Theo AFP, sự cố hạt nhân tại nhà máy Fukushima số 1 tại miền Bắc Nhật Bản đã được đẩy lên tới mức báo động cực cao khi nồng độ phóng xạ bị rò rỉ trong nước từ một lò phản ứng tại nhà máy đã cao gấp 10 triệu lần so với bình thường.
Một nhân viên của tổ chức hòa bình xanh tiến hành đo nồng độ phóng xạ trong đất tại khu vực gần nhà máy Fukushima Daiichi (Nguồn: Reuters) |
Theo AFP, sự cố hạt nhân tại nhà máy Fukushima số 1 tại miền Bắc Nhật Bản đã được đẩy lên tới mức báo động cực cao khi nồng độ phóng xạ bị rò rỉ trong nước từ một lò phản ứng tại nhà máy đã cao gấp 10 triệu lần so với bình thường.
Theo các quan chức của công ty điện lực Tokyo (TEPCO), hiện nồng độ phóng xạ đo được tại đây là 1.000 millisievert/giờ, mức cực kỳ nguy hiểm, buộc phải tiến hành sơ tán khẩn cấp các công nhân đang vận hành tuabin tại các lò phản ứng.
“Đây là mức độ cực kỳ cao, có khả năng là do nước rò rỉ từ một lò phản ứng,” phát ngôn viên của cơ quan an toàn hạt nhân Hidehiko Nishiyama cho biết.
Theo các nhà khoa học thì nồng độ 1.000 millisievert có thể gây nên phơi nhiễm phóng xạ, với các triệu chứng như buồn nôn và ói mửa. Mức độ tiếp xúc 100 millisievert/năm được coi là mức thấp nhất, và nếu mức độ này tăng lên thì đồng nghĩa việc tăng khả năng gây bệnh ung thư.
Trong mối lo âu về khả năng các thanh nhiên liệu cũng như ống dẫn bị rò rỉ, chánh văn phòng nội các Nhật Yukio Edano thừa nhận rằng những tiến triển trong nỗ lực ngăn chặn một thảm họa hạt nhân tại nhà máy này là còn chậm.
Trong khi đó, theo tờ New York Times, các quan chức của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã cảnh báo rằng sự cố hạt nhân tại Nhật có thể tiếp diễn trong vài tuần nữa, thậm chí còn dài hơn.
Ông Yukiya Amano, Giám đốc của IAEA, cho biết giới chức Nhật Bản hiện không đảm bảo được rằng cần một lượng nước thế nào để bao bọc và làm mát lõi của lò phản ứng cùng các thanh nhiên liệu.
Biện pháp khẩn cấp được triển khai bắt đầu từ hôm nay là bơm nước vào các bể nước trên cao, sau khi một số công nhân bị bỏng trong lúc lắp đặt hệ thống cáp để sửa chữa hệ thống làm mát.
Sự cố này càng khiến cho TEPCO phải chịu thêm nhiều sức ép, bởi các công nhân trong độ tuổi 20-30 đã phải làm việc với những trang thiết bị bảo hộ không đủ tiêu chuẩn. Và ông Edano đã cam kết sẽ đưa ra những báo cáo công khai về quá trình khắc phục sự cố, giữa lúc những mối nghi ngờ về việc bưng bít thông tin ngày một tăng lên.
Sự chậm chạp trong nỗ lực khắc phục sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đã đánh bạt mọi thông tin về nỗ lực khắc phục hậu quả của vụ động đất 9 độ Richter, gây ra những đợt sóng thần đổ vào miền Đông Bắc Nhật Bản hôm 11-3.
Những vụ cháy, những cột khói trắng từ nhà máy bay lên không trung đã gây nên mối lo ngại bao trùm cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chứ không chỉ riêng gì Nhật Bản, về một thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ Chernobyl cách đây 1/4 thế kỷ.
Theo TEPCO, hiện những đám mây phóng xạ đang lan rộng ở Thái Bình Dương, còn nồng độ iốt phóng xạ trong nước biển khu vực gần nhà máy đo được thì cao gấp 1.850 lần so với mức cho phép (trong khi trước đó một ngày thì mới chỉ cao gấp 1.250 lần).
Cho dù cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản đã bác bỏ mối đe dọa trực tiếp tới đời sống biển cũng như an toàn thủy sản khi cho biết bức xạ có thể nhanh chóng bị thủy triều làm cho phân tán, song một số nước như Liên minh châu Âu, Singapore, Mỹ, Trung Quốc cũng đã tạm dừng nhập khẩu hàng nông sản và sữa từ vùng Kanto cũng như khu vực rộng lớn bao quanh Tokyo./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.