Năm ngoái, phóng viên Rupert Wingfield-Hayes của trang tin BBC đã đi qua Biển Đông trên một chiếc tàu cá và trở thành phóng viên đầu tiên được quan sát thật gần hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc tại Mischief Reef (Đá Vành khăn). (Nguồn: BBC) |
Cách nay vài ngày, ông đã trở lại Biển Đông trên một chiếc máy bay nhỏ và gây ra phản ứng giận dữ, đầy đe dọa từ phía Hải quân Trung Quốc.
Dưới đây là hành trình đặc biệt đó, được ông kể lại trên hãng tin BBC:
"Các hòn đảo, rạn đá ngầm và bãi cát ở Trường Sa là những nơi rất khó tiếp cận. Sau nhiều tháng lên kế hoạch và thương thảo, tôi đã tới Manila trong tình trạng sẵn sàng lên đường ra Biển Đông. Tuy nhiên đó là khi đồng nghiệp Chika của tôi gọi điện, cho biết phía Philippines đã không cho phép chúng tôi thực hiện chuyến đi tới đảo Pagasan (tức đảo Thị Tứ của Việt Nam) mà nước này đang chiếm đóng như kế hoạch ban đầu.
Hóa ra phía Trung Quốc đã biết chuyện và can thiệp. Đại sứ quán Trung Quốc ở Anh thậm chí còn gọi điện và cảnh báo "các vấn đề sẽ gặp phải" nếu người của BBC quyết tâm ra đảo. Sau một thời gian chờ đợi và vận động, cuối cùng chính quyền Philippines đã chấp thuận để chúng tôi lên đường.
Lúc 5 giờ 30, năm người chúng tôi tập hợp trên đường băng ở Puerto Princesa, nằm trên đảo Palawan của Philippines. 2 phi công, một thợ máy, Jiro - anh quay phim - và bản thân tôi. Trước mặt chúng tôi là một chiếc máy bay Cessna 206 một động cơ bé xíu.
Jiro và tôi lập tức nhìn nhau.
"Chúa ơi," tôi nghĩ. "Có phải chúng ta sẽ bay hơn 3 giờ trên biển lớn và hạ cánh xuống một hòn đảo bé xíu bằng cái thứ đó?"
Ngay cả các phi công trông có vẻ cũng căng thẳng. Và họ lo lắng là đúng, vì chưa ai từng làm những điều chúng tôi sắp thực hiện.
Sau khi chiếc máy bay nhỏ đã chất đầy trang thiết bị ghi hình và nhiên liệu, chúng tôi nhanh chóng cất cánh. Vài phút sau, chúng tôi đã bay qua các rặng núi của Palawan, trước khi lướt ra vùng nước xanh thẳm của Biển Đông.
Kế hoạch của chúng tôi khá đơn giản, nếu không muốn nói là quá táo tợn. Từ Palawan, chúng tôi sẽ bay thẳng tới Pagasa, hạ cánh và tiếp nhiên liệu ở đó. Sau đó, chúng tôi sẽ bay theo hướng Tây Nam, vòng quanh Đá Chữ Thập mà Trung Quốc đang chiếm đóng và xây đảo nhân tạo (trái phép). Sau đó chúng tôi trở lại Pasaga và tiếp nhiên liệu một lần nữa. Cuối cùng, chúng tôi trở lại Palawan qua hướng Đá Vành khăn, cũng nằm dưới sự chiếm đóng của Trung Quốc.
Phóng viên Rupert Wingfield-Hayes. (Nguồn: BBC) |
Mục tiêu của chúng tôi còn là tiến thật gần tới các hòn đảo nhân tạo Trung Quốc để ghi hình hoạt động xây dựng và để xem phía Trung Quốc phản ứng ra sao.
Trung Quốc hiện bị ràng buộc bởi Công ước về luật biển Liên Hợp Quốc (UNCLOS) mà nước này đã phê chuẩn. Công ước nói rằng các vùng đất nằm dưới mực nước biển, như rặng san hô đá ngầm, không thể dùng để xác định chủ quyền. Xây dựng các công trình nhân tạo trên đó cũng không thay đổi trạng thái pháp lý và giúp xác lập chủ quyền lãnh thổ.
