(HNM) - Điểm di tích lịch sử cách mạng ghi lại dấu ấn ngày Bác Hồ về thăm chính quyền và nhân dân thôn Văn Phú, xã Văn Khê (nay là tổ dân phố 1, 2 Văn Phú, phường Phú La, Hà Đông) đã được cấp có thẩm quyền công nhận, đang bị xâm hại nghiêm trọng do HTXNN Văn Phú tự ý cho thuê đất vượt thẩm quyền và sử dụng đất trái mục đích...
Sáng mùng một Tết Bính Ngọ (ngày 21-1-1966), cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Văn Phú đã đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, chúc Tết; Bác đã đi thăm một số gia đình xã viên, sau đó Người dừng lại ở đình làng nói chuyện cùng bà con. Tưởng nhớ công ơn và thực hiện lời dạy của Bác, năm 1980 nhân dân địa phương đã xây dựng khu nhà lưu niệm tại đây để lưu giữ và trưng bày những tư liệu, hình ảnh về Bác Hồ làm nơi ôn lại truyền thống cho các thế hệ con cháu. Với ý nghĩa lịch sử to lớn ấy, ngày 12-5-2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có Quyết định số 1212 công nhận nơi đây là di tích lịch sử cách mạng. Để di tích không bị xâm hại, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội) và các cơ quan chức năng của quận Hà Đông đã thống nhất khoanh vùng di tích gồm 2 khu vực, với tổng diện tích 4.200,8m2. Năm 1993, lấy lý do cần người trông nom nhà lưu niệm, HTXNN Văn Phú đã cho ông Vũ Hải Đăng và ông Đỗ Văn Quang (đều ở thôn Văn Phú) thuê khoảng 4.000m2 đất ở phía trước và phía sau nhà lưu niệm Bác Hồ để trồng cây cảnh, cây lâu niên... thời hạn 10 năm. Năm 2003, hết hạn hợp đồng, ông Quang tiếp tục được giao khoán, 2 năm ký lại hợp đồng một lần; còn phần diện tích phía sau nhà lưu niệm, HTXNN Văn Phú vẫn cho các hộ dân thầu khoán có thời hạn 10 năm. Trong lần tổ chức đấu thầu này, gia đình ông Đào Công Tựa đã trúng thầu 1.914,9m2 và số tiền phải nộp cho HTXNN là 40.800.000 đồng/năm. Tại hợp đồng kinh tế giữa HTXNN Văn Phú với các hộ nhận khoán ngày 5-6-2005 quy định rõ: Mục đích sử dụng diện tích đất làm vườn ươm trồng cây, trồng hoa; nếu bên thuê đất sử dụng sai mục đích, HTXNN có quyền thanh lý hợp đồng và không được bồi thường. Thế nhưng, sau khi khu di tích được khoanh vùng và được cấp có thẩm quyền công nhận, hợp đồng kinh tế giữa HTXNN với gia đình ông Tựa vẫn không bị chấm dứt hay điều chỉnh; còn hợp đồng giao khoán với ông Quang đã được HTXNN thanh lý từ năm 2008, song từ đó đến nay, ông Quang vẫn sử dụng để làm cửa hàng bán gạo, hàng nước, quán chơi bi-a.
Hơn nữa, trong hợp đồng kinh tế với ông Tựa, HTXNN chỉ cho phép ông Tựa được xây một căn nhà cấp 4, rộng 20m2 để bảo vệ vườn ươm, nhưng ông Tựa đã tự ý xây thêm một dãy nhà rộng khoảng 100m2. "Mục sở thị" khu vườn của ông Tựa, chúng tôi chỉ thấy lưa thưa vài cây cảnh và mấy luống khoai lang, còn khu nhà đó đã biến thành kho xưởng để chứa vật tư, hàng hóa (ảnh). Theo phản ánh của người dân địa phương, toàn bộ khu nhà trên đã được ông Tựa nhượng lại cho bà Vũ Thị Thu (ở tổ dân phố Ba La, phường Phú La) thuê. Đề cập đến vấn đề này, ông Lê Mạnh Cường, Chủ nhiệm HTXNN Văn Phú cho rằng: "Dãy nhà xưởng do ông Tựa xây dựng là để trồng hoa phong lan và không có việc ông Tựa chuyển nhượng lại cho bà Thu sử dụng, mà là họ cùng nhau liên doanh, liên kết, góp vốn làm ăn chung?"... Đối với diện tích giao khoán của ông Quang, mặc dù HTXNN đã thanh lý hợp đồng, song đến nay gia đình ông Quang vẫn cố tình khất lần, không chịu trả lại mặt bằng nên HTXNN đành bó tay. Ông Lê Mạnh Cường lý giải: Ông Quang cho rằng mức đền bù hoa màu, tài sản cho gia đình còn chưa thỏa đáng và gia đình ông vẫn có nhu cầu sử dụng, nên chưa trả lại mặt bằng. Mặt khác, HTXNN đã có văn bản đề nghị UBND phường tìm biện pháp tháo gỡ, nhưng UBND phường lại yêu cầu HTX phải bàn giao mặt bằng "sạch" cho Ban quản lý di tích? Ông Đặng Đình Công, Phó Chủ tịch UBND phường Phú La thừa nhận: Việc để tồn tại hai hợp đồng nói trên là do sự buông lỏng quản lý và thiếu tinh thần trách nhiệm của Ban quản trị HTXNN; đồng thời, khẳng định HTXNN chưa có bất cứ một văn bản chính thức nào đề nghị phường can thiệp, giải quyết những vướng mắc. Ngoài ra, do phường mới được thành lập (19-5-2008), việc chỉnh trang, nâng cấp tu bổ khu di tích mới chỉ được đưa vào kế hoạch hoạt động của năm 2010...
Hiện tại, Khu di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ tại phường Phú La rất mất mỹ quan, bị bao vây bởi những đống vật liệu xây dựng và việc sử dụng khuôn viên di tích mang tính tự phát, không có quy hoạch. Các cơ quan chức năng quận Hà Đông cần kiểm tra, kiên quyết xử lý những vi phạm, thực hiện nghiêm các quy định của Luật Di sản văn hóa và sớm có kế hoạch cải tạo, nâng cấp, bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.