Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phương tiện GT công cộng: Vẫn “né” người khuyết tật

Phương Nam| 29/06/2011 07:01

(HNM) - Hiện TP Hồ Chí Minh có 18 xe buýt phục vụ người khuyết tật (NKT) trên hai tuyến Sài Gòn - Bình Tây và Miền Tây - Ký túc xá ĐH Quốc gia. Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), thuộc Sở GTVT TP, Công ty Xe khách Sài Gòn vừa đầu tư 21 xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch có lắp đặt thêm các thiết bị hỗ trợ cho NKT tiếp cận.

Dự án giao thông đô thị cần quan tâm hơn nữa tới người khuyết tật.


Rào cản khi tham gia giao thông
Theo ông Văn Công Điểm, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành VTHKCC, thời gian qua, ngành giao thông đã thực hiện nhiều biện pháp như cải tạo các xe trạm dừng, nhà chờ để NKT dễ dàng tiếp cận và sử dụng xe buýt. "Giai đoạn 2011-2020 sẽ cải tạo 210 trạm dừng, nhà chờ với tổng kinh phí khoảng 6,8 tỷ đồng. Ngoài ra, các vỉa hè khi được sửa chữa sẽ đồng bộ về kết cấu, thiết kế thuận tiện cho NKT sử dụng", ông Văn Công Điểm cho biết thêm.

Tuy nhiên, bà Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) nhận định, xe buýt hiện nay hoàn toàn không dễ dàng cho NKT sử dụng. "Số lượng xe buýt thí điểm quá ít, chỉ 2 tuyến có xe buýt phục vụ NKT nên không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại. Mặt khác, các lái xe buýt thường thấy xe lăn là bỏ đi do sợ mất thời gian đưa NKT lên xuống xe. Chính do sự bất tiện từ hoạt động xe buýt, từ thái độ phục vụ… nên gần như NKT đã không sử dụng xe buýt".

Hầu hết NKT có thu nhập thấp đều muốn sử dụng phương tiện giao thông công cộng phục vụ nhu cầu hằng ngày. Nhưng họ đang vướng rất nhiều rào cản khi tham gia hệ thống giao thông. Ví dụ, TP Hồ Chí Minh đã xây làn đường dành riêng cho NKT, song lại rơi vào tình huống dở khóc dở cười vì cây xanh trồng "chiếm" chỗ dành cho xe lăn. Tương tự, nhiều trạm dừng chân dọc đường có xây nhà vệ sinh dành cho NKT, có bảng báo hẳn hoi nhưng muốn vào thì phải... lội qua mương nước và… bước qua mấy bậc tam cấp. Ngoài ra, nhiều bãi giữ xe từ chối nhận xe ba bánh của NKT vì choán chỗ!

Cần có sự đồng bộ
Ông Chu Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT) thừa nhận, hiện trạng giao thông còn nhiều rào cản đối với NKT. Cơ sở hạ tầng của hệ thống giao thông hiện hữu chưa bảo đảm cho NKT tiếp cận; đồng thời ý thức của người tham gia giao thông cũng gây ra những trở ngại lớn cho NKT. "Nói chung, môi trường tiếp cận giao thông cho NKT hiện còn nhiều rào cản và đang được tháo gỡ. Nhưng để khắc phục những tồn tại này là cả vấn đề, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Có những lĩnh vực được đầu tư đã lâu, việc điều chỉnh không thể làm ngay được mà phải chờ những dự án mới. Tuy nhiên, khi đầu tư hệ thống giao thông công cộng mới sẽ quan tâm, tuân thủ các yêu cầu để NKT dễ dàng sử dụng", ông Chu Mạnh Hùng khẳng định.

Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh cho biết, hệ thống đường sắt đô thị trên địa bàn (gồm 6 tuyến metro và 3 tuyến tramway) sẽ được thiết kế để NKT dễ dàng sử dụng. Cụ thể, các nhà ga được thiết kế thuận lợi cho NKT mua vé, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện, có công cụ hỗ trợ lên xuống... Trung tâm Vận tải cũng cho biết, đề án thay mới 1.680 xe buýt với tổng mức kinh phí đầu tư gần 2.000 tỷ đồng vừa trình UBND TP đã đề cập đến việc đưa xe buýt sàn thấp phục vụ NKT và miễn phí tiền vé cho họ… Theo ông Văn Công Điểm, thành phố cố gắng phấn đấu đến năm 2020 số xe buýt bảo đảm quy chuẩn về giao thông tiếp cận đạt từ 5-10% trong tổng số xe.

Theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, để giúp NKT hòa nhập xã hội tốt hơn, các dự án giao thông cần cân nhắc đến việc trang bị các xe buýt sàn thấp từ ban đầu, việc này sẽ đồng bộ với hệ thống tàu điện ngầm tương lai ở thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phương tiện GT công cộng: Vẫn “né” người khuyết tật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.