(HNMO) - Thông tấn xã Giải phóng (nay là Thông tấn xã Việt Nam) kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngày 11-10, tại thành phố Hồ Chí Minh, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960 - 12/10/2020) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương.
Cùng dự buổi lễ có các đồng chí lãnh đạo TTXVN qua các thời kỳ, đại diện thân nhân các gia đình liệt sĩ; cán bộ, phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) và phóng viên chiến trường của Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX), nay là TTXVN.
Cách đây tròn 60 năm, đúng 19h ngày 12-10-1960, tại khu rừng Chàng Riệc (Tây Ninh), TTXGP phát đi bản tin đầu tiên thông báo cho quốc dân đồng bào và bè bạn trên thế giới: “TTXGP là cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, có nhiệm vụ phổ biến tin tức và kinh nghiệm đấu tranh phong phú của đồng bào ở khắp nơi, phản ánh uy thế ngày càng lớn của phong trào cách mạng và sự suy sụp của tập đoàn thống trị miền Nam. Ngoài ra, TTXGP cũng sẽ cung cấp một số tài liệu về tình hình địch và ta để vạch trần âm mưu, ý đồ của địch cũng như để làm sáng tỏ đường lối, chính sách của cách mạng”.
Tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi đã điểm lại chặng đường vẻ vang của TTXGP. Từ năm 1960 đến năm 1976, TTXGP luôn đi tiên phong trong công tác thông tin tuyên truyền, trở thành cơ quan chủ lực trong khối thông tấn báo chí cách mạng ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và giai đoạn đầu thống nhất đất nước.
Từ năm 1959 đến năm 1975, VNTTX đã cử vào chiến trường gần 450 người; trong đó, chi viện cho TTXGP và chiến trường Nam Bộ 236 người. Ngày 24-5-1976, trước tình hình và yêu cầu mới của cách mạng, VNTTX và TTXGP chính thức hợp nhất. Đến ngày 12-5-1977, được đổi tên thành TTXVN.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, để có được hòa bình, độc lập như ngày hôm nay, hàng triệu đồng bào, đồng chí, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, dũng cảm hy sinh vì Tổ quốc, trong đó có hơn 240 cán bộ, phóng viên TTXGP đã ngã xuống, nhiều đồng chí đã để lại một phần thân thể trên chiến trường, nhiều Phân xã đã bị xóa sổ hoàn toàn. TTXGP là cơ quan báo chí có số lượng nhà báo hy sinh lớn nhất trong lịch sử báo chí cách mạng. Đây thực sự là tổn thất vô cùng lớn nhưng cũng là niềm tự hào của TTXVN.
Với những thành tích và sự hy sinh lớn lao đó, TTXGP đã được Trung ương Cục miền Nam khen tặng 16 chữ vàng “Cần cù dũng cảm, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”.
“Hôm nay, TTXGP vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - phần thưởng cao quý, thể hiện sự ghi nhận, trân trọng của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp, thành tích đặc biệt xuất sắc của tập thể các phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên, nhân viên TTXGP trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tiếp bước truyền thống vẻ vang và tự hào của TTXGP, TTXVN ngày nay - cơ quan thông tin chiến lược, tin cậy của Đảng và Nhà nước, đã ngày càng phát triển lớn mạnh, không chỉ trong nước mà còn hội nhập sâu rộng và hợp tác với nhiều tổ chức báo chí lớn trên thế giới”, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh đã thực hiện nghi lễ trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân phong tặng TTXGP.
Nhân dịp này, TTXVN đã tổ chức trưng bày ảnh “TTXGP Anh hùng”, giới thiệu 60 bức ảnh tư liệu đen trắng tái hiện quá trình xây dựng, phát triển của TTXGP và ra mắt cuốn sách “TTXGP Anh hùng” do Nhà xuất bản Thông tấn ấn hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.