Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phúc Thọ khó hoàn thành tiêu chí nước sạch

Hữu Hoài| 29/03/2013 06:20

(HNM) - Nước sạch là một trong những tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Nhìn những chiếc giếng đào, ít ai nghĩ đây lại là nguồn nước mà người dân xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ) vẫn thường sử dụng trong mọi sinh hoạt từ ăn uống cho đến tắm rửa, giặt giũ. Mặc dù biết nguồn nước ô nhiễm và bị nhiễm asen, có thể gây bệnh khi sử dụng trong ăn uống, nhưng một bộ phận dân nghèo nơi đây vẫn phải dùng vì không có nguồn nước nào khác. Chủ tịch xã Hiệp Thuận Nguyễn Kim Hường cho biết, vài năm trở lại đây, nhiều hộ có điều kiện kinh tế chủ động khoan giếng nhưng do địa chất vùng đất này nhiều đá vôi nên một số cụm dân cư không thực hiện được. Nguyện vọng của người dân nơi đây, trông chờ vào sự quan tâm của các cấp, các ngành đầu tư cho địa phương công trình cấp nước để được sử dụng nguồn nước sạch, nước hợp vệ sinh.

Trạm cấp nước tập trung xã Võng Xuyên (Phúc Thọ) chưa vận hành hết công suất thiết kế. Ảnh: Hoài Thu


Qua tìm hiểu đều thấy nhiều xã trên địa bàn huyện Phúc Thọ cũng chung cảnh ngộ như Hiệp Thuận. Tại các xã Cẩm Đình, Vân Hà nằm ngoài đê sông Hồng nhưng nguồn nước cũng bị ô nhiễm nặng. Lâu nay người dân nơi đây phải tự khắc phục bằng cách dùng nước giếng khoan và nước mưa. Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Đặng Ngọc Hiên cho biết, mạng lưới nước sạch trên địa bàn huyện Phúc Thọ chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Hiện nay, một số cụm dân cư ven quốc lộ 32 và cơ quan hành chính của huyện được thụ hưởng nguồn nước sạch đấu nối với mạng lưới của Công ty cổ phần Cấp nước sạch Sơn Tây. Ngoài ra, người dân các xã Võng Xuyên, Tam Hiệp, thị trấn Phúc Thọ có công trình cấp nước tập trung nhưng số lượng không lớn do trạm cấp nước chưa phát huy hiệu quả do xây dựng đã lâu hoặc chậm được đưa vào sử dụng. Đơn cử như trạm cấp nước xã Tam Hiệp, do đầu tư xây dựng dở dang, tháng 9-2011, UBND TP Hà Nội yêu cầu phải bàn giao trạm cấp nước này cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư theo phương thức xã hội hóa để sớm đưa trạm cấp nước vào khai thác. Tuy nhiên, việc triển khai các bước quyết toán công trình, định giá tài sản, đặc biệt là hoàn tất các thủ tục bàn giao về đất của huyện cho doanh nghiệp rất chậm, gây bức xúc trong nhân dân.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, HĐND huyện Phúc Thọ đã ban hành nghị quyết, phấn đấu 100% dân số trên địa bàn huyện được sử dụng nước hợp vệ sinh trong năm 2013, trong đó 30,4% được sử dụng nước sạch. Để cụ thể hóa mục tiêu này, UBND huyện triển khai hàng loạt dự án như: Đầu tư hai trục đường ống đấu nối với mạng lưới cấp nước của Công ty cổ phần Cấp nước sạch Sơn Tây cung cấp nước sạch cho người dân các xã Tích Giang, Thọ Lộc, Trạch Mỹ Lộc, Võng Xuyên, Phương Độ, Phúc Hòa, Phụng Thượng, Ngọc Tảo và thị trấn Phúc Thọ; lập dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy nước sạch ở các xã Long Xuyên, Thượng Cốc cấp nước cho khoảng 13 nghìn người dân; xây dựng cụm công trình cung cấp nước sạch cho 20 nghìn người dân các xã Vân Nam, Vân Phúc, Xuân Phú; Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường Hà Nội cũng triển khai dự án xây dựng trạm cấp nước tại xã Hiệp Thuận từ nguồn vốn WB; UBND huyện xin chủ trương đầu tư xây dựng trạm cấp nước tập trung tại các xã Thanh Đa, Tam Thuấn, Hát Môn, Cẩm Đình, Vân Hà...

Theo ông Đặng Ngọc Hiên, khối lượng công việc khá lớn, khi hoàn thành các dự án, chắc chắn nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn và làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường bảo đảm cho sự phát triển bền vững, đồng thời đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện được các mục tiêu trên vấn đề đặt ra là Phúc Thọ phải năng động có giải pháp huy động các nguồn lực tại chỗ, tranh thủ nguồn của thành phố hỗ trợ và phát huy nội lực của người dân trong việc đầu tư cho chương trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường. Ở khía cạnh khác, xuất phát từ tình hình thực tế của Phúc Thọ, trong giai đoạn trước mắt, với những xã đang gặp khó khăn, UBND TP có thể hỗ trợ thiết bị xử lý nước ngay tại hộ gia đình. Về lâu dài, cần quan tâm đầu tư giúp Phúc Thọ xây dựng công trình cấp nước quy mô xã hay liên xã nhằm khai thác nguồn nước hiệu quả, bền vững. So với bình quân chung toàn thành phố, các chỉ tiêu về nước sạch của Phúc Thọ còn thấp, đến nay, trong tổng số 90% dân số sử dụng nước hợp vệ sinh, chỉ có 10% được sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn QCVN 02-BYT nên ảnh hưởng đến quá trình thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới của huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phúc Thọ khó hoàn thành tiêu chí nước sạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.