Một quốc gia sở hữu đảo tự nhiên có thể tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và thiết lập khu vực cấm xâm phạm trong vòng 12 hải lý quanh đảo, cả trên không lẫn trên biển. Nhưng người ta không thể làm điều tương tự với đảo nhân tạo. Nói một cách khác thì chúng tôi có thể bay ngay trên các đảo nhân tạo Trung Quốc mà không vi phạm luật pháp quốc tế nào và Trung Quốc cũng không thể can thiệp vào chuyến bay của chúng tôi.
Khi chiếc máy bay của chúng tôi hạ cánh xuống Pagasa rồi lại bay lên, con tim của tôi bắt đầu đập nhanh, vừa phấn khích, vừa căng thẳng. Khoảng nửa giờ sau khi bay khỏi đảo, tôi đã thấy một dải đất màu vàng bên ngoài cửa sổ máy bay. Trên dải đất đó là một tòa nhà lớn, có màu trắng. Tôi lập tức nhận ra nó nhờ các bức ảnh chụp vệ tinh.
"Đó là Đá Gaven!" tôi nói lớn với Jiro, trong tiếng gầm gào của động cơ máy bay. "Khi chúng ta đi thuyền ngang đây hồi năm ngoái, họ mới chỉ chỉ bắt đầu bồi đắp đảo nhân tạo."
Không lâu sau khi tôi cất lời, một giọng nói lớn và mang chất đe dọa vang lên trên sóng vô tuyến. "Máy bay quân sự chưa nhận dạng ở phía Tây Đá Nanxun (tên Trung Quốc gọi Đá Gaven). Các vị đang đe dọa an ninh của trạm chúng tôi! Để tránh những tính toán sai lầm, hãy rời khu vực này ngay lập tức!"
Các phi công điều khiển chiếc Cessna của chúng tôi - rõ ràng không phải là một máy bay quân sự - đã rẽ sang hướng Tây sau khi nghe thấy thế. Nhưng các cảnh báo vẫn vang lên đều đều, cả bằng tiếng Trung Quốc lẫn tiếng Anh, mỗi lúc một lớn hơn và có vẻ tức giận hơn.
Chúng tôi bay về phía Tây Nam, hướng tới Đá Chữ Thập (Trung Quốc gọi là Yongshu). Thêm một giờ nữa trôi qua và chúng tôi có thể nhìn thấy nó từ xa - một dải màu vàng rất lớn nằm trên bề mặt đại dương.
Khi chúng tôi tiến gần tới khu vực 20 hải lý (quanh đảo nhân tạo), cảnh báo lại vang lên trên sóng vô tuyến. "Máy bay quân sự nước ngoài hoạt động ở phía Tây Bắc đảo Yongshu, đây là Hải quân Trung Quốc, các vị đang đe dọa an ninh của trạm chúng tôi!"
Lần này, các phi công lập tức có phản ứng khi rẽ ngoặt sang hướng Bắc, tránh xa Đá Chữ Thập. "Chúng ta phải tiến tới gần hơn!" tôi van vỉ với cơ trưởng. "Chúng ta phải quay lại, tôi không thể ghi hình được gì từ khoảng cách xa như thế này!"
Nhưng vô ích. Viên phi công của chúng tôi nói lời xin lỗi, cho biết anh đã nhận được các mệnh lệnh (không được tiến tới gần đảo). Những cảnh báo đã khiến các phi công run sợ. Con tim tôi chùng xuống cùng ý nghĩ rằng chúng tôi sẽ chẳng thu được gì từ chuyến bay này.
Trở lại Pagasa, khi chiếc máy bay tiếp nhiên liệu, tôi đã cố thuyết phục các phi công, nói rằng họ không phạm luật nào và người Trung Quốc sẽ không bắn hạ chiếc máy bay. "Các anh phải giữ lộ trình và nói cho họ biết rằng chúng ta là máy bay dân sự, đang di chuyển trên không phận quốc tế," tôi thuyết phục.
