Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phù hợp với thực trạng giao thông

Nhóm PV Báo Hànộimới| 11/11/2011 07:13

(HNM) - Trước khi đưa ra phương án chính thức về việc điều chỉnh giờ học, giờ làm việc trình Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã tổ chức cuộc họp trao đổi ý kiến với một số bộ, ngành TƯ.


Tại cuộc họp, có ý kiến chính thức, có ý kiến cá nhân, nhưng tựu trung đều ủng hộ đề xuất của thành phố. Trên cơ sở lắng nghe, tổng hợp góp ý, UBND TP Hà Nội xây dựng phương án trình Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục nhận được sự ủng hộ của nhiều bộ, ngành TƯ.

Phí trông giữ phương tiện giao thông sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới nhằm hạn chế sự gia tăng phương tiện cá nhân. Ảnh: Linh Tâm


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý: Ủng hộ phương án của Hà Nội

Đối với giờ học tập của sinh viên các trường ĐH, CĐ và HS các trường trung cấp chuyên nghiệp, chúng tôi ủng hộ theo phương án đề xuất của UBND TP Hà Nội sẽ áp dụng tại 10 quận nội thành và hai huyện Thanh Trì, Từ Liêm, vì trên địa bàn các quận, huyện này tập trung nhiều trường ĐH, CĐ của trung ương và Hà Nội. Để bảo đảm chương trình học tập, tránh những xáo trộn lớn nhưng vẫn bảo đảm được việc giảm lưu lượng người tham gia giao thông, Bộ GD-ĐT cũng ủng hộ phương án về thời gian học ca sáng của sinh viên các trường ĐH, CĐ và HS các trường trung cấp chuyên nghiệp là từ trước 7h (từ 6h30 đến 7h), thời gian kết thúc ca học buổi chiều từ 18h đến 18h30. Việc quyết định thời gian vào học và tan học sẽ được giao cho hiệu trưởng nhà trường quyết định căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng trường ở từng địa bàn.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công thương: Bảo đảm việc tổ chức sinh hoạt với mỗi gia đình

Việc đề xuất công chức, viên chức TƯ và Hà Nội cũng như các cháu nhỏ đi học vào thời điểm gần như trùng nhau tạo ra một sự hợp lý, dễ thực hiện cho mỗi cá nhân và bảo đảm việc tổ chức sinh hoạt đối với mỗi gia đình. Tôi cho rằng cần áp dụng phương thức quy định và khuyến khích nhà trường nhận các cháu sớm, khoảng lúc 7h-7h30 và sẵn sàng giữ các cháu đến 18h. Làm được như vậy, mỗi công chức sẽ đỡ vất vả hơn, bớt sự dồn nén không đáng có ngay trước và sau giờ hành chính. Việc xác định giờ học đối với khối sinh viên, học nghề, học sinh THPT giãn hẳn so với giờ hành chính là hợp lý bởi đây là lực lượng rất lớn, thường xuyên tham gia giao thông vào những giờ cao điểm cũng là nguyên nhân khiến tình hình giao thông nội đô thêm phức tạp. Tôi cũng đồng thuận với ý kiến cho rằng, các cơ sở dịch vụ như siêu thị cần được đóng cửa muộn hơn so với đề xuất, cụ thể là nên đóng cửa vào khoảng 21-22h bởi còn rất nhiều người chỉ rỗi vào thời điểm tối muộn hoặc vẫn có nhu cầu mua sắm, nhất là nhu yếu phẩm.

TS Trần Bình Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức:Cơ bản phù hợp với thực trạng giao thông hiện nay

Đề xuất thay đổi giờ học tập, làm việc, kinh doanh của UBND TP Hà Nội về cơ bản tôi thấy phù hợp với thực trạng và yêu cầu đặt ra của giao thông hiện nay. Với đặc thù công việc của ngành y, phương án thay đổi giờ làm việc đó hầu như không ảnh hưởng, bởi chúng tôi thường xuyên làm việc từ 7h-7h30 sáng. Tuy nhiên, TP cũng cần phải tham khảo nghiêm túc các ý kiến đóng góp cũng như đề xuất của người dân để đưa ra phương án thay đổi tối ưu và tạo được sự đồng thuận cao nhất. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền để mỗi người dân nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc cùng tham gia giải bài toán ùn tắc giao thông với lãnh đạo TP cũng rất cần thiết ở thời điểm này.

Cô giáo Chu Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Giang (Thanh Xuân):Nhà trường sẽ tham khảo ý kiến phụ huynh học sinh

Sau khi tham khảo ý kiến của một số thầy, cô giáo và phụ huynh, ngày 9-11, trường đã thử điều chỉnh giờ học của HS. Cụ thể, HS toàn trường đã vào học lúc 8h và tan học lúc 16h (thay vì vào học lúc 7h30 và tan học lúc 16h30 như trước đây). Nhiều gia đình tỏ ý đồng tình vì thời gian vào học được lùi lại, nên các cháu có điều kiện ăn sáng chu đáo hơn; hầu hết giáo viên cũng cảm thấy thoải mái hơn. Tuy nhiên, giờ tan học sớm hơn khiến việc đón con của những gia đình có bố mẹ làm công chức (khi không có ông, bà đưa-đón) gặp khó khăn. Theo ý kiến phụ huynh, thông thường, giờ làm việc của họ phải 16h30 hoặc 17h mới kết thúc, nay con lại tan trường từ 16h khiến cha mẹ không thể xoay xở để đón con đúng giờ và cũng khó lòng yên tâm làm việc. Trước nhiều ý kiến còn trái chiều, ngày hôm qua (10-11), nhà trường đã quay trở lại lịch học như cũ và đợi ý kiến chỉ đạo của các cấp quản lý với tinh thần sẵn sàng cùng góp sức làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên nhiều tuyến đường Hà Nội hiện nay.

Thượng tá Trần Sơn, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn Luật và Điều tra xử lý TNGT, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt, Bộ CA: Giải pháp quan trọng, góp phần giảm tải áp lực giao thông

Đây là giải pháp quan trọng góp phần giảm tải giao thông tại các quận nội thành vào giờ cao điểm và tại các nút giao thông quan trọng. Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội đều có đề xuất về vấn đề này. Cá nhân tôi đồng tình với phương án đề xuất thay đổi giờ làm của UBND TP Hà Nội bởi phương án này ít gây xáo trộn cho người dân. Thay đổi giờ làm sẽ có tác động không nhỏ đến sinh hoạt của số đông cán bộ, công chức, viên chức và học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, việc giảm thiểu ùn tắc giao thông ở Hà Nội đã trở nên cấp bách và đã đến lúc phải tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề này. Hy vọng giải pháp này cùng các giải pháp như: Phân làn đường tại các tuyến phố nội thành; thí điểm cấm xe ô tô, mô tô ở những tuyến đường nhất định; hạn chế xe taxi, xe cá nhân… vấn đề ùn tắc giao thông tại Hà Nội sẽ sớm được giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phù hợp với thực trạng giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.