Gần đây, nhiều viện thẩm mỹ, spa quảng cáo rầm rộ “công nghệ phun vitamin thảo dược” trị nám là hiện đại và an toàn. Có thật vậy không?
Các cơ sở làm đẹp, trung tâm thẩm mỹ đã áp dụng nhiều biện pháp như bôi kem, đốt laser… nhưng hiệu quả trị nám, tàn nhang không cao. Gần đây, nhiều viện thẩm mỹ, spa quảng cáo rầm rộ “công nghệ phun vitamin thảo dược” trị nám là hiện đại và an toàn. Có thật vậy không?
Cách nào cũng thử
BS Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc bệnh viện Da liễu, Hà Nội cho biết, điều trị các bệnh về da nói chung và nám nói riêng phải kiên trì, không thể khỏi nhanh như các bệnh khác.
Sau khi sinh con, các vết nám trên hai gò má của chị Thu Hằng ở phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội xuất hiện khá dày. Chị đã tới khám tại bệnh viện Da liễu, dù đã được bác sĩ dặn trước phải kiên trì nhưng sau một thời gian dùng thuốc chị Hằng đã bỏ giữa chừng.
Sau đó, theo bạn bè chị tới các thẩm mỹ viện được quảng cáo có bài thuốc điều trị nám rất nhanh là dùng kem massage mặt nhập khẩu riêng của hãng và tia laser. Thế nhưng, các vết nám cũng chỉ mờ đi một cách chậm chạp. Giờ đây lại nghe quảng cáo công nghệ phun vitamin thảo dược chữa nám, chị Hằng rất phân vân.
Theo quảng cáo của nhiều viện thẩm mỹ, spa ở Hà Nội thì phương pháp phun vitamin thảo dược này sử dụng thảo dược quý hiếm như trân châu, hổ phách, nhân sâm được công nghệ hiện đại tinh cất thành dạng serum có khả năng thẩm thấu tức thì đến lớp hạ bì, làm khoẻ và săn chắc da từ bên trong. Đồng thời, họ dùng công nghệ lấy nám an toàn của Mỹ để lấy đi các đốm nám, tàn nhang, đồi mồi... làm sáng và dưỡng mịn toàn bộ bề mặt da. Phương pháp này không làm tổn thương cấu trúc da, rất lành tính và có thể thực hiện với mọi loại da.
Nhân viên thẩm mỹ viện N.N ở phố Sơn Tây, Hà Nội khi được hỏi đã khẳng định công nghệ này đảm bảo trị hết nám, tàn nhang. Mỗi người có cơ địa khác nhau nên việc điều trị phụ thuộc vào mỗi loại da. Có người chỉ cần một liệu trình vài ngày nhưng có người phải dùng tới vài liệu trình. Giá mỗi liệu trình khoảng 5 triệu đồng.
Cân nhắc khi sử dụng
TS.BS Nguyễn Hữu Sáu, Phó trưởng khoa laser - phẫu thuật, bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết, nám là hiện tượng tăng sắc tố trên da, nhất là vùng mắt, hai má và thường gặp ở phụ nữ, nhất là trong thời kỳ mang thai. Cho đến nay, cơ chế bệnh học của bệnh nám, tàn nhang chưa thực sự sáng tỏ nhưng theo nhiều nghiên cứu thì hai yếu tố chính gây nám, tàn nhang là hoóc-môn sinh dục và ánh sáng mặt trời. Việc xác định nguyên nhân gây nám da đóng vai trò rất quan trọng để đưa ra phương hướng phòng ngừa cũng như cách điều trị: tuỳ tình trạng da của từng đối tượng mà áp dụng cách điều trị. “Tác dụng chủ yếu của các thuốc đang có trên thị trường là ức chế tổng hợp melanin - chất chủ yếu hình thành sắc tố trên da, hiệu quả tuỳ thuộc cơ địa từng người. Hiện tượng nám trong thời kỳ mang thai không cần điều trị vì sau sinh nở hiện tượng này giảm dần và có thể hết hẳn, không hết mới phải điều trị”, BS Sáu nói.
Về công nghệ phun vitamin thảo dược, BS Sáu chia sẻ, các nước tiên tiến như Pháp đã sử dụng phun thuốc bằng áp lực hoặc chùm kim cùng với lượng dung dịch đưa lên chỗ cần làm đẹp. Tại Việt Nam, phương pháp này chưa dùng nhiều, hiện bệnh viện Da liễu Trung ương có sử dụng lăn kim sau đó dùng tế bào gốc làm đẹp da. Còn phun vitamin thảo dược thực chất là hình thức điều trị tiêm các vitamin và dược liệu vào da. Các vitamin này sẽ được hấp thụ và tác dụng lên toàn cơ thể chứ không chỉ đơn thuần trên da. Việc thực hiện kỹ thuật này cần đảm bảo vô trùng để tránh lây nhiễm virút viêm gan C, HIV… Còn về hiệu quả thì chưa ai dám chắc điều gì.
“Tiêm hay bôi đều có những cơ chế chuyển hoá riêng. Nếu tiêm trực tiếp vào chỗ nám, tàn nhang, thuốc không thể chuyển hoá ngay mà phải đi vào các bộ phận cơ thể, vào máu rồi mới tác dụng lên da. Ngay cả bôi thuốc, phun qua da cũng cần có thời gian, bởi da có hàng rào ngăn cản. Đối với thuốc làm đẹp thì công nghệ phun, bôi hay tiêm qua da chưa có nhiều nghiên cứu để xem cái nào hiệu quả hơn. Không như thuốc tránh thai thì tiêm hay dán đều hiệu quả như nhau”, BS Sáu nói rõ hơn.
Thầy thuốc nhân dân - BS Trần Văn Bản, Chủ tịch hội Đông y Việt Nam thì cho rằng, các loại thảo dược như trân châu, nhân sâm, hổ phách… chỉ có hiệu quả bổ sung dinh dưỡng tại chỗ. Trân châu, hổ phách không chứa vitamin và thường dùng đường uống, có tác dụng an thần. Còn nhân sâm chủ yếu để bổ khí, tăng cường sức khoẻ. Cũng theo BS Bản, bất cứ phương pháp làm đẹp nào cũng cần thời gian, đặc biệt phải kết hợp cả chế độ ăn uống. Việc hấp thụ các chất qua da hạn chế hơn nhiều so với ăn uống và tiêm. “Các thảo dược này nếu được mang ra làm đẹp thì cũng chỉ như một lớp “sơn” phủ ngoài mà thôi”, BS Bản nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.