Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phong thủy hiện đại trong bất động sản (tiếp)

Mr. Địa Lâm| 27/08/2012 10:28

(HNNN) - Bên cạnh đó, với kiểu chia lô đất, xây nhà hình ống san sát nhau như hiện nay ở thành phố thì sự xung khắc khí vận không thể tránh khỏi (vì hoàn toàn không có khoảng cách tối thiểu), nếu không muốn nói là gay gắt, thông qua biểu hiện giao tiếp, mâu thuẫn và hành xử xảy ra hàng ngày.


Tuy cũng là một đất nước chịu ảnh hưởng của Nho giáo phương Đông khá sâu sắc như Việt Nam, nhưng trong cuốn sách Phong thủy trong bất động sản, nhà nghiên cứu tự nhiên và kiến trúc Jo Incheol của Hàn Quốc đã không đi theo đường mòn lý thuyết sáo rỗng của các nhà phong thủy Trung Quốc và Việt Nam. Độc giả không thấy nặng nề, bí hiểm với những tầm long-điểm huyệt-minh đường-tụ thủy-địa bàn-la hình cùng vô số thế đất, sơ đồ đắc địa như tranh vẽ, mà tác giả tập trung phân tích những điều cần biết khi muốn ứng dụng phong thủy vào bất động sản.

Phần 4: Xem địa hình, địa thế (trang 46)

Địa lý là điều đầu tiên cần lưu ý khi quan sát đất theo phong thủy bất động sản. Địa khí và khí vận đều có bản chất như sóng. Phong thủy cho rằng, địa khí di chuyển một chiều theo sườn núi giống như nước. Địa thế là hình thể ngọn núi so với khu vực quanh nó. Địa hình là bề mặt núi và các yếu tố tạo nên ngọn núi.

- Cách phân tích này cũng như những khái niệm khoa học đã trình bày trong các phần trước, đều xác định địa khí cũng là cách gọi khác của tia đất. Dù ở dạng nào, hình gì cũng đều minh chứng rõ ràng rằng, có tia đất và nó luôn hiện diện khắp nơi, mặc dù không thể nhìn thấy được, nhưng chúng ta vẫn phải chấp nhận những tác động hoặc tích cực hay tiêu cực của nó trong đời sống con người. Với địa thế và địa hình thì con người hoàn toàn có khả năng cải tạo và thay đổi (như những công trình phá núi, san đường, lấn biển, ngăn sông…). Còn địa khí hay tia đất không thể tính toán chính xác cường độ, mức độ, mật độ phân bổ, chu kỳ, tần suất và thời gian tác động. Vấn đề đặt ra cho khoa học là tìm cách bắt tia đất hiện nguyên hình, rồi chia theo năm loại địa khí (ngũ hành) để xác định bản chất và tác động, từ đó mới có thể xử lý theo hướng tích cực được.

Phần 5: Địa điểm tốt (trang 54)

Phong thủy hiện đại đề cập đến 4 tiêu chuẩn chọn lựa vị trí thích hợp để xây nhà và sinh sống. Đó là Địa lý (nguồn nước, hình thế đồng bằng, màu sắc đất, hướng núi sông, thủy lý); Sinh lợi (đất đai màu mỡ, giao thông thuận lợi, tài nguyên phong phú, nhân lực dồi dào); Nhân tâm (như Khổng Tử nói sống ở nơi đất lành và con người nhân hậu thì tốt, vậy nên hiểu con người bao gồm cả văn hóa, phong tục); Sơn thủy (gồm cả địa khí, địa thế, địa hình).

- Trong các yếu tố quan trọng đã nêu, thì cái gọi là Sơn thủy (phong thủy) chỉ được liệt kê ở hàng cuối cùng. Nếu phân tích chính xác hơn, từng chủ thể (con người cụ thể lựa chọn và sử dụng đất) sẽ có cân nhắc tiêu chuẩn theo mục đích riêng của mình. Ví dụ để kinh doanh buôn bán, sẽ chọn yếu tố sinh lợi hàng đầu, nếu phát triển văn hóa giáo dục sẽ chú trọng yếu tố nhân tâm, nếu phát triển công nông nghiệp, kỹ thuật phải chọn địa lý, chỉ có người tin và thích phong thủy mới chọn Sơn thủy trước tiên. Nhưng mục đích để làm gì thì mông lung, bởi nếu chỉ tìm sơn thủy đẹp ngồi ngắm và chọn sẵn long mạch đợi khi chết sẽ chôn thì… quá viển vông, hão huyền, vì chắc gì chủ đất đã là người tốt (xem thêm phần đồng khí cảm ứng)?

Phần 6: Khí vận của tòa nhà (trang 74)

Theo phong thủy, một tòa nhà tốt phải tọa lạc ở khu đất tốt và có hình thái, vị trí tốt, quy mô tương xứng, phát huy được hiệu quả sử dụng. Quy mô của tòa nhà bao giờ cũng phải phù hợp với đặc điểm khu đất. Việc giới hạn về thể tích và diện tích đều nhằm điều chỉnh lượng khí. Phong thủy quan niệm rằng, phạm vi không gian bên trong tòa nhà lớn hơn mức cần sử dụng sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho con người vì nó chứa nhiều âm khí. Tòa nhà có khí vận tốt càng nhỏ càng tốt, tòa nhà có khí vận xấu càng lớn càng xấu (khí vận bao gồm cả chất-hình-lượng khí). Dù tòa nhà có tốt đến đâu đi nữa, nhưng thời gian trôi qua thì mức độ tốt cũng sẽ giảm xuống. Nói cách khác, cường độ dương khí sẽ thay đổi theo không gian, thời gian. Ngoài ra, giữa các tòa nhà có xung đột khí. Nếu không muốn xảy ra xung khắc giữa các tòa nhà có khí vận khác nhau, thì giữa chúng phải có khoảng cách hợp lý.

