Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phụ gia thực phẩm trôi nổi: Hiểm họa khó lường

Thu Trang| 17/08/2015 06:09

(HNM) - Việc sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, chủng loại, nhất là với những loại phụ gia không cho phép dùng trong thực phẩm, sẽ gây tác hại không nhỏ đối với sức khỏe.


Ranh giới mong manh

Ngành công nghiệp thực phẩm trên thế giới được phép sử dụng hơn 3.000 loại chất phụ gia trong việc chế biến thực phẩm. Tại Việt Nam, có 23 nhóm PGTP, bao gồm 337 chất được cho phép sử dụng. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng phụ gia trong chế biến thực phẩm đang ngày một tăng cao, những loại hóa chất độc hại, phụ gia trôi nổi, không nguồn gốc, được bán với giá rẻ vẫn tràn ngập thị trường, gây tổn hại sức khỏe của người tiêu dùng.

Cơ quan chức năng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại khu vực chợ Thành Công (Hà Nội). Ảnh: Văn Chiến


Thực tế cho thấy nhận định nói trên là có cơ sở. Tại chợ Đồng Xuân, mặt hàng hương liệu, PGTP được bày bán rất nhiều, được đựng trong hộp nhựa, túi ni lông với "tiêu chí ba không" (không nguồn gốc, không nhãn mác, không hạn sử dụng). Hàng hóa rất phong phú, từ các loại phụ gia giúp tạo màu tự nhiên cho chả lụa, tạo độ giòn cho da thịt quay, tạo độ tươi ngon cho thực phẩm… cho đến các loại hương liệu dùng để chế biến nước uống như cà phê, ca cao, chanh, dâu, nho, táo, sầu riêng, trà sữa...

Chủ một cửa hàng bán PGTP tại đây cho biết PGTP ngày càng đa dạng. Nhiều chủ hàng chế biến thịt quay hay giò chả đến đây đều chọn loại phụ gia tạo độ dai, giòn, độ kết dính, tạo màu, tạo mùi, tạo vị, chất chống nhiễm khuẩn, chống mốc... Phổ biến nhất là chất tạo màu (thực chất là chất hóa học dùng để nhuộm vải trong công nghiệp - PV). Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc loại phẩm màu này, chủ cửa hàng hồn nhiên nói: "Người ta vẫn mua về nấu xôi, làm thịt nguội, mứt, hạt dưa, tương ớt… Lo gì!"...

Theo đại diện của một doanh nghiệp sản xuất thức ăn nhanh có uy tín trên thị trường trong nước, những đơn vị sản xuất lớn, đã có thương hiệu, mỗi năm sử dụng nhiều loại nguyên liệu, phụ gia để chế biến thực phẩm, đặc biệt là trong chế biến món giò lụa. Những loại PGTP này đều được kiểm nghiệm nghiêm ngặt và được cho phép sử dụng cho thực phẩm và sử dụng trong giới hạn cho phép. Doanh nghiệp này từng tiếp nhiều đơn vị cung cấp phụ gia trôi nổi trên thị trường đến chào hàng với giá rẻ. PGTP "ba không" thường rẻ hơn từ 10 đến 15 lần so với các loại PGTP nằm trong danh mục cho phép. Theo vị này, nếu hám lợi, doanh nghiệp chế biến rất dễ bị cám dỗ bởi những phụ gia "giá bèo". Do đó, có thể nói, ranh giới giữa an toàn và độc hại của thực phẩm có sử dụng phụ gia rất mong manh, phụ thuộc vào lương tâm của nhà sản xuất.

Bàn về tác hại của những loại phụ gia không được phép sử dụng trong thực phẩm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), nêu dẫn chứng về hàn the: Đó là chất tạo độ dai giòn, giúp tăng thời gian bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên, hàn the là chất cực độc, bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong bảo quản và chế biến thực phẩm. Khi hàn the vào cơ thể, nó tích tụ trong gan, thận, gây tổn thương cho các bộ phận này. Ngoài ra, hàn the còn làm thoái hóa các cơ quan sinh dục, gây vô sinh. Trẻ em ăn phải thực phẩm có lượng hàn the 1-2g/kg thể trọng có thể dẫn đến tử vong sau 10-12 giờ. Tuy nhiên, vì lợi nhuận cũng như do tâm lý của người tiêu dùng muốn ăn giò chả thơm giòn nên hàn the vẫn được sử dụng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Trong thực tế, theo các chủ cửa hàng bán buôn, bán lẻ PGTP, các đồ thực phẩm như bún, giò được bày bán trên thị trường đều có chứa hàn the. Các nhà hàng không dùng phụ gia an toàn bởi chúng có giá đắt hơn hàn the 5-6 lần mà tác dụng không ổn định bằng. Hàn the có giá rẻ, chỉ có 15.000 đồng/kg nên bất chấp lệnh cấm của Bộ Y tế, chúng vẫn là loại được nhiều người chọn dùng.

Tránh xa phụ gia thực phẩm "ba không"

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người tiêu dùng cần hiểu rõ tác hại của một số loại phụ gia được sử dụng phổ biến hiện nay. Chẳng hạn như với bột ngọt thì tuyệt đối không được dùng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi; với người lớn thì không dùng quá 2g/ngày (tương đương nửa thìa). Có thể thay thế bột ngọt bằng các thực phẩm tự nhiên như củ, quả, hoặc các loại thực phẩm từ động vật như xương, thịt, tôm, cua, cá… Mặt khác, nên hạn chế ăn các loại thức ăn có nhuộm phẩm màu bởi việc sử dụng nhiều thực phẩm loại này dễ gây ngộ độc, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, ảnh hưởng tới sức khỏe. Cũng nên hạn chế dùng đường hóa học trong chế biến thức ăn, nước uống; nên thay thế đường hóa học bằng các loại đường chế biến từ nguyên liệu tự nhiên như: mía, củ cải đường…

Tại hội nghị triển khai các chuyên đề trọng tâm về an toàn thực phẩm trong 6 tháng cuối năm 2015, diễn ra trong tuần qua, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội cho biết, từ nay cho đến hết năm, cơ quan chức năng sẽ tập trung thanh, kiểm tra chất lượng bánh trung thu, các mặt hàng phục vụ Tết cũng như công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp, trường học… "Việc lạm dụng các PGTP, sử dụng các phụ gia không nguồn gốc… đang khiến dư luận lo lắng. Chính vì vậy, khi kiểm tra các đơn vị chế biến thực phẩm, các đoàn kiểm tra sẽ lấy mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm các chất phụ gia. Nếu phát hiện sai phạm, cơ sở sản xuất thực phẩm sẽ bị xử lý nghiêm", ông Trần Ngọc Tụ nhấn mạnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm phải bảo đảm sử dụng PGTP đạt tiêu chuẩn chất lượng tinh khiết dùng trong thực phẩm. Khi sử dụng PGTP, nhà sản xuất phải ghi rõ tên phụ gia được phép sử dụng, giới hạn sử dụng trong hồ sơ đăng ký đã được phê duyệt bởi cơ quan y tế có thẩm quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phụ gia thực phẩm trôi nổi: Hiểm họa khó lường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.