(HNMO) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 06/2016/TT-BTC hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Thông tư quy định, kinh phí phục vụ cho công tác bầu cử sẽ do ngân sách Trung ương đảm bảo. Cùng với đó, căn cứ tình hình thực tế, các địa phương xem xét, quyết định bổ sung kinh phí từ ngân sách địa phương để phục vụ cho công tác bầu cử tại địa phương.Với các cuộc họp của Hội đồng bầu cử quốc gia (HĐBCQG), các Tiểu ban của HĐBCQG, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mức chi cho chủ trì cuộc họp là 200.000 đồng/người/buổi; thành viên tham dự: 100.000 đồng/người/buổi; các đối tượng phục vụ: 50.000 đồng/người/buổi.
Đối với công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát bầu cử, ngoài chế độ thanh toán công tác phí, các đoàn công tác được chi như sau: Trưởng đoàn giám sát: 200.000 đồng/người/buổi; thành viên chính thức của đoàn giám sát: 100.000 đồng/người/buổi; các cán bộ, công chức, viên chức phục vụ đoàn giám sát chi từ 50.000 - 80.000 đồng/người /buổi.
Đối với chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp phục vụ trong đợt bầu cử, Thông tư quy định theo mức khoán/tháng. Cụ thể là: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch HĐBCQG; Trưởng các Tiểu ban HĐBCQG: mức 2 triệu đồng/người/tháng. Thành viên HĐBCQG; Phó Trưởng các Tiểu ban, thành viên các Tiểu ban; Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng HĐBCQG: 1,8 triệu đồng/người/tháng. Thành viên Văn phòng HĐBCQG: 1,5 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hưởng chế độ bồi dưỡng phục vụ công tác bầu cử thực hiện theo thực tế; tối đa không quá 5 tháng. Trường hợp một người làm nhiều nhiệm vụ khác nhau chỉ được hưởng mức bồi dưỡng cao nhất. Trong riêng 2 ngày (ngày trước ngày bầu cử và ngày bầu cử): chi bồi dưỡng 120.000 đồng/người/ngày, áp dụng đối với tất cả các lực lượng trực tiếp tham gia phục vụ bầu cử...
Các trường hợp đặc biệt chi phát sinh vượt quá thẩm quyền của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng HĐBCQG báo cáo Chủ tịch HĐBCQG quyết định. Việc lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí bầu cử thực hiện theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 29/2/2016.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.