(HNM) - Là huyện được quy hoạch nằm trong vùng vành đai xanh của thành phố, Phúc Thọ xác định phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, gắn với du lịch sinh thái là chủ đạo. Do vậy, trước khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, huyện đã và đang có nhiều giải pháp để giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.
Mô hình 10ha dưa bao tử tại xứ đồng Giềng và xứ đồng Sắp Sào, xã Long Xuyên đã đến kỳ thu hoạch. Đây là mô hình do Hợp tác xã Nông nghiệp Long Xuyên phối hợp với Công ty cổ phần Đồng Xanh thực hiện chuyển đổi trên diện tích trồng lúa kém hiệu quả. Với hình thức liên kết sản xuất, Hợp tác xã Nông nghiệp Long Xuyên đứng ra vận động nhân dân gom đất, tuyển nhân công lao động và tổ chức sản xuất. Trong khi đó, Công ty cổ phần Đồng Xanh hỗ trợ giống, quy trình kỹ thuật; được mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá ưu đãi; làm đất, lên luống với giá thành thấp do máy của Công ty thực hiện. Khi thu hoạch, 2 đơn vị tổ chức thu gom theo ngày, có hợp đồng cam kết và chốt giá từ đầu vụ, nên giá bán ổn định.
Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Đa Nguyễn Đức Dũng cho biết, vùng rau an toàn của xã đã mở rộng lên hơn 50ha, với hơn 400 hộ dân tham gia. Mỗi vụ, vùng rau ở đây cung ứng ra thị trường khoảng 800 tấn rau, củ các loại. Trong đó, nhiều loại rau, củ quả của xã đã được thành phố chứng nhận đạt OCOP 3-4 sao. Với sự hỗ trợ của huyện, xã Thanh Đa đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm rau an toàn qua kênh thương mại điện tử. Hiện tại, rau an toàn được tiêu thụ qua kênh online chiếm đến 40% tổng số lượng sản phẩm. Việc đa dạng kênh tiêu thụ rau, củ giúp các nông hộ, thành viên hợp tác xã yên tâm sản xuất.
Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương, toàn huyện có gần 7.000ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là hơn 5.779ha. Được quy hoạch là vành đai xanh của Thủ đô, những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao; bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian qua, huyện Phúc Thọ đã chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn; canh tác trong nhà màng, nhà lưới, sử dụng công nghệ thủy canh cho việc chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Năm 2022, huyện đã triển khai mô hình ứng dụng đồng bộ kỹ thuật công nghệ cao thâm canh bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã Hiệp Thuận (4ha), Hát Môn (5ha) và Võng Xuyên (5ha); mô hình sản xuất dưa vàng và nho đen theo công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới tại thị trấn Phúc Thọ và 7 sào nho không hạt ở Thượng Cốc trồng trong nhà lưới ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến...
Huyện Phúc Thọ cũng đã phối hợp các sở, ngành tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu. Đến nay, toàn huyện có 7 sản phẩm được đăng ký và công bố nhãn hiệu, là: Chuối Vân Nam, bưởi Phúc Thọ, cà dầm tương, tương nếp Tam Hiệp, bưởi Tam Vân, rau an toàn Xuân Phú, thịt lợn Phúc Thọ. Một số sản phẩm nông sản đã sử dụng tem QRcode để truy xuất nguồn gốc…
Dù vậy, việc tiêu thụ nông sản đối với người dân vẫn là bài toán khó. Đặc biệt, do thiếu các mô hình hợp tác liên kết, quảng bá sản phẩm… nên một số thời điểm giá thành sản phẩm giảm mạnh. Chị Lê Thị Phượng (thôn Võng Ngoại, xã Võng Xuyên) chia sẻ, người dân trong thôn có truyền thống chuyên canh hành hoa. Tuy nhiên, những tháng qua, giá hành xuống thấp, chỉ dao động khoảng 10 nghìn đồng/kg nên người dân không có lợi nhuận.
Góp phần giải bài toán này, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn chia sẻ, để hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản, huyện đang xây dựng Đề án trang “Thông tin điện tử nông nghiệp” và xúc tiến thương mại huyện Phúc Thọ giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030, với tên miền: http:// www.nongnghiepphuctho.com. Chuyên trang này sẽ tập trung giới thiệu các đặc sản địa phương; cung cấp cho người tiêu dùng, kinh doanh biết thông tin các hộ gia đình, cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác đang có bán nông sản hoặc dự kiến thời gian bán; thông tin tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện; hướng dẫn quy trình sản xuất; ứng dụng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.