Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phớt lờ cảnh báo, dùng dằng gây… đại họa!

Triệu Dương| 17/04/2012 06:18

(HNM) - Trong nỗ lực của tỉnh Thái Nguyên nhằm khắc phục sự cố sạt lở tại mỏ than Phấn Mễ, Ban Chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu hộ cứu nạn của tỉnh do đích thân Phó Chủ tịch Đặng Viết Thuần chỉ huy đã huy động cả chó nghiệp vụ kết hợp với máy dò tìm địa chất bằng tia phóng xạ của chuyên gia Vũ Văn Bằng.

Hai phương án này tiến hành đồng bộ trên cơ sở có sự tham khảo ý kiến của các chuyên gia khai thác mỏ người Australia đang công tác tại mỏ than Núi Pháo gần đó.

Tang thương một xã nghèo

5h sáng hôm qua (16-4) - nghĩa là trọn một ngày sau tai nạn thương tâm sạt lở khu vực bãi thải số 3 thuộc mỏ than Phấn Mễ (xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) làm 7 người chết và bị thương, 14 ngôi nhà bị vùi lấp, em Nguyễn Văn Khánh (SN 1990), con trai duy nhất của nạn nhân Trần Thị Thiện (SN 1958) mới biết được hung tin để tất tả quay về nhà. Cũng để có mâm cơm đạm bạc cúng mẹ gồm ba bát gạo và vài quả trứng, cùng vài thức thanh bông, hoa quả, Khánh đã phải chạy vạy đi nhờ hàng xóm. Nước mắt lưng tròng, Khánh rưng rưng kể: "Mới 5h sáng, khi em đang chuẩn bị đi làm thì có người em họ xa gọi điện đến thông báo nhà bị chôn vùi hết, mọi người không tìm thấy mẹ em".

Toàn cảnh vụ sạt lở.

Hoàn cảnh của mẹ con em Khánh đáng thương bao nhiêu thì như nhân lên gấp nhiều lần nỗi đau thương đó là nỗi lòng của bao người thân trong gia đình xấu số có tới 4 người vẫn còn bị vùi lấp. Theo danh sách của UBND xã thống kê, hiện vẫn chưa tìm thấy Nguyễn Minh Hoàn (SN 1962, chủ hộ), ông Nguyễn Văn Hà (SN 1968 là em trai bà Hoàn), cháu Nguyễn Văn Quốc (SN 1991 là con trai bà Hoàn) và cháu Nguyễn Văn Quân (SN 1995 là con trai thứ hai của bà Hoàn) trong đống đổ nát. Mới hôm qua, qua xem ti vi biết hung tin hai em và các cháu bị nạn, người chị cả Nguyễn Thị Huệ ở Phú Bình cách đó hàng chục cây số đã tất tả dẫn hai con về để tang cho đại gia đình. Chị Huệ và những người thân còn sống chẳng nói nổi một câu cứ khóc ngất trước mâm cơm cúng đơn sơ mà vẫn không tin vào sự thật. Dưới hàng thước đất dày như núi kia còn có cả hai ngôi mộ là bố mẹ của chị Huệ cũng không còn dấu vết.

Đối diện với khu vực bị sạt lở, con cháu của cụ Vũ Thị Hồng (78 tuổi) đang làm đám tang cho cụ. Được biết, cụ Hà Văn Xuân (90 tuổi) và cụ Vũ Thị Hồng (78 tuổi) cùng con cháu có tám ngôi nhà ở ngay dãy bị sạt lở. Anh Vũ Tiến Phục - con rể cụ Xuân kể lại: Khi sạt lở xảy ra vào khoảng hơn 4h sáng 15-4, nghe thấy tiếng đất đá ào ào đổ xuống, cột điện gãy nổ, mọi người hốt hoảng tháo chạy, một số người may mắn thoát nạn. Riêng con cháu nhà cụ Hồng thì bảy hộ gia đình chạy được thoát, riêng hai cụ Xuân và Hồng do thời điểm sạt lở vẫn đang chìm trong giấc ngủ nên không biết sự việc. Đất đá sạt lở đẩy trôi ngôi nhà khoảng 200m, cụ ông Hà Văn Xuân may mắn được một thanh kèo của ngôi nhà che chắn nên thoát chết. Còn cụ bà Vũ Thị Hồng xấu số đã bị đất đá vùi lấp. Đến 7h sáng con cháu của hai cụ mới tìm thấy vị trí hai cụ bị vùi lấp. "Hai cụ vẫn nằm trên giường, một chân trồi lên trên mặt đất nên chúng tôi mới phát hiện được. Cụ ông nhờ các thanh gỗ của ngôi nhà che chắn nên vẫn sống sót. Còn cụ bà tuổi cao sức yếu, lại bị gỗ và đất đá đè lên cướp đi sinh mạng" - anh Phục đau buồn cho biết. Hiện tại cụ Xuân đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên.

