Văn hóa

Phúc Thọ: Khơi dậy truyền thống đất Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa

Nguyễn Mai 01/10/2024 - 19:48

Tưởng nhớ công ơn Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa chống quân Đông Hán năm 40, đã thành truyền thống, hằng năm, nhân dân làng Hát Môn (huyện Phúc Thọ) đều tổ chức ba kỳ lễ hội.

Năm nay, Lễ hội kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng khao quân tế cờ khởi nghĩa (ngày 4 tháng Chín âm lịch) được UBND huyện Phúc Thọ tổ chức quy mô cấp huyện, hòa cùng thời điểm thành phố náo nức kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và đền Hát Môn được UBND thành phố Hà Nội công nhận là Điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt…, khiến niềm vui như nhân lên.

hat-mon.jpg
Trích đoạn sử thi "Hai Bà Trưng phất cờ nương tử" tại kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng hội quân tế cờ khởi nghĩa năm 2023. Ảnh: Phúc Thọ

Giới thiệu với phóng viên Báo Hànộimới về truyền thống địa phương, Phó Trưởng ban Quản lý di tích đền Hát Môn Trần Viết Hỗ cho biết, mỗi năm, làng Hát Môn tổ chức 3 kỳ lễ hội: Ngày 6 tháng Ba âm lịch - ngày hóa của Hai Bà; ngày 4 tháng Chín âm lịch - ngày Hai Bà khao quân tế cờ khởi nghĩa và 24 tháng Mười Hai âm lịch - ngày lễ mộc dục.

Theo ngọc phả, ngày 4 tháng Chín âm lịch là ngày Hai Bà Trưng lập đàn thờ, tế trời đất. Ngày này, Hai Bà đã cho giết trâu (bò), dê, lợn để quân sĩ ăn uống trước khi ra trận. Để tưởng nhớ, cứ đến tháng Chín âm lịch, người dân Hát Môn tổ chức tế lễ trong ba ngày: Mùng 3 là lễ tế yết, mùng 4 tế chính tiệc, mùng 5 lễ tạ. Trong đó, ngày chính tiệc, đồ lễ dâng lên Hai Bà gồm thịt lợn, gà lễ, xôi khuôn, bánh trôi, trầu cau. Ngoài lễ bằng vật phẩm, còn có một lễ là một lạt vàng thiếc.

hat-mon-5.jpeg
Lễ hội đền Hát Môn dịp 6 tháng Ba âm lịch năm 2024. Ảnh: Nguyễn Mai

Nghi thức khao quân trước khi ra trận của Hai Bà Trưng năm xưa, được người dân làng Hát Môn duy trì và hình thành tục lệ tế Tam sinh (bò, lợn, dê) trong ngày lễ hội. “Nghi lễ này sẽ được thực hiện vào những năm dân làng được mùa, đời sống sung túc. Các cụ kỳ hào, cước sắc trong làng sẽ bàn bạc quyết định tế Tam sinh”, ông Trần Viết Hỗ cho hay.

Để chuẩn bị cho nghi lễ tế Tam sinh, làng Hát Môn mua một con bò hoặc một con trâu - nếu là bò thì bò màu vàng, nếu là trâu thì là màu đen; một con dê, một con lợn. Tất cả đều là con đực đã thiến. Ba con vật này phải mua ở các gia đình khang thái, song toàn, không có tang. Chiều ngày mùng 3 tháng Chín, các con vật được đưa lên cổng đền Hát Môn tắm rửa sạch sẽ và được các cụ làm lễ giết mổ vào tối cùng ngày để lấy vật phẩm cúng lễ.

hat-mon-6.jpeg
Lễ hội đền Hát Môn dịp 6 tháng Ba âm lịch năm 2024. Ảnh: Nguyễn Mai

Cũng theo ông Trần Viết Hỗ, ở đền Hát Môn, việc chuẩn bị lễ vật cúng tế không thực hiện tại khuôn viên đền mà được thực hiện tại một gia đình trong làng, gọi là nhà chứa lễ. Ban bảo vệ đền phải chọn gia đình chứa lễ từ rất sớm. Có khi chọn các gia đình chứa lễ cho cả 3 kỳ hội từ đầu năm. Gia đình chứa lễ là nơi chuẩn bị lễ vật dâng cúng Hai Bà tại đền. Trước đây, phải chọn 2 gia đình chứa lễ, một gia đình chứa lễ mặn, một gia đình chứa lễ chay (bánh trôi). Song, từ khi khôi phục Hội đến nay, chỉ chọn một gia đình chứa cả lễ mặn và lễ chay. Gia đình chứa lễ phải là gia đình song toàn, còn cả ông cả bà, con cái đủ trai và gái, gia đình nền nếp, có văn hóa, không có điều tiếng trong làng xóm.

hat-mom-4.jpeg
Các thôn dân cư xã Hát Môn tham gia đoàn rước dịp 6 tháng Ba âm lịch năm 2024. Ảnh: Nguyễn Mai

Sáng mùng 2 tháng Chín, gia chủ trong gia đình chứa lễ khấn mời tổ tiên ngự sang gian bên cạnh hay ra giường, trở về âm cung để dành ban thờ này cho quan Giám trai đến ngự để giám sát việc làm lễ vật. Lúc này, ban thờ tổ tiên được che vải đỏ để ngăn cách. Đồng thời vào ngày này, gia đình nhà chứa lễ cùng với đội tu lễ chuyển đồ của nhà đền, như chậu, mâm, quả (đựng lễ vật), cối, chày và một số dụng cụ khác về nhà mình để lau dọn.

