đồng nghiệp đến thăm, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm triển khai.

Với HS, một trong những chuyển biến rõ rệt nhất là sự mạnh dạn, tự tin của các em khi tìm đến phòng tham vấn tâm lý. Cô giáo Phạm Thị Anh Đào, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ) chia sẻ: Đội ngũ cán bộ, giáo viên chúng tôi cảm ơn dự án đã đem lại nhiều đổi thay tích cực toàn diện cho cả giáo viên, HS và phụ huynh. Tình trạng bạo lực học đường giảm đi; mối quan hệ giữa thầy cô giáo với học trò ngày càng gần gũi, thân thiết hơn. Đây cũng là nhận định của cô giáo Trần Thị Mỹ Lệ, Hiệu trưởng Trường THCS Khương Thượng (Đống Đa): Việc xây dựng và duy trì phòng tham vấn tâm lý ở trường tôi đã đem lại nhiều ý nghĩa. Cô - trò, bạn bè hiểu nhau hơn. Nhận thức của HS về vấn đề giới và bạo lực giới được nâng lên. Những xích mích, va chạm giữa các cô cậu học trò dễ dàng được hóa giải.

“Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” là dự án do Sở GD-ĐT Hà Nội và Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam triển khai từ tháng 6-2014 đến tháng 11-2016 do Quỹ ủy thác của Liên hợp quốc tài trợ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Plan đồng hành vì sự an toàn của trẻ em

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.