"Anh phải hiểu rằng chúng tôi là các phi công dân sự, không phải quân sự", họ trả lời. "Chúng tôi không thể biết họ có thể làm gì mình. Chúng tôi phải đặt an toàn lên trước."
Cuối cùng, sau nhiều giờ thương thảo, họ đồng ý sẽ thử lại thêm một lần nữa. Chúng tôi đã cất cánh lần thứ 3, trở lại phía Philippines. Tôi vô cùng căng thẳng, băn khoăn không biết liệu họ có giữ nguyên đường bay không.
Chẳng mấy chốc, một dải đất màu vàng khổng lồ lại xuất hiện phía dưới chúng tôi, mang hình dáng không lẫn đi đâu được của Đá Vành Khăn (Trung Quốc gọi là Meiji). Hai phi công hạ xuống độ cao chỉ chưa đầy 2km và ở khoảng cách 12 hải lý, các cảnh báo lại vang lên.
"Máy bay quân sự nước ngoài hoạt động ở phía Tây Bắc Đá Meiji, đây là Hải quân Trung Quốc. Các vị đang đe dọa an ninh trạm chúng tôi!"
Cơ trưởng của chúng tôi bình tĩnh đáp lại: "Hải quân Trung Quốc, đây là máy bay dân sự Philippines đang trên đường tới Palawan, chở theo hành khách dân sự. Chúng tôi không phải máy bay quân sự. Chúng tôi là máy bay dân sự một động cơ."
Trung Quốc xây dựng trái phép trên Bãi Chữ thập. (Nguồn: CSIS) |
Nhưng câu trả lời ấy cũng chẳng thay đổi được gì. "Máy bay quân sự nước ngoài ở phía Bắc Đá Meiji, đây là Hải quân Trung Quốc!" cảnh báo tiếp tục vang lên, lặp đi lặp lại.
Lần này, các phi công của chúng tôi đã "rắn" hơn. Ở khoảng cách chừng 12 dặm, chúng tôi lượn theo phía Bắc của hòn đảo nhân tạo khổng lồ. Dưới chúng tôi là một khu vực đầy các con tàu lớn nhỏ. Trên mảnh đất mới được bồi đắp là các nhà máy xi măng và phần móng của nhiều công trình mới.
Rồi khi vòng quanh một đám mây, chúng tôi đã có hình ảnh rõ ràng đầu tiên về một đường băng mới là Trung Quốc đang xây dựng trên đảo nhân tạo đó, cách bờ biển Philippines có 140 hải lý.
Tôi nhẩm tính nhanh và thấy rằng một máy bay chiến đấu Trung Quốc cất cánh từ đây có thể ở trên bờ biển Philippines chỉ trong vòng từ 8 hoặc 9 phút đồng hồ.
Khi chúng tôi bay về hướng Philippines, cả nhóm đều cảm thấy nhẹ nhõm. Chúng tôi đã thành công. Tôi thậm chí còn đùa với cơ trưởng rằng chúng tôi nên quay lại và làm thêm vòng nữa.
Thế rồi trên radio vang lên một giọng nói rất khác. "Hải quân Trung Quốc, Hải quân Trung Quốc," giọng nói trong radio nêu rõ. "Chúng tôi là máy bay Australia, đang thực thi quyền tự do đi lại, trên không phận quốc tế, theo công ước quốc tế về hàng không dân dụng và Công ước LHQ về luật biển - hết."
Chúng tôi có nghe thông điệp từ phía Australia vài lần, nhưng không thấy phía Trung Quốc trả lời. Mục đích của chuyến bay của Australia, giống một số chuyến bay khác mà Mỹ thực hiện, là nhằm phát đi thông điệp các nước này không thừa nhận chủ quyền với các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Nhưng chúng vẫn tồn tại và rõ ràng Trung Quốc đang cố gắng xác lập chủ quyền (trái phép) quanh những nơi này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.