(HNM) - Khoảng cuối năm 2013, đầu năm 2014, hơn 100 hộ dân các xã Bích Hòa, Tam Hưng, Bình Minh (huyện Thanh Oai) nhiều lần đến trụ sở UBND huyện yêu cầu giải quyết quyền lợi của họ đối với diện tích đất đã bị thu hồi khi cho doanh nghiệp (DN) thuê vào thời điểm năm 2002 và 2003.
Thỏa thuận không đúng quy định
Qua làm việc với các cơ quan chức năng huyện Thanh Oai, chúng tôi được biết: Từ năm 2002 đến 2003, đã có 10 DN xin thuê đất ở xã Bích Hòa, Bình Minh, Tam Hưng để xây dựng trụ sở, nhà xưởng sản xuất. Việc cho thuê đất được phổ biến công khai và hầu hết các hộ dân đều đồng thuận. Tại thời điểm này, việc thu hồi đất được thực hiện theo Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 24-4-1998 của Chính phủ, nhưng phải đến ngày 6-5-2003, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) mới ban hành Quyết định 563/QĐ-UB, quy định tạm thời khung giá bồi thường (BT) thiệt hại về đất và các chính sách hỗ trợ (HT) khi Nhà nước thu hồi đất. Do vậy, trong số các dự án (DA) nói trên có 6 DA triển khai khi UBND tỉnh chưa ban hành quyết định tạm thời về khung giá BT thiệt hại về đất và các chính sách HT. Chính vì vậy, mức giá BT, HT cho những người bị thu hồi đất nông nghiệp đều được DN thực hiện thông qua việc tự thỏa thuận với các hộ dân với sự tham gia của đại diện UBND xã.
Công ty May xuất khẩu và thương mại Huy - Ngọc được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cho thuê đất ở xã Bình Minh từ năm 2002. |
Mặt khác, theo Điều 4, Nghị định 64/CP ngày 27-9-1993 thì thời hạn giao đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp là 20 năm (nghĩa là đến năm 2013 sẽ hết hạn). Từ những yếu tố đó, một số thỏa thuận giữa DN với các hộ dân đã không chuẩn xác và gây phức tạp cho tất cả các bên. Cụ thể: Tại xã Bình Minh có 4 DA thuê đất với tổng diện tích lên đến gần 50.000m2. Trước khi có quyết định thu hồi đất của cơ quan chức năng, 4 DN này thỏa thuận với các hộ có đất bị thu hồi theo hình thức các hộ dân có đơn đề nghị về việc không cấy ruộng để Nhà nước thu hồi đất và từng hộ ký biên bản thỏa thuận nhận tiền đền bù hoa lợi đến năm 2013. Thậm chí, lãnh đạo UBND xã Bình Minh thời kỳ đó còn tùy tiện xác nhận đối với hộ ông Lưu Văn Hòa với nội dung: Sau năm 2013 nếu không chia lại ruộng UBND xã có trách nhiệm trả đủ diện tích bị thu hồi(?). Cách đó không xa, 60 hộ dân thôn Tê Quả, xã Tam Hưng cũng thỏa thuận cùng DN với nội dung: "Thời gian thuê đất theo quy định của pháp luật, thời gian đền bù hoa màu đến tháng 12-2013". Ngoài ra, UBND xã Tam Hưng còn xác nhận vào giấy giao quyền sử dụng ruộng đất của các hộ với nội dung "hộ gia đình tự nguyện cho DN thuê ruộng đến hết năm 2013"(?). Chính những thỏa thuận này đã khiến người dân hiểu thời gian các hộ cho DN thuê đất chỉ hết năm 2013. Sau thời điểm này nếu DN muốn thuê đất tiếp thì phải thỏa thuận lại với người dân... Đây là lý do dẫn đến việc người dân tụ tập đông người khiếu nại ở trụ sở UBND huyện Thanh Oai, thậm chí có lần họ còn rào lối vào của DN…
Chỉ đền bù một lần
