(HNM) - Năm 2012, các chỉ tiêu của phong trào
Trong 3 năm (2009-2011), huyện Thanh Oai có duy nhất làng Rùa Thượng, xã Thanh Thùy đủ tiêu chuẩn công nhận làng văn hóa. Làng Đa Ngư, xã Cao Dương phấn đấu trong 3 năm nhưng năm nào cũng "vướng" người sinh con thứ ba. Năm 2011, huyện Thanh Oai xem xét để tái công nhận cho 13 làng thì cả 13 làng đều trượt, nhưng đến năm 2012, Thanh Oai có thêm 1 làng mới và 3 làng được tái công nhận. Còn ở Thanh Trì, năm vừa qua, tỷ lệ gia đình văn hóa của huyện đạt 87%, tăng 1% so với năm 2011; số làng, tổ dân phố giữ vững danh hiệu văn hóa 3 năm liên tục tăng từ 28 lên 30 làng. Việc cưới, việc tang ở địa phương từng bước đi vào nền nếp với 93,8% số đám cưới, 81,2% số đám tang thực hiện theo nếp sống văn minh. Tương tự, huyện Đông Anh tiếp tục dẫn đầu thành phố trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện việc tang văn minh, tiến bộ với 49% số người qua đời được đưa đi hỏa táng; các nghĩa trang được sửa sang khang trang, sạch sẽ hơn.
Năm 2012, Hà Nội có thêm nhiều làng, tổ dân phố giữ vững danh hiệu văn hóa so với năm 2011. Ảnh: Bá Hoạt |
Trên bình diện rộng, phong trào TDĐK XDĐSVH cũng có chuyển biến đáng kể. Năm 2012, Hà Nội có 84% số gia đình, 64% tổ dân phố, 53,8% số làng, 62% số đơn vị đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa, tăng lần lượt là 0,9-1,8% và 5,9% so với năm 2011. Mô hình phòng chống bạo lực gia đình được triển khai ở 29/29 quận, huyện, thị xã góp phần hạn chế nạn bạo lực gia đình, giảm số vụ ly hôn. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân. "Hà Nội sẽ có thêm 4 lò hỏa táng chạy gas với kinh phí đầu tư hàng chục tỷ đồng, sẽ có nghĩa trang công viên ở nhiều nơi và sẽ có thêm những đám cưới tổ chức tiệc ngọt, tiệc trà…", ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội khẳng định.
Không thể phủ nhận, phong trào TDĐK XDĐSVH ở Hà Nội từng bước phát triển về lượng, thay đổi về chất, song trên thực tế vẫn còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất theo phản ánh của các địa phương là việc nới lỏng tiêu chí sinh con thứ ba khi bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa theo Quy chế công nhận các danh hiệu văn hóa (ban hành kèm theo Quyết định số 06 ngày 27-4-2012 của UBND TP Hà Nội) khiến nhiều người lầm tưởng thành phố "bật đèn xanh" cho người dân sinh con thứ ba. Đơn cử như làng Vị Thủy, xã Thanh Mỹ (thị xã Sơn Tây) có 9 trường hợp sinh con thứ ba trở lên. Một cán bộ xã Thanh Mỹ bức xúc: "Khi cán bộ thôn, xã tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt, đồng thời không làm ảnh hưởng đến các phong trào của địa phương, nhiều gia đình đã phản ứng với lý do, Nhà nước không cấm, thành phố không cấm, hà cớ gì thôn, xã phải nhắc nhở. Vì trách nhiệm, cán bộ thôn, xã vẫn thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng các quy định, chứ với đà tăng dân số như hiện nay, Thanh Mỹ khó có thể xây dựng thành công làng văn hóa".
Bà Nguyễn Kim Ngân, Trưởng phòng VH-TT huyện Đông Anh cũng đồng tình với quan điểm trên: Trước đây, Hà Nội đã tạo bước đột phá cho phong trào TDĐK XDĐSVH thông qua việc đưa tiêu chí sinh con thứ ba trở lên vào làm căn cứ bình xét khi xem xét công nhận các danh hiệu văn hóa, nhưng quy chế mới lại quy định: Làng nào có số hộ sinh con thứ ba trở lên không vượt quá 2%, tổ dân phố có số hộ sinh con thứ ba không vượt quá 1% tổng số hộ kể từ thời điểm đăng ký có thể đạt danh hiệu văn hóa. Quy định này tưởng chừng sẽ góp phần khuyến khích người dân nhiệt tình tham gia xây dựng và giữ vững các danh hiệu văn hóa, nhưng thực chất các tiêu chí của làng, tổ dân phố bị hạ thấp hơn so với trước. Nguy hại hơn, sự nới lỏng tiêu chí sinh con thứ ba trong phong trào TDĐK XDĐSVH còn là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên tăng đột biến trong năm 2012. Riêng huyện Đông Anh, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên năm 2012 tăng 9,74% (tương đương với hơn 700 trẻ) so với năm 2011, trong đó đội ngũ cán bộ, công chức chiếm tỷ lệ không nhỏ. Tính chung toàn thành phố, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên cũng vượt gần 2% so với chỉ tiêu được giao… Ở góc độ này, việc Hà Nội có thêm nhiều làng, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa chưa hẳn đã là điều đáng mừng.
Cùng với xu hướng sinh con thứ ba trở lên tăng, nguồn kinh phí dành cho phong trào TDĐK XDĐSVH eo hẹp, tỷ lệ hộ nghèo tăng lên, người trong độ tuổi lao động thất nghiệp nhiều, tệ nạn xã hội từng ngày từng giờ len lỏi vào các khu dân cư… cũng là những thách thức không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng phong trào. Những câu hỏi này nếu không sớm có lời giải sẽ là thách thức lớn trong việc xây dựng phong trào TDĐK XDĐSVH trên địa bàn Thủ đô thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.