(HNM) - Thực hiện quy định phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố, nhiều cơ sở kinh doanh đã tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, do vào mùa hè nắng nóng, nhu cầu sử dụng thiết bị điện tăng đột biến, nên các cơ quan chức năng, địa phương trên địa bàn Thủ đô vẫn cần triển khai các giải pháp phòng tránh, để giảm nỗi lo cháy, nổ do điện trong những ngày nắng nóng.
Nguy cơ chập, cháy thiết bị điện
Chiều 19-6, một cơ sở kinh doanh ăn uống tại số 68 phố Lê Văn Thiêm (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) bất ngờ bốc cháy. Vụ cháy không gây thiệt hại về người do thời điểm cháy, cơ sở đã tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19… Trước đó, trưa 14-6, một kho lạnh tại ngách 37, ngõ 238 đường Âu Cơ (phường Quảng An, quận Tây Hồ) cũng xảy ra cháy.
Theo điều tra ban đầu, hai vụ việc này đều có nguyên nhân từ chập, cháy thiết bị điện. Đáng lưu ý, số vụ cháy có nguyên nhân từ điện chiếm tỷ lệ 70% tổng số vụ cháy trong 2 tháng trở lại đây, tăng khoảng 10% so với thời gian liền kề trước đó.
Trung tá Vũ Hoài Nam, Đội trưởng Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực 4 (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an thành phố Hà Nội) cho biết, thời gian qua, nhiều hộ kinh doanh, trong đó phần lớn là hộ có nhà ở kết hợp kinh doanh đang tạm dừng hoặc thu nhỏ quy mô hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. “Mặc dù vậy, các thiết bị điện, như: Tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ… vẫn được sử dụng với công suất cao, đặc biệt là khi thời tiết nắng nóng. Trong khi đó, hệ thống điện tại các cơ sở chưa được quan tâm bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ, khiến nguy cơ quá tải gây chập, cháy các thiết bị rất cao”, Trung tá Vũ Hoài Nam nói.
Theo chị Vũ Thị Thùy, kinh doanh dịch vụ ăn uống tại phường Kiến Hưng (quận Hà Đông), mặc dù chỉ bán mang về nhưng thời gian gần đây nhu cầu sử dụng tủ lạnh, tủ cấp đông nhiều hơn so với bình thường do đồ ăn bán được ít, thời tiết lại nắng nóng, toàn bộ thực phẩm phải cho vào tủ lạnh, tủ cấp đông để bảo quản.
Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh thiết bị điện cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Quang Trung (quận Đống Đa) Nguyễn Anh Tuấn thông tin, các lực lượng chức năng của phường vừa kiểm tra 42 cơ sở kinh doanh thiết bị điện trên các phố Nguyễn Lương Bằng và Tây Sơn, phát hiện 29 hộ có nguy cơ cháy, nổ cao. Nguyên nhân, các hộ này đều sử dụng thiết bị điện có công suất lớn, hoạt động liên tục, trong khi hệ thống điện chưa được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên.
Không chỉ là cảnh báo đơn thuần, thực tế vào ngày 1-6 vừa qua, một cơ sở kinh doanh thiết bị điện, nước tại số 203A đường Phú Diễn (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) đã xảy ra cháy do chập điện, gây nhiều thiệt hại về tài sản.
Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn người dân
Trung tá Nguyễn Minh Thành, Phó Trưởng Công an quận Đống Đa cho biết, trước nguy cơ cháy, nổ cao, Công an quận đã yêu cầu Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phối hợp với Công an các phường kiểm tra toàn bộ địa bàn, kịp thời phát hiện, chỉ ra những tồn tại, nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ ở các cơ sở kinh doanh để khắc phục, xử lý. Cùng với đó, lập biên bản xử lý đối với các cơ sở không đáp ứng yêu cầu an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Trung Cường, các phường trên địa bàn đều tổ chức lực lượng đi từng nhà vận động, hướng dẫn người dân tự giác cùng với chính quyền, lực lượng công an mở lối thoát nạn thứ hai. Đến nay, cơ bản người dân đều nhận thức được tầm quan trọng của lối thoát hiểm, từ đó đồng thuận thực hiện.
Thống kê của Công an thành phố cho thấy, trên địa bàn Thủ đô hiện có 100.605 cơ sở nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, công an các địa phương quản lý 13.928 cơ sở, UBND cấp xã quản lý 86.677 cơ sở. Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố thông tin, sau 2 tháng triển khai đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, Công an thành phố đã tổ chức 10.315 lượt kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy. Qua kiểm tra, đã phát hiện 3.430 thiếu sót, 152 vi phạm; lập 53 biên bản vi phạm về phòng cháy, chữa cháy với tổng số tiền phạt hơn 156 triệu đồng. Bên cạnh đó, 100% các cơ sở đều được hướng dẫn khắc phục và ký cam kết khắc phục khi phát hiện các tồn tại không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Để phòng ngừa nguy cơ cháy, nổ do điện trong những ngày hè nắng nóng, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần sắp xếp đồ dùng, phương tiện, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0,5m. Hệ thống điện phải có thiết bị bảo vệ, chống quá tải, đoản mạch; không sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện chung một ổ cắm; tắt các thiết bị điện khi không cần thiết hoặc khi ra khỏi nhà…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.