Trước những phức tạp nêu trên, UBND huyện Thanh Oai đã thành lập tổ xác minh và giải quyết đơn khiếu nại, đòi lại đất canh tác của một số hộ dân tại các xã Bích Hòa, Bình Minh, Tam Hưng. Đối chiếu với quy định pháp luật về thu hồi, đền bù hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi tại thời điểm đó, nhiều vi phạm đã lộ rõ. Theo quy định của Điều 32, Nghị định 22/1998/NĐ-CP thì căn cứ vào quyết định thu hồi đất của cơ quan chức năng, UBND cấp tỉnh hoặc huyện (tùy quy mô DA) thì chính quyền các cấp phải thành lập Hội đồng đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng. Nhưng quy định này đã không được UBND huyện Thanh Oai thực hiện khi GPMB các DA. Các thỏa thuận thống nhất "đền bù hoa lợi đến năm 2013" là cách làm có vẻ "cảm tính", vì theo Nghị định 22/1998/NĐ-CP và Thông tư 145/1998/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 22/1998/NĐ-CP thì phạm vi đền bù thiệt hại phải bao gồm cả thiệt hại về đất và thiệt hại về hoa màu… Bên cạnh đó, Thông tư 145/1998/TT-BTC chỉ cho phép chủ DA được thỏa thuận với người có đất bị thu hồi về những DA nhỏ, đơn giản có diện tích thu hồi dưới 0,5ha, trong khi đó các DA nêu trên, diện tích nhỏ nhất cũng đã hơn 7.000m2!?
Với cách làm tùy tiện như vậy nên ngay sau khi các DA xây dựng xong nhà xưởng và đi vào hoạt động nhiều hộ dân đã khiếu kiện về mức giá BT, HT. Do đó, UBND huyện Thanh Oai và tỉnh Hà Tây (cũ) đã giải quyết kiến nghị và một số dự án đã phải HT bổ sung cho người có đất bị thu hồi. Đến nay, khi thời điểm năm 2013 đã hết, căn cứ vào những thỏa thuận nêu trên người dân lại tiếp tục đòi quyền lợi của mình. Trong Thông báo Kết luận số 255-TB/UB-NC ngày 30-12-2004 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giải quyết đơn của một số công dân xã Bích Hòa về việc đòi quyền lợi nêu trên đã chỉ rõ: "Các hộ dân có đất phải thu hồi tại điểm công nghiệp Bích Hòa đã được đền bù và hỗ trợ, việc đền bù đó là đền bù một lần. Vì vậy, sau năm 2013 các hộ dân không thể được đền bù và không được giao đất đó nữa".
Ông Bùi Xuân Chiến, Phó Chánh thanh tra huyện Thanh Oai cho biết: Theo văn bản số 169/CV/TNMT về giải thích chính sách đất đai của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tây (cũ), từ thời điểm tháng 4-2004 thì các quyết định thu hồi đất của Nhà nước đối với các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông, lâm nghiệp là thu hồi một lần, không phải thu hồi đến năm 2013 rồi lại trả lại cho dân. Văn bản này cũng nêu rõ: "Việc một số hộ dân cho rằng đền bù đất đai là chỉ tính đến năm 2013, sau năm 2013 họ tiếp tục được đền bù bằng tiền hoặc trả lại mặt bằng đất đai là không đúng quy định của Luật Đất đai". Vừa qua, UBND huyện Thanh Oai đã hai lần mời các sở, ngành về bàn thảo, xin ý kiến và ngày 11-6-2014, huyện đã có Tờ trình gửi UBND thành phố và một số ban, ngành liên quan nêu đề xuất và xin ý kiến chỉ đạo giải quyết sự việc.
Để DN yên tâm sản xuất và bảo đảm quyền lợi của người dân, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các ban, ngành chức năng sớm xem xét các đề xuất, kiến nghị của UBND huyện Thanh Oai để đơn vị này sớm ban hành kết luận nhằm ổn định tình hình của địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.