(HNM) - Trước thực tế "đất chật, người đông" ở khu vực nội thành, các cơ quan chức năng và chính quyền các quận trên địa bàn thành phố Hà Nội đang có nhiều giải pháp cả trước mắt và lâu dài để nỗ lực "phủ sóng" các thiết chế văn hóa, thể thao. Đây là tiền đề quan trọng tiếp tục góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân Thủ đô.
Vẫn thiếu nơi sinh hoạt cộng đồng
Phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình) hiện có 7 tổ dân phố nhưng chỉ có 2 địa điểm đủ điều kiện làm nhà sinh hoạt cộng đồng. Trong khi đó, nhu cầu tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng, hội họp của người dân khá lớn nên UBND phường đã sử dụng hai điểm Trường Trung học cơ sở và Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực, trụ sở UBND phường để người dân thực hiện các hoạt động cộng đồng khi cần thiết.
Còn Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Cầu Giấy Nguyễn Thị Xuân Nữ cho biết, trên địa bàn quận hiện còn một số nhà sinh hoạt cộng đồng nằm xen kẽ trong các khu dân cư, khu tập thể nhưng đã xuống cấp, không đáp ứng diện tích để tổ chức hội họp cho nhân dân. Trong khi một số nhà sinh hoạt cộng đồng mới ở các tòa nhà chung cư còn thiếu trang thiết bị phục vụ hội họp... Bên cạnh đó, vẫn còn 58 tổ dân phố chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng do khó khăn về quỹ đất. Đáng nói, sân chơi tại một số tổ dân phố phải sử dụng chung cơ sở vật chất với các tổ dân phố liền kề do không còn quỹ đất dành cho việc xây dựng thiết chế văn hóa.
Thiếu nhà sinh hoạt cộng đồng tại các chung cư tái định cư cũng là vấn đề gây bức xúc với người dân. Hiện cư dân ở tòa nhà NO2, khu tái định cư Láng Thượng (quận Đống Đa) đang phải sinh hoạt tạm trên một mặt sàn rộng 120m2. Còn tại khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân) đa số phải ghép cư dân ở trong 2-4 tòa để sử dụng chung một nhà sinh hoạt cộng đồng.
Tương tự, cư dân các tòa chung cư tại khu tái định cư 7,2ha Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) đang rất thiếu nhà sinh hoạt cộng đồng. Theo bà Nguyễn Thị Nga ở nhà D1 (khu tái định cư Vĩnh Phúc), hoạt động sinh hoạt cộng đồng của cư dân ở các tòa nhà trong khu tái định cư Vĩnh Phúc đều diễn ra tại Nhà văn hóa khu dân cư số 13, rất chật chội.
Tại quận Ðống Ða, nhiều tổ dân phố không có nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng vì không có quỹ đất để bố trí. Vì vậy, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phải nhờ địa điểm ở các trường học, nhà dân hoặc sinh hoạt tạm thời ở sân các khu tập thể.
Nỗ lực bằng nhiều giải pháp
Mặc dù thiếu quỹ đất nhưng nhiều địa phương ở khu vực nội thành Hà Nội vẫn đã, đang có nhiều giải pháp khắc phục khó khăn để nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung, thời gian qua, nhiều khu sinh hoạt cộng đồng được quận quan tâm đầu tư xây dựng với trang thiết bị hiện đại, thu hút dân cư trên địa bàn và các địa phương lân cận đến vui chơi, rèn luyện sức khỏe. Các công trình đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa đều được thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và hiệu quả sử dụng.
Chia sẻ về công tác đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Thanh Xuân Ngô Minh Hồng cho biết, trong giai đoạn 2020-2025, UBND quận đầu tư cải tạo 3 nhà văn hóa phường, 15 nhà hội họp khu dân cư; đầu tư thí điểm hệ thống loa truyền thanh không dây trên địa bàn 2 phường Thanh Xuân Bắc và Kim Giang. Ngoài ra, cơ quan chức năng quận đã triển khai lắp đặt 187 thiết bị thể dục - thể thao ngoài trời phục vụ việc luyện tập, rèn luyện sức khỏe của nhân dân trên địa bàn.
Về việc thiếu nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng tại các khu tái định cư, trong phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố do Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức ngày 25-4 vừa qua, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong thông tin, hiện có 94/175 tòa chung cư tái định cư không có diện tích bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng. Sở Xây dựng đã rà soát, thu hồi phần diện tích kinh doanh dịch vụ để chuyển đổi công năng thành nhà sinh hoạt cộng đồng cho nhân dân. Hiện nay, 73 tòa nhà đã hoàn thành việc bố trí chuyển đổi, 8 tòa đang tiếp tục rà soát để thực hiện yêu cầu này và hoàn thành chậm nhất trong quý IV-2022.
Cũng tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng khẳng định, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tập trung tiến hành đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó có việc thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. UBND thành phố cũng tập trung ban hành các cơ chế, chính sách cho các thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp với thực tế.
Với những nỗ lực của thành phố và các địa phương, hy vọng trong thời gian tới, hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao sẽ được “phủ sóng” rộng khắp, qua đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.