(HNM) - Tác hại của rượu, bia đã trở thành chủ đề bàn thảo của nhiều cấp, nhiều ngành khi mà hậu quả của nó gây ra cho gia đình và xã hội ngày càng lớn. Do đó, dự thảo lần 1 Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia của Bộ Y tế đã nhận được sự quan tâm của nhiều người. Tuy nhiên, với quy định cấm bán rượu, bia từ sau 22h đến 6h sáng hôm sau…
Anh Nguyễn Quốc Hoàn, xã Tân Triều (Thanh Trì): Quy định này là cần thiết
Khi nghe thống kê 70% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia nhiều người không khỏi bất bình vì tại sao rượu, bia không bị ngăn cấm, không bị một giới hạn nào trong cuộc sống. Nhưng khi dự thảo đặt ra quy định cấm bán rượu, bia sau 22h thì nhiều người lại phản đối. Tôi cho rằng, với thông tin người Việt Nam uống 3 tỷ lít bia/năm hay tỷ lệ sử dụng rượu, bia bình quân là 6,6 lít rượu nguyên chất/người trưởng thành là những con số biết nói, không cần một lời lẽ nào bình luận thêm. Đặc biệt, đối tượng thường xuyên sử dụng rượu, bia lại là giới trẻ nên càng gây nhiều tai hại. Chẳng lẽ chúng ta lại khoanh tay nhìn rượu, bia hủy hoại những giá trị xã hội? Chúng ta cần phải biết rằng, khi bắt đầu thực hiện một quy định mới nào cũng đều có những khó khăn riêng, đặc biệt trong lĩnh vực vui chơi, giải trí. Do đó, khi đã thể chế thành luật thì các cơ quan chức năng cần phải quyết liệt thực hiện nhưng các quy định phải rõ ràng, không chồng chéo với các quy định khác.
Anh Nguyễn Văn Thanh, xã Phương Đình (Đan Phượng): Dự thảo cần đưa ra những quy định phù hợp với thực tiễn Việt Nam
Nhiều người chưa đồng tình với quy định cấm bán rượu, bia từ sau 22h hằng ngày đến 6h ngày hôm sau bởi nhiều lý do như: Sẽ hạn chế khách du lịch, không ai giám sát chủ nhà hàng, khách sạn bán đến mấy giờ… Những điều này đều đúng và đều có cơ sở. Song chúng ta cũng cần nhìn nhận cho công bằng vì vấn đề nào cũng có tính hai mặt. Việc hạn chế sử dụng rượu, bia lẽ ra phải thực hiện từ rất lâu rồi nhưng vì nhiều lý do nên chưa triển khai được. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề đơn giản và phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân. Bên cạnh đó, nếu pháp luật không đặt ra chế tài phù hợp thì quy định cũng thành… "bong bóng". Trong thời gian qua, nhiều quy định đặt ra nhưng không được thực hiện nghiêm, tính khả thi thấp nên quy định cấm bán rượu, bia cũng chưa đạt được lòng tin của người dân. Do đó, dự thảo cần nghiên cứu thêm thực tiễn xã hội Việt Nam để có các quy định phù hợp, không nên học quá nhiều ở nước ngoài rồi "bê" quy định này vào hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Anh Trần Hùng, phường La Khê, quận Hà Đông: Khó thay đổi thói quen
Tôi đồng tình với đề xuất không bán rượu bia sau 22h…, vì đây là một trong những biện pháp nhằm kiểm soát và hạn chế tình trạng lạm dụng rượu, bia ở nước ta. Thực tế đã chứng minh việc uống rượu, bia vào lúc khuya sẽ có nguy cơ cao gây mất an ninh trật tự, bạo lực gia đình… Tuy nhiên, nếu đề xuất này được chấp thuận thì chắc chắn khi triển khai sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, xuyên suốt từ các bộ, ban, ngành chức năng, chính quyền các cấp trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và đặc biệt là sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Chúng ta đều biết, việc sử dụng rượu, bia bất cứ giờ nào, bất cứ nơi đâu, vào dịp lễ tết, cưới hỏi, thậm chí cả ma chay… là thói quen và nó còn được xem như là nếp văn hóa của người Việt, do vậy để thay đổi thói quen này không thể một sớm, một chiều, mà phải có thời gian dài. Theo tôi, nếu đề xuất này được phê chuẩn thì cần có lộ trình triển khai phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Chiêm, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai: Còn nhiều cách khác nhằm hạn chế việc sử dụng rượu, bia
Trước thực trạng lạm dụng rượu, bia gia tăng như hiện nay thì việc đưa ra các giải pháp nhằm phòng chống tác hại rượu, bia, cũng như hạn chế tình trạng lạm dụng rượu, bia là cần thiết. Đề xuất không được bán rượu, bia trong khoảng thời gian từ sau 22h đến 6h sáng tại một số địa điểm như quán bar, karaoke, vũ trường… tôi thấy cũng có lý vì nhiều nước trên thế giới đã thực hiện rồi, nhưng ở nước ta liệu có thực hiện được? Bởi từ trước đến nay, trong nội quy ở nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… đã quy định cấm được uống rượu, bia trong giờ hành chính, nhưng thực tế việc uống rượu, bia vẫn diễn ra bình thường, thậm chí không ít cán bộ, công chức còn say xỉn, chửi bới đồng nghiệp ngay trong giờ hành chính. Theo tôi, cùng với việc xây dựng dự thảo luật, tìm ra giải pháp thật hữu hiệu, có tác dụng lâu dài thì ngay từ bây giờ, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị từ trung ương đến địa phương cần thực hiện ngay các giải pháp như hạn chế sử dụng rượu, bia trong các bữa tiệc hội nghị; cán bộ, đảng viên gương mẫu không sử dụng rượu, bia trong giờ hành chính; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật liên quan đến việc kinh doanh bia, rượu…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.