- Lý thuyết nêu trên hoàn toàn đúng với thực tế ở tất cả nơi nào có nhà ở, nhà xây và đặc biệt đúng với những khu nhà cao tầng trong các đô thị lớn. Phần đông người dân quan niệm đã xây nhà phải to-rộng-hoành tráng để chứng tỏ sự giàu sang phú quý, vậy nên nhiều gia đình chỉ có hai vợ chồng (con cái đã lập gia đình, ra ở riêng) cũng xây nhà 4-5 tầng trên diện tích đất 60-70m2! Chưa cần xem khí vận tốt xấu của tòa nhà cũng đã thấy nhà có rất nhiều âm khí (do một số phòng và cả tầng để trống không có nhu cầu sử dụng dài dài). Tương tự như vậy, tại các khu chung cư cao tầng còn rất nhiều căn hộ bỏ không vài năm vì không bán được, chưa cho thuê được hoặc mua chỉ để đầu cơ tài sản, những căn hộ này đương nhiên cũng chỉ toàn âm khí. Bên cạnh đó, với kiểu chia lô đất, xây nhà hình ống san sát nhau như hiện nay ở thành phố thì sự xung khắc khí vận không thể tránh khỏi (vì hoàn toàn không có khoảng cách tối thiểu), nếu không muốn nói là gay gắt, thông qua biểu hiện giao tiếp, mâu thuẫn và hành xử xảy ra hàng ngày.

Phần 7: Điều chỉnh nhà có sát khí (trang 138)

Vậy nhà thế nào là tốt? Đây là câu hỏi khó trả lời, bởi theo phong thủy, câu hỏi “cái gì thích hợp với mình?” cần thiết hơn câu hỏi “cái gì tốt hơn?”. Để trả lời câu hỏi này cần phải tìm hiểu kỹ khí vận hoặc tính cách của người hỏi, vì ngôi nhà tốt hay xấu tùy theo từng người sử dụng. Thông thường, một tòa nhà phát sinh sát khí là do nó có hình thái và vật liệu xây dựng không phù hợp nên đã làm cho một khí vận nào đó trong ngũ hành trở nên quá mạnh. Từ xưa, người ta đã nghĩ ra 5 loại vật liệu hợp theo Ngũ hành, tuy nhiên vì không thể sử dụng trực tiếp khí Hỏa và Thủy nên dùng thông qua các vật thay thế (dùng nước trộn với đất rồi nung gạch là đã có khí Thủy-Thổ-Hỏa) rồi. Trường hợp nhiều người xây nhà ở bằng gỗ để tăng sức khỏe, nhưng không phải Mộc nào cũng tạo ra khí Mộc tốt cho con người, hay như khí Thổ tạo cảm giác bình yên, nhưng trong kiến trúc nếu đất ở trạng thái cứng vừa phải và được duy trì ở độ ẩm thích hợp thì sẽ cung cấp sinh khí Thổ, nếu ngược lại nó sẽ thành sát khí Thổ gây hại cho con người. Vì thế, cần phải điều chỉnh sinh khí của nhà theo chu kỳ giống như chu kỳ sinh khí của đất.

- Đúng là thực tế có những nhà, đất hợp và không hợp với người đến sinh sống. Người này vào ở thì ốm đau, bệnh tật, kiện tụng, tang ma… nhưng khi người khác đến ở thì tươi tắn, khỏe khoắn, làm ăn phát đạt, sinh con trai…Vì thế không thể khẳng định nhà này tốt-nhà kia xấu, mà phải trả lời câu hỏi, ai ở nhà nào thì hợp đất! Muốn như vậy, thì phải có quy trình đánh giá, khảo sát để xác định khí vận của nhà đất, thiên về vật liệu gì, dư thừa khí gì để xử lý cho cân bằng như chữa bệnh theo phương pháp bốc thuốc của trung y vậy. Ngay cả vấn đề khó khăn nhất là điều chỉnh sinh khí trong nhà theo chu kỳ hoàn toàn có thể thực hiện được, nếu như sử dụng phương pháp khảo sát hiện đại và xử lý đúng với nguyên lý sinh khắc Ngũ hành. Không phải như hiện nay, rất nhiều cửa hàng phong thủy mọc lên ầm ầm, chủ yếu bày bán đủ các loại từ đá màu, con thú kỳ lân, rồng, nghê, sư tử, tỳ hưu, rùa đá… đến thủy tinh, la bàn, gương bát quái, chuông gió mà quảng bá là giúp cải tạo phong thủy cho tất cả các ngôi nhà và chủ nhà phát tài, phát lộc, may mắn, mạnh khỏe thì hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Trường hợp những nhà đã có dư thừa Thổ rồi lại chất thêm Thổ vào nhà thì sát khí càng nặng hơn, những nhà đang thừa Kim lại bổ sung một số con vật bằng đá nữa thì đúng là tự sát. Như vậy, vì không có hiểu biết căn bản về phong thủy, chỉ tranh thủ chộp giật, kinh doanh theo trào lưu thời vụ, mà những người tự xưng là thầy phong thủy trở thành bịp bợm, dẫn dắt khách hàng của mình vào thế giới huyền bí, mụ mẫm với ảo tưởng sẽ cải vận, đổi đời nhờ phong thủy!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phong thủy hiện đại trong bất động sản (tiếp)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.