Chiều mùng 3 tháng Chín, tại nhà chứa lễ, ông Tiên chỉ và ông Thứ chỉ làm lễ trình quan Giám trai rồi mọi người trong đội tu lễ bắt tay vào chuẩn bị lễ vật. Vào ngày này, gia chủ thường cắm hương xung quanh nhà và ở hai bên đường để tránh ô uế. Sáng mùng 4 tháng Chín, mọi người tiếp tục chuẩn bị lễ vật tại nhà chứa lễ để dâng lên đền. Khi đoàn rước lễ vật ra đền xuất phát, gia chủ tắt đèn và hương cũ, thắp hương mới để mời tổ tiên về.

Vào ngày hội, nếu trong làng có ai mất thì không được phát tang, phải đợi đến khi các cụ tế xong ở đền mới được phát tang. Cạnh gia đình chứa lễ, nếu có người mất thì tang chủ cũng phải chuyển người mất sang nhà khác.

Những năm gần đây, đời sống người dân Hát Môn nâng cao hơn, nên nghi lễ tế Tam sinh cũng được tổ chức thường xuyên hơn.

Lễ hội đền Hát Môn dịp mùng 4 tháng Chín âm lịch năm nay, nhà chứa lễ được làng chọn là gia đình ông Kim Văn Hưng và bà Đăng Thị Ca, ở thôn 5, xã Hát Môn. Đây là gia đình hội tụ đủ các yếu tố theo quy định…

hat-mon-1.jpeg
Xã Hát Môn đã cơ bản hoàn tất công tác vệ sinh môi trường và trang trí khuôn viên di tích. Ảnh: Nguyễn Mai

Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phúc Thọ Nguyễn Minh Tuấn, năm nay, kỷ niệm 1985 năm ngày Hai Bà Trưng hội quân tế cờ khởi nghĩa mùng 4 tháng Chín âm lịch, UBND huyện Phúc Thọ tổ chức Lễ kỷ niệm gắn với công bố điểm du lịch di tích Quốc gia đặc biệt đền Hát Môn. Trong đó, tổ chức nghi lễ tế Tam sinh và rước kiệu của Khối liên hiệp các di tích cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Hà Nội. Lễ kỷ niệm được tổ chức từ ngày 2 đến ngày 4 tháng Chín âm lịch (tức từ ngày 4 đến 6-10-2024) với các nghi lễ truyền thống cùng nhiều hoạt động ý nghĩa.

Chủ tịch UBND xã Hát Môn Đặng Văn Lập, cho biết: Chuẩn bị cho lễ hội, xã đã thành lập 9 tiểu ban để thực hiện. Theo kế hoạch, ngoài phần lễ, xã và huyện còn tổ chức nhiều hoạt động phần hội, tạo không khí vui tươi, phấn khởi để nhân dân hòa chung với không khí vui tươi trong dịp Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Trong đó có các hoạt động: Liên hoan văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; các khu trưng bày, quảng bá nông sản, ẩm thực, sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện và xã… Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất. Làng quê Hát Môn và không gian khu di tích được treo cờ, băng rôn, khẩu hiệu; chậu hoa, cờ thần rực rỡ; các gia đình, cơ quan, đơn vị trên địa bàn cũng thực hiện tổng vệ sinh môi trường tạo cảnh quan sạch, đẹp.

hat-mon-6.jpg
Các nẻo đường ở xã Hát Môn được trang trí pano, khẩu hiệu, cờ hội và cờ Tổ quốc rực rỡ. Ảnh: Nguyễn Mai

Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, với giá trị văn hóa, lịch sử to lớn và kiến trúc độc đáo, đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng được Nhà nước xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1964, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt năm 2013. Lễ hội truyền thống đền Hát Môn đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016.

Lễ hội truyền thống của địa phương được bảo tồn, duy trì tổ chức nhằm giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tới các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện; khẳng định ý nghĩa to lớn của cuộc khởi nghĩa Bai Bà Trưng. Qua đó, giáo dục và khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa, tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc; bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, nhất là đối với thế hệ trẻ hiện nay.

Cũng qua sự kiện này, huyện Phúc Thọ mong muốn khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của người Phúc Thọ; tăng cường quảng bá hình ảnh Di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn và Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội truyền thống đền Hát Môn, tạo điểm nhấn để di tích đền Hát Môn là điểm đến du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn của Hà Nội và cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phúc Thọ: Khơi dậy truyền thống đất Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.