Địa phương liệu có phớt lờ cảnh báo?

Ông Phạm Hồng Quân, Phó Tổng GĐ Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cho biết, khu vực bãi thải số 3 đã được định hình từ hơn 10 năm nay. Dù ông Quân không nhớ rõ vào năm nào nhưng khu vực trên cũng đã xảy ra sạt lở. Theo ông Quân, khi xảy ra vụ việc, các đơn vị cứu hộ đã lo cho người dân, cấp cứu người bị thương, thu xếp chỗ ăn, chỗ ở tại các trường học, trạm xá xung quanh để ổn định chỗ ở cho người dân tại khu vực nhà trẻ và nhà văn hóa trong thôn, đó chính là trách nhiệm của đơn vị chủ quản mỏ than Phấn Mễ. Ông Quân còn khẳng định phía đơn vị đã cho dừng việc đổ phế thải ở khu vực 3 dù bản thân không nhớ thời điểm nào việc dừng đổ phế thải có hiệu lực. Còn về trách nhiệm để xảy ra sự cố, Phó GĐ Công ty CP Gang thép Thái Nguyên thừa nhận, đơn vị đã có ý định quy hoạch khu vực dưới chân bãi thải, thiết lập hành lang an toàn, di dân. Nhưng phương án bàn bạc với người dân chưa được thống nhất.

Trái với những gì ông Quân trao đổi với báo giới, một nhân chứng là bà Trịnh Thị Ngà, 67 tuổi ở xóm Khuôn 1, là chị họ của nạn nhân Trần Thị Thiện cho biết, khu đất người dân đang ở chưa thỏa thuận được với công ty khai thác mỏ về việc đền bù giải phóng khu đầm của xã. Nguyên nhân do mỏ than đã đồng ý bồi thường nhưng chỉ bồi thường khu đầm của HTX chứ không bồi thường đất ruộng trong khi khu đầm là nơi cung cấp toàn bộ nước tưới tiêu cho ruộng lúa. Chính vì vậy, việc giải phóng mặt bằng có trong quy hoạch khá lâu nhưng chưa được thực hiện.

Phớt lờ mọi cảnh báo của người dân về hiện tượng sạt lở đã từng diễn ra hai lần, một lần năm 1998, một lần năm 2006, thậm chí nhiều lần người dân xã Phục Linh đã kiên quyết chặn không cho xe tải chở phế thải đi qua nhưng đơn vị khai thác vẫn tìm mọi cách tận thu. Nhiều người dân còn chưa hết bàng hoàng kể lại, cách đây không lâu, tại mỏ than Phấn Mễ, một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra vào chiều ngày 29-4-2011. Vụ nổ xảy ra tại giếng khai thác có độ sâu hơn 100m. Một công nhân là Phạm Bá Phương (SN 1979) tử vong tại chỗ. Một công nhân khác là Trần Như Long bị bỏng sâu và phải đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, theo những người dân xã Phục Linh, sự việc nổ giếng than xảy ra chưa được bao lâu, đơn vị khai thác lại tiếp tục cho khai thác trở lại.

Để làm sáng tỏ những nghi vấn trên, chúng tôi tìm lãnh đạo xã Phục Linh trong đám đông hàng nghìn người đang tập trung nỗ lực tìm kiếm nạn nhân, dù được người dân chỉ tận nơi chỗ đứng của hai "quan xã" là ông Minh, Bí thư và ông Thành, Chủ tịch, nhưng khi PV tiếp cận làm việc với hai vị này, một vị bỏ đi chỗ khác, còn một vị từ chối trả lời. Còn một lãnh đạo CA huyện Đại Từ thì nổi cáu đòi thu máy ảnh tác nghiệp của PV vì dám chụp ảnh… đoàn công tác của huyện đang hội ý.

Nỗ lực cứu nạn

Sáng 16-4, tại cuộc họp nhanh của Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả sạt lở mỏ than Phấn Mễ với các ngành, đoàn thể nhằm chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn và khắc phục hậu quả về vụ sạt lở, ông Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Bằng mọi biện pháp, phương tiện nghiệp vụ có thể, phải quyết tâm tìm bằng được 5 thi thể nạn nhân còn đang bị vùi lấp dưới đống đổ nát. Ngay sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo chính quyền tỉnh Thái Nguyên và đại diện mỏ than Phấn Mễ đã đến thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân. Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã hỗ trợ hai triệu đồng cho mỗi hộ dân bị mất nhà, hai triệu đồng cho gia đình có người chết. Mỏ than Phấn Mễ đã hỗ trợ 40 triệu đồng cho gia đình lo an táng cụ Vũ Thị Hồng và mỗi hộ dân bị ảnh hưởng được hỗ trợ hai triệu đồng. Hiện tại, những hộ gia đình mất nhà đều được dựng lều bạt dã chiến tại sân nhà văn hóa để ở tạm thời.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Đặng Viết Thuần cho biết: "Vào 2h sáng 16-4, khi các đơn vị tìm kiếm đào được một chiếc xe đạp, mâm cơm đang ăn dở và ít rơm rạ, toàn lực lượng cứu hộ đã họp khẩn cấp thống nhất phương án, đào xung quanh hiện trường, mở rộng diện tích, để đưa chó nghiệp vụ vào. Đến 6h sáng, một lần nữa các đơn vị lại họp tiếp tục thống nhất lên phương án tập trung tất cả các phương tiện xe cộ, dầu máy để nhanh chóng tìm kiếm nạn nhân trong thời gian sớm nhất. Đến 10h cùng ngày, khi các chuyên gia người Australia có mặt tại hiện trường căn cứ vào các vết trượt và xác định đường đi của khối đất lở, các đơn vị tìm kiếm đã tiến hành cắm cọc xác minh vị trí nền nhà chị Thiện và anh Hà. Đại tá Trần Văn Ổn, Phó GĐ Công an tỉnh Thái Nguyên khẳng định: "Để tránh bà con hiểu lầm, không như nhiều thông tin thất thiệt xung quanh vụ việc trên, thông tin chính xác về vụ việc đến thời điểm này có 1 người chết, 1 người bị thương và 5 người mất tích. Cơ quan tỉnh Thái Nguyên huy động hơn 100 chiến sĩ, trong đó lực lượng chủ công là lực lượng phòng cháy chữa cháy".

Đến 14h cùng ngày, chuyên gia Vũ Văn Bằng - Công ty cổ phần Nghiên cứu môi trường địa chất và bảo vệ sức khỏe mang theo máy dò tìm siêu âm có mặt tại hiện trường sau một chặng đường dài từ Hà Nội lên. Vừa tới nơi, chưa kịp ăn cơm, ông Bằng đã lao vào hiện trường làm việc, xác định được hai vị trí gần trùng khớp với vị trí các chuyên gia người Australia đã xác định. Ở hai vị trí này, chiếc máy dò tìm siêu âm của chuyên gia Bằng quay tít xác định xác nạn nhân nằm sâu khoảng 5m đất, chuyên gia Bằng còn xác định được cả vị trí đầu và chân. Cách khu vực được cho là có xác nạn nhân khoảng 5 bước chân, ông Bằng cũng cho cắm cọc và cho rằng, đây là mộ của gia đình có 4 người tử nạn. Đến 16h30, sau hàng giờ dùng máy xúc dần dần san bằng khu vực đã được các chuyên gia xác định, chó nghiệp vụ bắt đầu được tung vào tìm kiếm, nhưng vẫn chưa có kết quả khả thi.

Chiều xuống muộn ở Đại Từ, tại hiện trường, tiếng máy xúc từng gàu đất ở khu vực được xác định là hai căn nhà có 5 nạn nhân chưa tìm thấy vẫn cần mẫn không có dấu hiệu ngừng nghỉ. Dù toàn bộ khu vực xóm Khuôn 1 đang trong tình trạng mất điện nhưng Ban Chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên đã chạy máy nổ thắp sáng nhiều bóng đèn cao áp để bảo đảm đủ ánh sáng cho công tác tìm kiếm diễn ra suốt đêm. Phía bên kia bãi đất đá, em Khánh cùng người thân của 4 nạn nhân Hà, Hoàn, Quân, Quốc vẫn đứng chăm chú theo dõi trong tiếng nức nở. Hàng ngàn người dân xã Phục Linh, Đại Từ và rất nhiều bà con từ TP Thái Nguyên cũng lặn lội tới chia buồn trong tâm trạng vừa trông ngóng, vừa tiếc thương những người hàng xóm hiền lành bị nạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phớt lờ cảnh báo, dùng dằng gây… đại họa!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.